Chuyên mục  


Một tiết học tiếng Anh theo phương pháp mới được áp dụng tại TPHCM (ảnh minh hoạ)

Sáng 14/6, Quốc hội biểu quyết thông qua luật Giáo dục (sửa đổi) sau 3 quy trình 3 kỳ thảo luận tại cơ quan lập pháp cao nhất. 

Trước đó, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về triết lý giáo dục, UB Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Điều 2 quy định về mục tiêu giáo dục để thể hiện nội dung này.

Cụ thể, mục tiêu giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

UB Thường vụ khẳng định triết lý giáo dục nằm trong mục tiêu “phát triển toàn diện con người Việt Nam”, qua tính chất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa: nhân dân, dân tộc, khoa học và hiện đại, qua nội dung, phương pháp giáo dục và chính sách phát triển giáo dục được thể hiện xuyên suốt trong toàn luật.

Về giáo dục phổ thông, có ý kiến đề nghị giảm bớt số lượng môn học nhằm giảm tải chương trình học và giảm áp lực cho học sinh.

Cơ quan giải trình báo cáo, số lượng các môn học được quy định trong chương trình giáo dục phổ thông, luật Giáo dục quy định mang tính nguyên tắc về yêu cầu, việc thẩm định, ban hành chương trình. Việc bảo đảm chương trình đáp ứng nhu cầu của phát triển xã hội, phù hợp với thông lệ quốc tế, tâm sinh lý học sinh được giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định với sự giám sát của Quốc hội và xã hội.

Về sách giáo khoa, Chủ nhiệm Phan Thanh bình cho biết, có ý kiến đề nghị quy định sách giáo khoa  phải được sử dụng ổn định, lâu dài, cũng có ý kiến đề nghị giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa hoặc đề nghị giao thẩm quyền cho Chính phủ, Thủ tướng thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách.

UB Thường vụ nhận định, đa số đại biểu đồng ý chủ trương đã giao trong nghị quyết 88 của Quốc hội là cần có một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất cả nước, có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học, giao Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành sách giáo khoa sử dụng trong cả nước.

Về thẩm quyền quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Điều 32 dự thảo Luật đã được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.

Một nội dung được tiếp thu trong dự thảo luật là quy định về Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Ghi nhận các ý kiến góp ý, luật đã quy định cụ thể về thành phần Hội đồng bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.

Theo UB Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở quy định cụ thể về thành phần, cơ cấu này, việc giao Bộ trưởng Bộ GD- ĐT thành lập Hội đồng theo từng môn học ở từng cấp học, để thẩm định sách giáo khoa và chịu trách nhiệm về sách giáo khoa là phù hợp với thẩm quyền chuyên môn mà vẫn bảo đảm tính khách quan.

 Vì vậy, UB Thường vụ Quốc hội quyết định giữ quy định về thẩm quyền lập Hội đồng thẩm định sách giáo khoa giữ như dự thảo luật (Điều 32).

Dự thảo luật cũng được tiếp thu, chỉnh lý các quy định liên quan đến phương pháp giảng dạy để thể hiện tình thần dạy lấy người học là trung tâm, tôn trọng sự khác biệt (các Điều 7, 24, 30, 43).

Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định ngôn ngữ thứ hai là tiếng Anh hoặc một ngoại ngữ khác, cơ quan giải trình lập luận, Hiến pháp 2013 quy định “Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”,“công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”, chưa quy định về ngôn ngữ thứ hai.

Lý lẽ khác, về đối ngoại, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ, việc dạy học ngoại ngữ đã được Bộ GD-ĐT rất chú trọng, tôn trọng sự lựa chọn của người học. Do đó, UB Thường vụ Quốc hội không chỉnh lý dự luật theo hướng ý kiến này.

P.Thảo

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020