Chuyên mục  


benh-hiem1-17194999123501566007300-47-0-706-1054-crop-1719499925582856039485.jpgTin sáng 28/6: Điều trị ca bệnh hiếm đầu tiên tại Việt Nam, cả thế giới chỉ có 10 ca; nam tiếp viên hàng không trộm túi hiệu 600 triệu đồng của người tình

GĐXH - Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu sống nam bệnh nhân 19 tuổi mắc căn bệnh hiếm chưa từng được ghi nhận trong y văn Việt Nam; Ngủ qua đêm ở nhà người tình, nam tiếp viên hàng không đã trộm túi xách hàng hiệu trị giá hàng trăm triệu.

Nhiều người được tăng lương hưu tuyệt đối từ 1/7

Từ ngày 1/7, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng sau khi được điều chỉnh tăng lương hưu mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng thì lại được tăng lên bằng 3,5 triệu đồng.

Theo dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, từ ngày 1/7/2024, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng sẽ tăng thêm 15%; mức trợ cấp xã hội tăng từ 360 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng/tháng (tăng 38,9%).

Bên cạnh đó, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/1995, sau khi được điều chỉnh tăng lương hưu mà có mức hưởng thấp hơn 3,5 triệu đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm 300 nghìn đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3,2 triệu đồng/người/tháng; tăng lên bằng 3,5 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Như vậy, những người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh lương hưu, trợ cấp tới 2 lần.

Bà Lê Thị Thu (65 tuổi) ở Thanh Hoá, về hưởng chế độ mất sức từ tháng 5/1993. Hiện nay, hàng tháng bà Thu được nhận chế độ hưu trí gần 2 triệu đồng.

Theo chính sách tăng lương hưu, trợ cấp hàng tháng, từ 1/7, ngoài mức lương hưu được điều chỉnh tăng chung 15%, bà Thu sẽ được điều chỉnh tăng thêm 300 nghìn đồng/ tháng.

Bà Thu cho biết, mức hưởng trợ cấp hàng tháng hiện nay thấp so với mặt bằng chung của lương hưu, do vậy việc Nhà nước quan tâm điều chỉnh tăng thêm 300 nghìn đồng/tháng cho những người lương thấp sẽ góp phần rút ngắn khoảng cách của những người hưởng lương hưu.

Đặc biệt, việc điều chỉnh tăng lương hưu 2 lần sẽ giúp cuộc sống về già của nhiều người bớt khó khăn hơn.

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ có hơn 3,3 triệu người được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và khoảng 300 nghìn người hưởng lương hưu, trợ cấp từ trước ngày 1/1/1995 được điều chỉnh theo số tiền tuyệt đối; ngân sách Nhà nước chi trả.

Dự kiến, kinh phí tăng thêm từ ngân sách Nhà nước trong 6 tháng cuối năm 2024 để tăng lương hưu, trợ cấp hằng tháng khoảng 3.700 tỷ đồng.

Quỹ BHXH cần hơn 12.500 tỷ đồng để chi trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng trong 6 tháng cuối năm 2024.

Để đảm bảo tốt nhất việc chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH cho người thụ hưởng một cách kịp thời, nhanh chóng, chính xác, BHXH Việt Nam đã lên các phương án cụ thể, ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình chi trả; phối hợp giải quyết, xử lý dứt điểm tình huống phát sinh, phản ánh kịp thời vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

BHXH Việt Nam cho biết, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu.

Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 - 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Mức hưởng lương hưu không phải cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu.

Giây phút chàng trai lao ra dòng lũ dữ cứu bé gái

img-20240628-084850-661-17195605647932044281940.jpg

Anh Trần Mạnh Cường không ngại hiểm nguy cứu cháu Oanh khỏi dòng nước xiết. Ảnh: XĐ

 

Khoảng 16h ngày 27/6, cháu Ngô Vi Oanh (10 tuổi, trú tại thôn An Phú, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đi xe đạp qua đập tràn suối Ngòi Bục không may bị nước cuốn. Cả người và xe trôi theo dòng nước dữ.

Thấy bé Oanh chới với dưới dòng suối, anh Trần Mạnh Cường và Vũ Ngọc Kiên (đều trú ở huyện Văn Yên) đã không ngại hiểm nguy lao xuống dòng nước xiết cứu người.

