Chuyên mục  


Sau hơn 4 tháng chăm sóc, người dân lao đao khi cả vườn bí không có quả. Ảnh: Đức Huy

Dân khóc ròng

Theo phản ánh của ông Trần Thái Châu, Chủ tịch HĐQT - kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân An (HTX Nhân An - xã Tân Tiến, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), khoảng tháng 4/2019, ông có liên hệ với ông Phan Anh Quân, nhân viên phụ trách thị trường Đắk Lắk của Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ để mua 100 gói hạt giống bí đỏ lai F1 Arjuna với giá 55.000 đồng/gói.

Sau khi thỏa thuận về việc trồng bí bằng phương pháp hữu cơ (trồng sản phẩm sạch) thì bên phía nhân viên Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ đồng ý và cho rằng nơi đây phù hợp trồng giống bí này.

Khi nhận giống về, ông Châu đã thuê một đơn vị khác đóng hơn 1 vạn bầu cây giống. Sau khi cây đã đủ điều kiện sống, ông Châu mới đem về trồng trên diện tích hơn 2ha; trong đó 1ha đất của HTX Nhân An và số đất còn lại của 3 hộ nông dân liên kết với HTX.

Trong quá trình xuống giống và theo dõi cây phát triển, HTX Nhân An thường xuyên cử kĩ sư nông nghiệp theo dõi, quan sát và sử dụng các kĩ thuật theo đúng thỏa thuận ban đầu. Thời gian đầu cây bí phát triển tốt, không có sâu bệnh hại. Tuy nhiên, khi bí phát triển được gần 2 tháng thì HTX Nhân An và người dân vô cùng hoang mang khi 2ha bí chỉ có lác đác vài hoa, chủ yếu là hoa đực. Bên cạnh đó, có một vài bông hoa cái nhưng hoa chỉ tạo thành trái non, sau đó không phát triển mà thối và rụng.

Chia sẻ với PV, chị Nguyễn Thị Khôi Nguyên (ở thôn 4, xã Tân Tiến) cho biết, gia đình chị có 2 sào đất bỏ không nên vào đầu tháng 4 đã nhận khoảng 900 bầu bí về trồng. Mặc dù chị được hỗ trợ giống ban đầu và kĩ thuật canh tác hữu cơ nhưng theo chị trồng bí rất vất vả, tốn nhiều công sức.

"Trồng bí sạch phải cày, xới, làm cỏ rất cực vì dây bí chằng chịt. Ngoài việc tận dụng sức lao động trong nhà, tôi còn phải thuê nhân công làm. Cứ nghĩ đến ngày thu hoạch sẽ kiếm được ít tiền lo cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, nay đã hơn 4 tháng, cây bí héo, khô dần nhưng không có lấy một trái nào", chị Nguyên nói.

Tương tự, ông Cao Xuân Lộc (ở thôn 5, xã Tân Tiến) trồng 6 sào bí đỏ, chỉ sử dụng phân bò hoai và kĩ thuật trồng rau sạch theo hướng dẫn của HTX Nhân An và đơn vị bán giống. Tuy nhiên, sau nhiều ngày bỏ công sức chăm bẵm, đến kì thu hoạch, ông Lộc hốt hoảng khi cả vườn bí không có lấy một trái nào.

"Chúng tôi bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc chăm bí mấy tháng trời. Giờ đây công ty trả lời do thời tiết nên bí không có quả. Như vậy, chúng tôi không thể chấp nhận được. Nếu bí ra trái bình thường thì 6 sào trên tôi phải thu được khoảng 18 tấn, với giá hiện nay hơn 15.000 đồng/kg thì số tiền nhà tôi thất thu khoảng 300 triệu đồng", ông Lộc nói trong tâm trạng lo lắng.

Chờ kết luận từ cơ quan chức năng

Về vấn đề trên, ông Trần Thái Châu cho hay, sau khi nhận giống về bên phía HTX Nhân An đã ký 2 hợp đồng cung ứng bí đỏ cho Công ty TNHH Ba Lành (TPHCM) và HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Đắk Lắk (TP Buôn Ma Thuột) với sản lượng cung ứng khoảng 60 tấn bí đỏ, giá trị khoảng 1,2 tỷ đồng. Sau khi tính toán thời gian trồng, ra hoa và đậu trái, hai bên thỏa thuận thời gian giao hàng vào cuối tháng 7/2019. Nếu phía HTX Nhân An giao hàng chậm tiến độ phải chịu phạt số tiền tương ứng với 0,2% giá trị hợp đồng qua mỗi ngày.

Bên cạnh đó, HTX Nhân An cũng ký 3 hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân với giá 15.000 đồng/kg bí. Được biết, HTX Nhân An đã đầu tư khoảng 380 triệu đồng vào 2ha bí trên.

Sau nhiều lần liên lạc đề nghị Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ xuống làm việc nhưng không được nên ông Châu đã quay lại clip và đăng lên mạng xã hội cảnh báo đến người dân. Sau đó, đại diện của Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên đã đến làm việc cùng HTX Nhân An và nông dân.

Tại đây, phía Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ cho rằng, bí không có trái là do thời tiết. Công ty cũng thỏa thuận sẽ hoàn trả cho bà con tiền mua hạt giống với giá 15 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, HTX Nhân An và người dân không đồng ý với ý kiến và cách giải quyết của công ty.

Do chưa tìm được cách giải quyết nên hiện tại HTX Nhân An và người dân vẫn không dám phá bỏ số diện tích bí trên để trồng giống cây khác.

Trong khi đó, ông Phan Anh Quân, nhân viên phụ trách thị trường Đắk Lắk (người trực tiếp bán giống cho HTX Nhân An) cho hay, HTX Nhân An liên hệ với ông để mua hạt giống về trồng. Trong quá trình trồng thì đơn vị cũng hỗ trợ HTX về kĩ thuật trồng và chăm sóc.

"Không phải là bí không có quả, mà khi bí ra quả non bằng ngón tay thì bị rụng đi. Nguyên nhân rụng quả trên cây bí, một là mưa, hai là nắng thì sinh ra hiện tượng bí không nuôi được quả và đi ngọn...", ông Quân giải thích.

Còn ông Đặng Văn Tuấn, Giám đốc khu vực Miền Trung - Tây Nguyên của Công ty TNHH Hai Mũi Tên Đỏ cho hay, Công ty đã làm việc và cung cấp toàn bộ giấy tờ về lô giống với Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk. Hiện tại, phía Công ty đã cung cấp hàng mẫu cho cơ quan chức năng đi kiểm nghiệm, nếu bên nào sai sẽ chịu trách nhiệm. Công ty cam kết bán hàng thật, không bán hàng giả.

Đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin HTX Nhân An và một số hộ dân trồng bí không có quả. Đơn vị cũng đã làm việc với bên cung cấp giống và có xác định ban đầu rằng, đây là giống bí nhập khẩu, có thông tin rõ ràng, đầy đủ theo quy định. Hạt giống cũng nảy mầm đều khi ươm.

Cũng theo đại diện Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn huyện Ea H'leo, người dân trồng giống bí của Công ty Hai Mũi Tên Đỏ và một số giống bí khác nhưng đều cho ít quả hoặc không có quả. Việc này cần phải tìm hiểu, xác minh thêm về thời tiết, dịnh dưỡng và thời điểm cây ra hoa, đậu quả.

Bao giờ hết cảnh “giải cứu” nông sản Việt Nam?

 Đức Huy

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020