Chuyên mục  


Sáng 17/12, ông Johnson đứng trong phòng họp báo, không lo lắng về triển vọng tái đắc cử trong khóa tới. Mọi thứ bắt đầu đảo lộn khi ông Johnson công bố dự luật ngân sách hơn 1.500 trang do ông thương lượng với phe Dân chủ nhằm ngăn chính phủ đóng cửa.

Tài liệu lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt từ hàng loạt nghị sĩ Cộng hòa, Tổng thống đắc cử Donald Trump và tỷ phú Elon Musk, lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) trong chính quyền mới.

Những người phản đối muốn loại bỏ các điều khoản không liên quan được thêm vào dự luật như tăng lương cho các nghị sĩ, kiểm soát những khoản phí khách sạn ẩn. Ông Trump nhấn mạnh ông muốn bổ sung điều khoản về nới trần nợ công. "Nếu đảng Dân chủ không hợp tác về vấn đề trần nợ công ngay bây giờ, điều gì khiến mọi người nghĩ rằng họ sẽ làm điều đó trong nhiệm kỳ của chính quyền chúng tôi?", Tổng thống và Phó tổng thống đắc cử viết trong một tuyên bố chung.

Sức ép gia tăng buộc ông Johnson phải đưa ra "Kế hoạch B", tức phiên bản hai của dự luật, rút gọn đi nhiều nội dung. Ông Trump ủng hộ dự luật này nhưng Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đã bác bỏ nó vào ngày 19/12. Cuối cùng, "Kế hoạch C" được đưa ra với nội dung gần như giống hệt "Kế hoạch B" nhưng không có điều khoản về đình chỉ trần nợ công trong hai năm mà ông Trump đề ra.

Hạ viện Mỹ ngày 20/12 phê duyệt phiên bản thứ ba này và Thượng viện đã thông qua ngay trong đêm. Chính phủ Mỹ thoát nguy cơ đóng cửa nhưng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang phải đối mặt tương lai bấp bênh.

"Tôi có bị tra tấn cũng không làm vậy", nghị sĩ Cộng hòa Thomas Massie, bang Kentucky, trả lời Wall Street Journal về ý định bỏ phiếu bầu Johnson làm Chủ tịch Hạ viện khóa mới.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tại cuộc họp báo ở Đồi Capitol ngày 17/12. Ảnh: AP

Ông Johnson, 52 tuổi, nghị sĩ Cộng hòa bang Louisiana, được bầu làm Chủ tịch Hạ viện vào tháng 10/2023, kết thúc ba tuần "tê liệt" của cơ quan này sau khi người tiền nhiệm Kevin McCarthy bị phế truất. Lý do McCarthy mất ghế cũng liên quan ngân sách ngắn hạn mà ông thương lượng với phe Dân chủ được thông qua cuối tháng 9 cùng năm.

Kết quả bầu cử hồi tháng 11 cho thấy phe Cộng hòa tiếp tục giữ thế đa số tại Hạ viện khóa mới, nhưng sít sao hơn, chênh lệch chỉ vài ghế. Trong khi đó, Johnson đang là Chủ tịch Hạ viện ít kinh nghiệm nhất trong hơn một thế kỷ, chưa bao giờ lãnh đạo một ủy ban hay giữ vai trò cấp cao trong cơ quan này.

Với nền tảng không vững chắc, và giả định không nghị sĩ Dân chủ nào bầu cho ông, Johnson cần phải đảm bảo không bị nghị sĩ Cộng hòa nào phản đối nếu muốn đắc cử. Do đó, Chủ tịch Hạ viện đã nỗ lực hạ nhiệt những chỉ trích nhằm vào ông ở Đồi Capitol.

Ông chấp thuận bổ nhiệm nghị sĩ Marjorie Taylor Greene, bang Georgia, làm chủ tịch một tiểu ban mới thành lập sẽ phối hợp với DOGE. Bà Greene từng dẫn đầu nỗ lực phế truất ông Johnson hồi tháng 5 nhưng bất thành.

