Ngày 13/6, Trung tâm truyền thông tài nguyên môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng WWF đã khai mạc Khóa tập huấn: “Nâng cao nghiệp vụ báo chí với chủ đề Môi trường- Rác thải nhựa” tại thành phố Hồ CHí Minh.
Tham dự Chương trình có Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đại diện Lãnh đạo Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF-VN), các phóng viên, báo chí khu vực phía nam.
Theo đó, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/năm/người năm 1990 lên 41kg/năm/người vào năm 2015. Đáng nói, việc nhập khẩu phế liệu nhựa vẫn tăng theo cấp số nhân, năm 2016 là 18,548 tấn, năm 2017 là 90,839 tấn và 9 tháng năm 2018 là 175.000 tấn.
Trẻ em tắm chung với rác thải nhựa
Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc năm 2018, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Trong 50 năm qua, lượng nhựa được tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nilon, nhiều khi được sử dụng trong 5 phút, chỉ mất 5 giây để sản xuất song để phân hủy thì cần từ 500 -1.000 năm. Gần 1/3 số túi nilon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng 2 TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7 - 8%.
Đáng nói, lượng chất thải nhựa và túi nilon cả nước chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn thì lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm. Hậu quả là rác thải nhựa và nilon phát sinh không ngừng, có mặt ở khắp nơi, gây ra thảm họa mà các nhà khoa học gọi là "ô nhiễm trắng".
Rất nhiều bờ biển bị rác thải nhựa "nhấn chìm"
Lượng chất thải nhựa thải ra ngày càng lớn và tăng hàng năm, nhưng việc tái chế các chất thải nhựa lại chưa cao, hay những sản phẩm thay thế nhựa vẫn chưa được người tiêu dùng đón nhận.
Theo bà Thủy – Phòng nhân sự Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương, mỗi ngày khu liên hiệp nhận 18-20 ngàn tấn rác thải sinh hoạt của cả tỉnh. Trong đó rác thải nhựa chiếm 15-17%, nhưng chỉ có 2-3% trong số này được tái chế do thiếu nhân công và hiệu quả kinh tế thấp.
Các phóng viên cũng đưa ra các giải pháp thay thế như hộp cơm được làm từ bã mía thay thế cho hộp cơm nhựa hiện nay như Thái Lan đã làm. Hay việc tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường từ các em nhỏ, để các bé là đại sứ môi trường cho gia đình. Ngoài ra, những câu hỏi về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với các doanh nghiệp sản xuất các nguyên liệu thân thiện môi trường thay thế các sản phẩm từ nhựa.
Những tham vấn, câu hỏi của phóng viên đều được đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường và các chuyên gia trả lời cũng như cung cấp các thông tin đầy đủ, toàn diện. Qua đó, báo chí sẽ truyền tải thông tin chi tiết, thực tế nhất đến người dân giúp mọi người hiểu hơn những tác hại do chất thải nhựa gây ra để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống.
Bảo Hằng