Sáng 4-6, tại Quảng trường Bình Minh, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) phối hợp UBND tỉnh Nghệ An, tổ chức Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6) và ngày Đại dương thế giới (8-6) năm 2023.
Đã trao và ký kết trao hơn 1,8 triệu lá cờ Tổ quốc
Tại sự kiện này, Ban Biên tập Báo Người Lao Động trao tặng ngư dân Nghệ An 10.000 lá cờ Tổ quốc từ hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc"; trao tặng cờ Tổ quốc, một số túi thuốc và cơ số thuốc phục vụ sơ cấp cứu trên biển.
"Tính đến nay, qua các đợt trao tặng, Báo Người Lao Động đã tặng tổng cộng 45.000 lá cờ Tổ quốc đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An" - ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, thông tin.
Ông Bùi Thanh Liêm (giữa), Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, trao bảng tượng trưng 10.000 lá cờ Tổ quốc cho ông Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An (trái) và trao lá cờ Tổ quốc cho ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Theo ông Bùi Thanh Liêm, xuất phát từ lòng yêu nước và trách nhiệm của người làm báo, với mong muốn góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo Tổ quốc, vào tháng 6-2019, nhân Tuần lễ Biển đảo Việt Nam tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Biên tập Báo Người Lao Động đã phát động và thực hiện chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" - hiện chương trình này là 1 trong 3 hợp phần của chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc".
Đến nay, sau 4 năm thực hiện, Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao 1.812.620 lá cờ Tổ quốc đến đồng bào các tỉnh, thành toàn quốc. Trong đó, hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" đã trao và ký kết trao 1.160.370 lá cờ cho ngư dân 28/28 tỉnh, thành phố có biển; 335.550 lá cờ từ hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" đến 24 tỉnh có biên giới trên bộ và 316.700 lá cờ từ hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" để xây dựng đường cờ đến các di tích lịch sử - văn hóa tại 34 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Thêm tự hào và tự tin
Sau sự kiện trao cờ Tổ quốc cho lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đoàn công tác của Báo Người Lao Động đã có mặt tại cảng cá ở thị xã Cửa Lò để thăm hỏi, tặng cờ Tổ quốc cho các ngư dân đang neo đậu tàu thuyền tại đây.
Nhận lá cờ từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", ngư dân Phùng Bá Huynh (62 tuổi, ngụ phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò) cho biết ông đã có hơn 30 năm làm nghề trên biển nên hiểu rất rõ về ý nghĩa của lá cờ Tổ quốc trên những con tàu ra khơi. Gắn lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu, đặc biệt khi lênh đênh trên biển, thực sự rất tự hào và tự tin ở mỗi chuyến ra khơi.
"Được sự quan tâm của quý báo mà cụ thể là chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" và các cấp chính quyền về trao cờ cho bà con, tôi rất phấn khởi. Bản thân tự hứa sẽ luôn cố gắng vươn khơi để không phụ lòng tin yêu của mọi người, để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc" - ông Huynh chia sẻ.
Ngư dân thị xã Cửa Lò trân trọng treo cờ Tổ quốc vừa được trao tặng lên con tàu của mình. Ảnh: HỮU THẮNG
Ông Nguyễn Tiến Lợi - Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò - cũng bày tỏ lòng cảm ơn tới Báo Người Lao Động khi đã trao tặng cho ngư dân những lá cờ Tổ quốc vô cùng ý nghĩa và cần thiết khi đi biển.
"Đối với ngư dân, khi ra biển, cờ Tổ quốc phía trên nóc mỗi con tàu là thể hiện chủ quyền quốc gia ở đó, là cột mốc sống trên biển. Vì vậy, mọi ngư dân khi thấy cờ Tổ quốc sẽ đoàn kết hơn, xích lại gần nhau hơn, giúp nhau vượt qua khó khăn, tai ương trên biển" - ông Lợi nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, đánh giá "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động là chương trình có ý nghĩa đặc biệt, đã khơi dậy, củng cố mạnh mẽ lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã được nhận 45.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" của Báo Người Lao Động.
"Những lá cờ Tổ quốc và những phần quà trao tặng cho tỉnh Nghệ An là món quà hết sức quý báu; là nguồn cổ vũ, động viên, tiếp thêm sức mạnh, động lực cho ngư dân, các chiến sĩ biên phòng và đồng bào biên giới tỉnh Nghệ An yên tâm bám đất, giữ biên cương, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc nơi tuyến đầu Tổ quốc" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, cho biết ngoài trao cờ Tổ quốc, chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" do Báo Người Lao Động quản lý đã trao hàng trăm triệu đồng cho các học sinh nghèo tại tỉnh Nghệ An.
Ông Hiếu nhận định những phần quà giàu ý nghĩa đã giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thêm động lực vượt khó, vươn lên trên hành trình học tập, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội sau này.
Chung tay bảo vệ môi trường biển và đại dương
Phát biểu tại Lễ phát động quốc gia Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Tháng Hành động vì môi trường hưởng ứng ngày Môi trường thế giới, ngày Đại dương thế giới, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh chỉ rõ Việt Nam đang đứng trước không ít thách thức khi vấn đề ô nhiễm trắng (ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi ni-lông) có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Cùng với khoảng 50% dân số cả nước sống ở các vùng đất thấp và ven biển, Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương và chịu nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nước biển dâng.
Theo Bộ trưởng Bộ TN-MT, công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên biển và hải đảo của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường biển có dấu hiệu bị ô nhiễm; nguồn lợi thiên nhiên, đa dạng sinh học tiếp tục suy giảm; việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển, hải đảo còn chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về khai thác, sử dụng tài nguyên chưa cao; thói quen tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nhựa một lần đã và đang đặt ra những sức ép to lớn với công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cùng các đại biểu tham gia nhặt rác, làm sạch biển tại thị xã Cửa Lò. Ảnh: HỮU THẮNG
Người đứng đầu ngành TN-MT kêu gọi các bộ, ngành, cơ quan đoàn thể ở trung ương, chính quyền địa phương và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hãy có những hành động thiết thực để giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ biển và đại dương; khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
Còn theo bà Ramla Khalidi - Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - sử dụng bền vững biển và đại dương sẽ là chìa khóa để xây dựng một tương lai thịnh vượng, bền vững cho người dân Việt Nam.
Đại diện UNDP chia sẻ 3 mục tiêu mà Việt Nam cần hướng tới, gồm: tăng cường nỗ lực chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế biển bền vững, đẩy nhanh quy hoạch không gian biển và tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng ven biển dễ bị tổn thương.
Bà Ramla Khalidi nhấn mạnh quy hoạch không gian biển là cần thiết để khai thác tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi rất lớn của Việt Nam. Nếu vấn đề này được hiện thực hóa có thể góp phần đáp ứng các mục tiêu năng lượng đầy tham vọng trong Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 và đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Văn Duẩn