Kỳ 1: Tiếp nhận sứ mệnh để vượt qua chính mình
Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, thông qua nhiều hình thức, báo chí không chỉ phê phán, phanh phui, “điểm mặt chỉ tên” từng sự việc cụ thể mà những kết quả điều tra công phu còn là những cứ liệu ban đầu hết sức quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc.
Sứ mệnh tiên phong
Tại hội nghị về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn nhấn mạnh: "Trong công tác phòng, chống tham nhũng, vai trò và sự tham gia của báo chí chiếm vị trí rất quan trọng". Thực tiễn cũng đã khẳng định, sự vào cuộc của báo chí là kênh hết sức quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, xác minh, xử lý.
Đã từng có rất nhiều vụ việc tham nhũng được phanh phui do báo chí phát huy tối đa vai trò giám sát, phát hiện của mình. Có thể kể đến một vụ việc gần đây, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do hành vi lập “quỹ đen” từ các gói thầu xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Đây là vụ án được điều tra theo nội dung phản ánh trên báo Pháp luật TP.HCM và được phóng viên hợp tác cung cấp tài liệu, chứng cứ để cơ quan cảnh sát điều tra xác minh, điều tra vụ án.
Tính đến thời điểm này, cơ quan công an đã khởi tố và bắt 3/10 đối tượng liên quan việc lập "quỹ đen" tại Cục Đường thuỷ nội địa. Bộ GTVT cũng yêu cầu tổ chức kiểm điểm ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng, ông Trần Văn Thọ - nguyên Phó Cục trưởng, do có sai sót trong việc ký duyệt, để cá nhân lấy tiền từ ông Thông - nguyên Giám đốc BQL Dự án đường thủy nội địa.
Từ thông tin phản ánh trên Báo Pháp luật TP.HCM, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và khởi tố vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Cục Đường thủy nội địa. Ảnh trụ sở Cục Đường thủy nội địa của tác giả Hoài Nam
Một vụ việc khác tại tỉnh Hải Dương, khi một số cán bộ thực thi nhiệm vụ như công an, thanh tra giao thông… lại là những người tham gia nhận tiền làm luật, bảo kê cho xe quá tải. Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có hàng nghìn lượt xe tải vi phạm về trọng tải hoạt động. Để được hoạt động mà không bị xử lý, những chiếc xe này đã phải đóng khoản tiền “làm luật” cho đường dây bảo kê của của Thiếu tá Nguyễn Văn Sơn (còn gọi là “Sơn cơ động”).
Vụ việc được phóng viên báo Pháp luật & Xã hội vào cuộc điều tra, nhập vai để thu thập chứng cứ, tài liệu, phản ánh trên báo. Trên cơ sở thông tin báo nêu, Thanh tra Bộ Công an vào cuộc xác minh và kết luận nội dung báo nêu là có căn cứ. Với những bằng chứng rõ ràng, Giám đốc Công an tỉnh Hải Dương đã xét kỷ luật, Bộ Công an xử lý kỷ luật ông Nguyễn Văn Sơn bằng hình thức giáng 2 cấp bậc quân hàm từ Thiếu tá xuống Thượng úy…
Qua các vụ việc đã được báo chí phản ánh có kết quả cho thấy, các hành vi tham nhũng, tiêu cực đã diễn ra trong thời gian dài không bị phát hiện, không được giám sát chặt chẽ, một phần cũng do không có người đứng ra tố giác những hành vi tiêu cực khi có dấu hiệu vi phạm. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc phản ánh thì sự việc mới bị phanh phui và được làm sáng tỏ, các cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.
Vượt qua chính mình
Với vai trò giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được xem là một kênh kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm đảm bảo cho quyền lực nhà nước hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật, góp phần phòng chống sự tha hóa của quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, tự thân Mặt trận Tổ quốc khó có thể tham gia phòng, chống tham nhũng có hiệu quả nếu không dựa vào nguồn tin của nhân dân cũng như phản ánh của báo chí.
Báo chí được đánh giá có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ảnh minh họa của họa sỹ Thanh Tuấn
Thế nhưng, ngay cả khi báo chí đang thể hiện tốt vai trò của mình trong việc giám sát, phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng thì biểu hiện “tham nhũng vặt” cũng có thể đã và đang xuất hiện ở một bộ phận người làm báo hiện nay. Đó là hiện tượng một số người làm báo lợi dụng “quyền” tác nghiệp của phóng viên thông qua tấm thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu… để đến nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Thậm chí, có cả những trường hợp khi bị báo chí phát hiện sai phạm, cá nhân - cơ quan - tổ chức đã phải bỏ ra một khoản tiền để mua sự im lặng của phóng viên. Những khuyết điểm, hạn chế của báo chí hiện nay đã được đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ: “Nhiều người mang thẻ nhà báo ảo tưởng về quyền lực và vị trí báo chí cho nên câu kết nhóm đi đánh hội đồng, vòi vĩnh, làm tiền… không chỉ doanh nghiệp và cả quan chức tại địa phương”.
Thiết nghĩ, việc“chữa trị” căn bệnh “ngộ độc quyền lực” trong một bộ phận người làm báo cần sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực báo chí, các cơ quan báo chí, mà còn phải có nhận thức sâu sắc của bản thân các phóng viên, nhà báo - những con người luôn có nguy cơ “bị nhiễm độc”. Bởi không thể có một “một liệu trình chữa trị” nào hiệu quả khi bản thân “người bệnh” không có tâm lý “phòng bệnh” cũng như ý thức cần được chữa trị…
Hoạt động của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn
Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ngày 25/6/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao sự đóng góp tâm huyết, trí tuệ và công sức của các cơ quan thông tấn, báo chí đối với kết quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.
“Các cơ quan thông tấn, báo chí đã tích cực đồng hành cùng cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng; có nhiều tin, bài về công tác phòng, chống tham nhũng, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào báo chí, nhà báo cũng được tạo điều kiện để tham gia công tác này, nhất là trong điều kiện hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, sự hiểu biết của người dân về vai trò giám sát, phản biện của báo chí trong đời sống xã hội còn hạn chế nên hoạt động của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí còn gặp nhiều thách thức, nguy hiểm”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.
Cao Tuân – Tiến Đạt