Sáng 28/6, chia sẻ với VietNamNet, anh Trần Mạnh Cường (thị trấn Mậu A) cho biết, anh rất hạnh phúc khi cứu được cháu bé.

"Lúc đó, cháu bé đã bị nước cuốn ra xa bờ. Thấy cảnh ấy, tôi vội bơi ra và giữ được cháu. Nước lũ chảy xiết, ngập ngang cổ, tôi cố hết sức để không bị cuốn. Rất may, lúc đó anh Kiên ra đến nơi hỗ trợ đưa cháu Oanh và chiếc xe đạp lên bờ", anh Cường kể lại.

Theo anh Cường, không chỉ riêng cá nhân anh và anh Kiên mà bất cứ ai khi gặp tình huống như vậy cũng đều gắng sức cứu giúp cháu bé.

Ông Triệu Quốc Toản, Chủ tịch UBND xã An Thịnh cho biết: "Người dân địa phương đánh giá cao hành động của hai anh Kiên và Cường khi cứu được bé gái bị nước cuốn trôi".

Trên mạng xã hội cũng có nhiều bình luận khen ngợi sự dũng cảm cứu người của 2 thanh niên vùng cao.

Quy định về đổi, cấp lại thẻ căn cước từ ngày 1/7

photo-1-1719537242968330142817-1719540294164-17195402947932098041820.jpeg

Chính phủ ban hành Nghị định về quy định trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Nghị định quy định công dân đến cơ quan quản lý căn cước đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước , cung cấp thông tin gồm họ, chữ đệm và tên khai sinh, số định danh cá nhân, nơi cư trú để người tiếp nhận kiểm tra đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trường hợp người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi thì hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước phải có giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh là người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi.

Nghị định nêu rõ trường hợp thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có hoặc có sai sót thì người tiếp nhận thực hiện việc điều chỉnh thông tin theo quy định tại Điều 6 Nghị định 70/2024/NĐ-CP trước khi đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Trường hợp thông tin của công dân chính xác, người tiếp nhận đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trích xuất thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sau khi xác định thông tin người đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là chính xác thì thực hiện trình tự thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước.

Về trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng định danh quốc gia, Nghị định quy định: Công dân lựa chọn thủ tục, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì đăng ký thời gian và cơ quan quản lý căn cước để thực hiện thủ tục, hệ thống sẽ xác nhận và tự động chuyển đề nghị của công dân đến cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Công dân đến cơ quan quản lý căn cước theo thời gian, địa điểm đã đăng ký để thực hiện thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước tại cơ quan quản lý căn cước.

Trường hợp bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được thì lựa chọn thủ tục cấp lại, kiểm tra thông tin của mình được khai thác trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp thông tin chính xác thì xác nhận chuyển hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ căn cước đến cơ quan quản lý căn cước xem xét, giải quyết việc cấp lại thẻ căn cước theo quy định tại khoản 4 Điều 25 Luật Căn cước.

Nghị định nêu rõ trường hợp cấp đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước hoặc cấp đổi thẻ căn cước thì người tiếp nhận có trách nhiệm thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân, thẻ căn cước đang sử dụng.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Bác sĩ kể khoảnh khắc cứu nam hành khách khó thở trên máy bay

Đang trên chuyến bay từ Hà Nội sang Paris (Pháp) công tác, giáo sư Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) chứng kiến người đàn ông 57 tuổi, quốc tịch Úc khó thở và gục xuống ghế ngồi.

Tổ bay thông báo có hành khách cần cấp cứu. Giáo sư Thành và một số bác sĩ đi cùng đã tới vị trí hành khách theo hướng dẫn của tiếp viên. Khi đó, nam hành khách này gục xuống, khó thở, bắt mạch thấy mạch loạn. Trên chuyến bay không có phương tiện cấp cứu và chẩn đoán. Các bác sĩ cho người bệnh thở oxy và nằm yên theo dõi.

Khoảng 1h sau cất cánh, máy bay quay lại sân bay Nội Bài, người đàn ông được chuyển tới Bệnh viện E (Hà Nội) cấp cứu. Đoàn công tác của giáo sư Thành tiếp tục chuyến bay sang Pháp.