Johnson còn củng cố quan hệ với ông Trump. Chủ tịch Hạ viện thường xuyên đến Mar-a-Lago để tham vấn, xuất hiện cùng Tổng thống đắc cử tại nhiều sự kiện để thể hiện lòng trung thành. Ông Trump từng lên tiếng ủng hộ Johnson làm chủ tịch Hạ viện hồi tháng 10/2023.

Nhưng những nỗ lực này đã bị lu mờ bởi dự luật hơn 1.500 trang. Ông Musk, tỷ phú đang có quan hệ mật thiết nhất với ông Trump, ngày 18/12 đăng hàng loạt bài trên X để phản đối. Tổng thống đắc cử cũng thể hiện quan điểm tương tự, khiến dự luật "chết yểu".

"Bất cứ ai ủng hộ một dự luật không giải quyết được vấn đề trần nợ công với phe Dân chủ đều đáng bị mất ghế ngay khi có thể", ông Trump trả lời Fox News ngày 19/12. "Nếu Chủ tịch Hạ viện hành động kiên quyết, cứng rắn, loại bỏ mọi bẫy mà phe Dân chủ đặt ra, ông ấy sẽ giữ ghế một cách dễ dàng".

Trong khi đó, bà Greene tỏ ý sẵn sàng ủng hộ ông Musk làm Chủ tịch Hạ viện, bởi ứng viên cho vị trí này không nhất thiết phải là một nghị sĩ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Kentucky Rand Paul có chung ý tưởng.

"Với thế đa số sít sao như vậy, ông Johnson đã làm tốt và trụ vững lâu hơn dự đoán, cho đến khi sai lầm khổng lồ này xuất hiện", Ron Bonjean, cố vấn lâu năm của đảng Cộng hòa ở Washington, nói với Reuters, nhắc đến dự luật. "Nhưng cũng khó tìm ra người có thể lãnh đạo hiệu quả một Hạ viện chia rẽ như vậy".

Quốc hội Mỹ khóa mới bắt đầu làm việc từ ngày 3/1/2025. Ông Johnson có thể tái đắc cử Chủ tịch Hạ viện hay không sẽ tùy thuộc đáng kể vào sự ủng hộ từ ông Trump. Tổng thống đắc cử hiện chưa thể hiện phẫn nộ với ông Johnson, và ông Musk đã khen ngợi Chủ tịch Hạ viện vì nỗ lực sửa đổi dự luật. Johnson mô tả ông giống tiền vệ trong đội bóng mà ông Trump là huấn luyện viên trưởng.

"Chúng ta hãy chờ xem", ông Trump nói khi được hỏi về niềm tin Tổng thống đắc cử dành cho ông Johnson.

Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson trả lời phóng viên tại tòa nhà quốc hội ngày 28/6. Ảnh: AFP

Các thành viên đảng Cộng hòa mang quan điểm trái chiều về tương lai của ông Johnson. "Ai đó sẽ mất chức sau chuyện này", thượng nghị sĩ bang Utah Mike Lee nói. "Tôi không nghĩ ông Johnson có thể tiếp tục giữ ghế".

"Johnson là chủ tịch giỏi. Ông ấy giỏi thương lượng. Ông ấy sẽ ổn thôi", theo hạ nghị sĩ bang Montana Sam Graves.

Nhưng theo Grant Reeher, giáo sư khoa học chính trị tại Trường Maxwell về Công dân và Công vụ, Đại học Syracuse, bang New York, phe Cộng hòa sẽ tránh phế truất Johnson, bởi họ từng chứng kiến sự hỗn loạn khi làm vậy với ông McCarthy.

"Tôi nghĩ Tổng thống đắc cử Trump sẽ can thiệp nếu cần thiết, bởi phế truất Johnson không phải khởi đầu tốt cho chính quyền của ông", ông Reeher nói với Newsweek.

Như Tâm (Theo Reuters, WSJ, Newsweek)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020