Hà Nội đưa ra đề án thu phí vào nội đô với hi vọng sẽ giảm ùn tắc giao thông. Ảnh: Lê Bảo
Người dân lại chịu cảnh phí chồng phí?
Theo đề án trên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, đây là giải pháp kinh tế nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đi vào nội đô có nguy cơ ùn tắc cao. Theo đó, ô tô sẽ là đối tượng chủ yếu của đề án. Sở cũng đề xuất miễn giảm đối với người dân đi lại bằng ô tô sinh sống trong khu vực thu phí. Phạm vi thu phí được khép kín, vành đai thu dựa trên kết quả đánh giá tác động giao thông trong quá trình xây dựng đề án.
Mức thu chưa được nêu trong đề cương trình UBND thành phố nhưng Sở GTVT cho biết sẽ dao động với các loại phương tiện khác nhau. Phương tiện có nguy cơ gây ùn tắc cao hơn thì chịu phí cao hơn.
Về hệ thống kiểm soát phí, Sở cho biết sẽ ứng dụng công nghệ nhận diện vô tuyến RFID và công nghệ tự động nhận dạng biển số xe ANPR. Hệ thống này sẽ được đồng bộ với hệ thống thu phí quốc lộ và cao tốc trên cả nước. Hiện, Sở mới trình đề cương và dự toán lên lãnh đạo thành phố, đang chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến, đề án được phê duyệt trước năm 2021 và bắt đầu triển khai thực hiện trước năm 2030.
Theo Sở GTVT Hà Nội, việc thu phí phương tiện vào nội đô đã được nhiều quốc gia áp dụng nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới. Như vậy, bằng công nghệ này, các phương tiện hễ vào nội thành là bị trừ tiền trong tài khoản ngay lập tức.
Cũng theo nội dung nghiên cứu trong đề án, việc thu phí từ vành đai khép kín, dự kiến trong khu vực vành đai 3; các cửa ngõ vào trung tâm thành phố; các trục đường chính thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc… Đặc biệt, trong đề án cũng chỉ ra nhiều bất cập trong việc Hà Nội nơi tập trung dân số đông đúc khi đạt khoảng gần 10 triệu người khiến gia tăng phương tiện cơ giới, gây áp lực đối với hệ thống giao thông, đô thị, ùn tắc và ô nhiễm môi trường.
Sở cũng chỉ rõ, những năm gần đây, ùn tắc giao thông có diễn biến phức tạp, không chỉ thay đổi về mặt không gian với số lượng các điểm ùn tắc gia tăng mà thời gian xảy ra ùn tắc cũng kéo dài. Đặc biệt là khu vực vành đai 3 thành phố chiếm tới trên 80% số điểm ùn tắc so với tổng số điểm ùn tắc trên địa bàn.
Trước đề án trên, Sở GTVT Hà Nội đã nhận được không ít ý kiến trái chiều. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Hoàng Việt (trú tại Văn Quán, Hà Đông) cho biết: "Tôi đi lại bằng phương tiện ô tô khá nhiều do đặc thù của công việc. Vì vậy, nếu Hà Nội triển khai việc thu phí chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cá nhân tôi cũng như hàng triệu người khác.
Tuy nhiên, quan điểm của tôi đó là việc thu phí cần phải có lộ trình và nghiên cứu dưới góc độ khoa học cụ thể. Trên hết là thu phí rồi thì tiền đó để làm gì, bởi bản thân những chủ phương tiện giao thông hiện nay đã phải chịu quá nhiều khoản phí? Nếu Hà Nội vẫn quyết tâm thu phí vào nội đô trong thời gian tới, tôi e rằng các dịch vụ, chi phí liên quan đến vận tải sẽ bị đội lên và người hứng chịu lại chính là người dân".
Đừng trở thành tiền lệ xấu
Sắp tới, nếu đề án thực hiện tất cả các phương tiện ô tô sẽ bị thu phí tự động nếu di chuyển từ ngoại thành vào nội thành.
Trước khi Sở GTVT Hà Nội đưa ra đề án trên, Sở GTVT TPHCM cũng đã có văn bản đề xuất UBND xin chủ trương xây dựng dự án thu phí ô tô vào trung tâm để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Theo đề xuất của Sở GTVT TPHCM, sẽ có 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm được xây dựng nhằm hạn chế ùn tắc với nguồn vốn 250 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của thành phố.
Các cổng thu phí được xây bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10 (bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng).
Ngay sau khi Sở GTVT TPHCM công bố đề án trên thì chỉ ít ngày sau, Sở GTVT Hà Nội cũng đã thông tin về đề án thu phí các phương tiện ô tô vào nội đô. Như vậy, trên cả nước hiện có 2 thành phố lớn đã trình đề án lên các cấp có thẩm quyền để phê duyệt cũng như triển khai.
Tại Hà Nội, nếu đề án được phê duyệt, chỉ một vài năm tới sẽ xây dựng, lắp đặt các trạm thu phí tự động. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề, câu hỏi được đặt ra trước đề án triển khai rằng khi đi vào hoạt động có đạt được hiệu quả giảm ùn tắc, giảm ô nhiễm hay đơn thuần chỉ "tận thu" của người dân.
Trước vấn đề này, trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Đỗ Văn Bằng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nêu quan điểm: "Việc Sở GTVT đưa ra lý do thu phí để giảm thiểu ùn tắc giao thông tôi thấy vô lý lắm, bởi nếu thu phí mà không giảm ùn tắc thì sao?
Điều quan trọng TP Hà Nội là thành phố của cả nước, chứ không riêng gì của Hà Nội. Mọi người có quyền tự do đến Hà Nội cũng như tất cả các thành phố khác chứ không phải người ở các tỉnh thành khác không được phép đến mà đến lại phải nộp tiền. Như vậy là phân biệt, hoàn toàn sai".
Ông Bằng cũng cho rằng, cá nhân ông thấy đề án không hợp lý, hoàn toàn sai lầm vì hạ tầng là của Nhà nước, của nhân dân, mọi người có quyền tự do đi lại. Người dân cũng có quyền tự hỏi rằng nếu triển khai thu phí nội đô thì phí thu được dùng để làm gì bởi hiện tại đang xảy ra việc phí chồng phí như đang thu phí bảo trì đường bộ lại "đẻ" ra BOT. Điều ông Bằng lo lắng nhất đó là việc thu phí nội đô có thể làm "tiền lệ" xấu cho các thành phố lớn khác.
Ông Bằng nói: "Nếu Hà Nội, TPHCM triển khai thu phí vào nội đô được thì các thành phố lớn khác thu được. Đó là điều người dân lo lắng và có thể trở thành "bệnh dịch thu phí"".
Lê Bảo