Theo thông tin từ Bệnh viện E, nam hành khách không bị nhồi máu cơ tim mà là uống thuốc quá liều. Bệnh nhân được cấp cứu và ra viện an toàn.

Theo giáo sư Thành, gần 40 năm công tác trong ngành y và đã đi nhiều chuyến bay nhưng đây là lần đầu tiên ông gặp ca bệnh cần cấp cứu khẩn cấp trên máy bay. Các đơn vị đào tạo tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu y tế cho các trường hợp khẩn cấp nên trang bị thêm việc lựa chọn cơ sở cấp cứu ban đầu để người bệnh được cấp cứu hiệu quả nhất trong các tình huống khẩn cấp, vị chuyên gia nói thêm.

Trước đó, trong chuyến bay khởi hành từ Hà Nội tới Delhi (Ấn Độ), Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã tham gia cấp cứu một bệnh nhân bị khó thở, tăng nhịp tim khi máy bay vừa cất cánh được 30 phút.

Khi nghe thông báo của tiếp viên trưởng về có trường hợp cần cấp cứu, bác sĩ xuống vị trí của hành khách nữ này. Người chồng liên tục đòi hạ cánh khẩn cấp. Còn người vợ khó thở, nhịp tim nhanh bất thường phải thở oxy.

Bác sĩ Dũng lấy dụng cụ đo huyết áp, nhịp tim cho nữ hành khách. Kết quả, huyết áp bình thường, nhịp tim tăng nhanh trên 120 lần/phút. Bác sĩ Dũng quyết định cho bệnh nhân uống thuốc trợ tim. Tuy nhiên, để giảm tình trạng lo lắng, người bệnh cần uống thuốc an thần. Tổ bay không có thuốc này. PGS Dũng nhanh chóng lấy từ hành lý của mình loại thuốc này cho bệnh nhân uống.

Sau 1 tiếng, bệnh nhân đã ổn định, nhịp tim giảm. Vợ chồng hành khách không còn lo lắng như ban đầu. Chuyến bay kéo dài hơn 4 tiếng kết thúc an toàn.

Nữ nhân viên vệ sinh trả lại gần 1,4 tỷ cho hành khách Nhật để quên ở sân bay

Khoảng 6h ngày 26/6, trong lúc đang quét dọn tại khu vực cửa khởi hành nhà ga quốc tế Đà Nẵng, bà Trần Thị Hường (nhân viên dọn vệ sinh) phát hiện một balo của hành khách bỏ quên. Bà đã báo cho phòng điều hành và bàn giao balo cho Đội An ninh soi chiếu quốc tế. Qua kiểm tra, ước tính tài sản trong balo trị giá gần 1,4 tỷ đồng.

Số tài sản này sau đó được niêm phong và lập biên bản bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng (Chi cục Hải quan) để tìm chủ nhân để quên.

Đến ngày 27/6, lực lượng chức năng xác định, chiếc balo là của hành khách T. (người Nhật Bản). Toàn bộ tài sản sau đó được Nhà ga quốc tế Đà Nẵng và bà Hường bàn giao lại cho hành khách.

Được biết, hành khách T. đến Đà Nẵng ít ngày trước, rạng sáng 26/6 bay đi Hàn Quốc và để quên hành lý tại sân bay.

Chia sẻ với VietNamNet, bà Hường cho biết, 6 năm làm việc tại nhà ga quốc tế Đà Nẵng, đã hàng chục lần nhặt được tài sản khách để quên như điện thoại, máy tính, ví tiền, song đây là lần đầu tiên bà nhặt được tài sản giá trị lớn đến vậy.

"Đây là việc nên làm, giúp hành khách sớm nhận lại tài sản tôi thấy rất vui. Chúng tôi dọn vệ sinh, nếu phát hiện tài sản khách để quên thì tuyệt đối không được mở ra mà phải báo cho bộ phận giám sát để phối hợp trả lại người bị mất", bà cho biết.

Mời độc giả theo dõi video đang được quan tâm trên Gia đình và Xã hội

Luật Đất đai 2024 đất nông nghiệp bị thu hồi có thể được bồi thường bằng đất ở, nhà ở

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020