Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ quan điểm: Theo thông tin báo chí đăng tải, theo Bộ VH-TT-DL cho rằng nội dung quảng cáo sản phẩm Coca-Cola Việt Nam trên truyền hình và một số phương tiện có sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam có dấu hiệu về hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam; đồng thời không đảm bảo thông tin rõ ràng của nội dung quảng cáo với sản phẩm, hàng hóa, vi phạm các quy định tại khoản 3 Điều 8 và khoản 1 Điều 19 Luật Quảng cáo.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trả lời báo chí, việc ra văn bản chấn chỉnh hoạt động quảng cáo sản phẩm Coca-Cola là thể hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của Cục.
Theo bà Hương, từ "lon" đứng một mình, không gắn với từ Coca-Cola hay bia... có thể được hiểu theo rất nhiều nghĩa. Ví dụ, nếu thêm dấu, thêm mũ vào cho từ đó... thì từ "lon Việt Nam" có rất nhiều vấn đề.
Quảng cáo của Coca-Cola tại Việt Nam. Ảnh:TL
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cũng nói rõ việc gắn chữ "lon" như cách của Coca-Cola mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như "ở Việt Nam", "tại Việt Nam" là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo.
Luật sư Cường cho rằng, đây là cách suy nghĩ mang tính chất cá nhân, thực tiễn cho thấy nhiều từ như "chợ lớn", "chợ bưởi"... hoặc tên các làng, các bản, tên cây cầu ở Việt Nam hiện nay rất trần tục. Đơn giản đó là yếu tố văn hóa, lịch sử để lại mà không phải khi nào chúng ta cũng có thể thay đổi được, không dễ để thay đổi.
Nếu những từ nguyên gốc đó bị chỉnh sửa, cắt ghép thì có thể phản cảm.
Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ quy định chung chung là những nội dung quảng cáo thiếu thẩm mỹ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì sẽ không được phép thực hiện. Tuy nhiên thế nào là "thiếu thẩm mỹ", thế nào là không phù hợp với "thuần phong mỹ tục" vẫn là câu chuyện còn nhiều tranh cãi, đôi khi nó phụ thuộc nhiều vào quan điểm cá nhân của con người, đặc biệt là quan điểm của người có quyền quyết định đối với vấn đề đó.
Đây là vấn đề quản lý hành chính, quản lý trong lĩnh vực văn hóa bởi vậy nếu không đồng ý với yêu cầu của Cục Văn hóa thì Coca-Cola có thể khiếu nại đối với vấn đề này để được xem xét theo quy định pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường thông tin với PV Báo Gia đình và Xã hội. Ảnh: TL
Ông Cường tiếp lời, slogan "Mở lon Việt Nam" có vẻ hơi khó hiểu nhưng ấn tượng và dễ gây chú ý với người tiêu dùng. Đây có thể là vào ý đồ, chiến lược của nhà sản xuất đối với vấn đề quảng cáo sản phẩm. Nếu những slogan, biển hiệu quảng cáo phổ thông, thông dụng, đơn giản thì không để lại ấn tượng, sẽ giảm hiệu quả của quảng cáo. Còn trường hợp nếu các biển quảng cáo này để ngoài trời mà bị vẽ bậy, từ "lon" bị thêm dấu, thêm mũ, bị sửa thành từ phản cảm thì lúc đó mới có căn cứ xác đáng để cơ quan quản lý xử lý đối với đơn vị quảng cáo và người có hành vi vẽ bậy.
Xuân Thắng