Ngày 23-5, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, thẩm tra báo cáo công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đã nêu rõ 11 nhóm hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh còn lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công.
Lãng phí tài sản nhà nước
Theo Bộ Xây dựng, hiện có 9 bộ, ngành trung ương đã được bố trí quỹ đất, đầu tư xây mới gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, VKSND Tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân. Trong đó, Bộ Công an đã xây dựng trụ sở mới tại đường Phạm Văn Đồng nhưng vẫn đề nghị cải tạo trụ sở chính tại Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm).
Đây không phải lần đầu Quốc hội nêu ra tình trạng các bộ, ngành không trả trụ sở làm việc cũ, dù đã có trụ sở làm việc mới. Nhiều năm qua, tại các phiên họp của Quốc hội, chất vấn lãnh đạo ngành, các đại biểu đã nêu ra thực trạng này.
Năm 2019, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã nêu lên thực trạng các bộ, ngành có trụ sở mới vẫn tiếp tục sử dụng trụ sở cũ, tận dụng quỹ đất sau di dời làm cơ sở 2 như các bộ: Công an, Nội vụ, TN-MT, KH-CN... là không đúng với chủ trương quỹ đất sau di dời giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng để bổ sung hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của địa phương.
Trụ sở làm việc cũ của Bộ Tài nguyên và Môi trường ở số 83 Nguyễn Chí Thanh (phường Thành Công, quận Đống Đa, TP Hà Nội) chậm được bàn giao cho nhà nước, địa phương quản lý sau khi di dời về trụ sở mới. Ảnh: HỮU HƯNG
Thậm chí cách đây gần 10 năm, Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 25-8-2014 của Thủ tướng Chính phủ, đã yêu cầu bộ, ngành trung ương, cơ quan đơn vị được đầu tư xây dựng trụ sở mới, khi hoàn thành và chuyển ra trụ sở mới phải bàn giao toàn bộ trụ sở làm việc cũ cho Bộ Tài chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Chỉ thị 27 nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị giữ lại trụ sở làm việc để sử dụng, cho thuê, cho mượn hoặc bố trí cho đơn vị khác (kể cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý) khi chưa có quyết định của cấp có thẩm quyền. Dù vậy, đến nay sau gần 10 năm, kết quả thực hiện không bảo đảm yêu cầu như chỉ đạo của Thủ tướng.
Từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiều khóa, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII, bà Bùi Thị An cho rằng đây là vấn đề đã tồn tại dai dẳng từ lâu nhưng kỷ cương, phép nước chưa được thực hiện nghiêm.
"Đã có nơi làm việc mới, còn giữ trụ sở cũ để làm gì? Nếu ai không bàn giao trụ sở cũ, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Việc này cần có thời hạn cuối cùng để thực hiện, cần được xử lý dứt điểm không thể để kéo dài mãi. Cơ quan nhà nước mà còn chây ì thì người dân sẽ như thế nào?" - bà An nói. Bà An cũng đề nghị Quốc hội cần giám sát về nội dung này hoặc yêu cầu Chính phủ giải trình trước Quốc hội.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 24-5 về việc nhiều bộ, ngành đã có trụ sở mới khang trang nhưng đến nay vẫn chưa di dời, trả trụ sở cũ, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng điều này dẫn đến lãng phí tài sản nhà nước. Theo ông Tiến, một số bộ có trụ sở rộng, xây dựng đã xong nhiều năm nhưng không đưa vào sử dụng hết do nhiều bộ phận không chuyển đến trụ sở mới.
Về nguyên nhân, ông Tiến cho biết tại thời điểm trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã thừa nhận tiến độ triển khai chậm. Nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan chưa quyết liệt; chậm xây dựng các đề án di dời; nguồn ngân sách bố trí cho di dời, xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ ra 2 nguyên nhân chính như trên, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất, theo ông Tiến là tâm lý không muốn di dời của các bộ ngành, đặc biệt là người đứng đầu thiếu quyết liệt.
Sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất
Ngày 20-4-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 423/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tại 2 khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Theo đồ án, hệ thống trụ sở mới này sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan đoàn thể của trung ương.
-
Khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí 13 trụ sở làm việc của bộ, ngành
Trong Quyết định 423, đối với hệ thống các cơ sở nhà đất hiện có sau khi di dời yêu cầu phải có biện pháp quản lý tập trung. Trước mắt, thực hiện đánh giá các giá trị của cơ sở nhà đất trong bối cảnh khu vực đô thị của khu đất đó, đối với các công trình có giá trị di sản phải có biện pháp bảo tồn, bảo vệ.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và UBND TP Hà Nội xác định phương án khai thác cụ thể cho từng cơ sở nhà đất để phục vụ hoạt động của các cơ quan trung ương, phục vụ hoạt động của thành phố. Trong trường hợp không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, thực hiện đấu giá công khai để thu lại nguồn lực cho nhà nước.
Đối với cơ sở không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, việc chuyển đổi phải bảo đảm nguyên tắc đã được định hướng trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội là ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng, vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế việc chất tải thêm vào hạ tầng tại khu vực.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan phải di dời trụ sở đến khu trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan tại khu Tây Hồ Tây và Mễ Trì; TP Hà Nội lập phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan phải di dời, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Đối với các bộ, cơ quan phải di dời, Thủ tướng yêu cầu xây dựng chi tiết lộ trình di dời cơ sở cũ, đầu tư xây dựng cơ sở mới theo kế hoạch thực hiện quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Cùng với đó, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý; lấy ý kiến TP Hà Nội; gửi Bộ Tài chính tổng hợp, lập phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của các bộ ngành phải di dời để trình Thủ tướng phê duyệt.
Đề nghị Chính phủ báo cáo
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của các cơ quan trung ương được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới.
Gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời
Đối với Hà Nội là nơi hưởng lợi từ đề án thực hiện di dời, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng thành phố cần dùng các nguồn lực, cơ chế của thành phố để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng các địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án.
Đặc biệt, cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua sẽ gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô. Cần thực hiện theo nguyên tắc không được chất tải thêm đối với hạ tầng đô thị, không thu hút thêm dân số, lao động so với trước đây. Việc này cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu là di dời nhằm giảm tải cho khu vực nội đô, mang lại hiệu quả tối ưu cho đô thị Hà Nội.