Chuyên mục  


GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, nêu quan điểm trên bên lề tọa đàm góp ý cho dự thảo chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, ngày 16/1.

Theo ông Trình, Việt Nam đang có cơ hội "ngàn năm có một" để tham gia mạnh mẽ vào ngành công nghiệp bán dẫn. Thời gian qua, Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành công nghiệp này, trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn trong nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%. Công ty nghiên cứu Technavio dự đoán thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam tăng thêm 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5% mỗi năm.

Dù vậy, theo Technavio, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu lao động có tay nghề cao.

Chính phủ hồi tháng 9/2024 thông qua chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030, các cơ sở đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên.

Nắm bắt xu hướng này, hàng loạt đại học mở chuyên ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn, như Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng, FPT, Phenikaa...

Nhiều người lo ngại việc này có thể dẫn đến thừa nhân lực, hoặc rơi vào tình trạng đào tạo xong nhưng thị trường không có nhu cầu, như với đào tạo nhân lực điện hạt nhân trước đây.

Ông Trình cho rằng có nhiều lý do để không phải lo ngại như vậy.

Thứ nhất, không nhiều người có thể theo học ngành bán dẫn. Đây là ngành học thuộc lĩnh vực STEM, tỷ lệ sinh viên theo học chỉ ở quanh mức 30% tổng số sinh viên, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong số này, không phải ai cũng có đầy đủ các yếu tố như giỏi cả Toán, Lý, Hóa, kỹ năng mềm, tiếng Anh - những điều kiện cần để theo học ngành bán dẫn.

Ông Chử Đức Trình nói về việc đào tạo nhân lực bán dẫn tại toạ đàm ngày 16/1. Ảnh: Dương Tâm

Lý do thứ hai là ngành bán dẫn không dễ để đào tạo bởi phải đảm bảo cả về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, đội ngũ giảng viên, thiết kế chương trình.

"Không phải trường nào cũng có thể đào tạo được ngành này", ông nói.

Trong khi đó, thị trường trong và ngoài nước đều rất thiếu nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực bán dẫn. Ví dụ thời gian qua, một số doanh nghiệp của Đài Loan cũng sang Việt Nam để tuyển dụng.

"Với bối cảnh đó, chúng ta không cần lo đào tạo thừa mà chỉ sợ thiếu", ông Trình nói.

Nhưng ngay cả khi có sự dịch chuyển, sinh viên học sâu ngành này vẫn có thể tìm việc làm ở nhiều ngành nghề. Ví dụ, sinh viên học sâu về thiết kế vi mạch có thể đảm nhiệm vị trí thiết kế ở các doanh nghiệp điện tử.

Việc quan trọng, theo ông Trình, là phải nâng chuẩn đào tạo để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có thể cạnh tranh và sẵn sàng làm được việc cho doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn, dự kiến hoàn thành trong quý I, trong đó nêu chuẩn đầu vào, đầu ra, đội ngũ giảng viên, thời lượng chương trình,...

Tại toạ đàm ngày 16/1, ông Nguyễn Anh Dũng, Vụ phó Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng băn khoăn về đầu ra và thị trường là chính đáng. Đại diện Bộ hy vọng hình thành các liên minh giữa tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học để nâng cao cơ sở vật chất, tăng cường thời gian thực hành, thực tập cho sinh viên.

Dương Tâm

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020