Trò chơi “thóng nụ hoa” của trẻ con ở quê - Ảnh tư liệu
Điều thú vị không chỉ ở cái sự cam kết nghiêm túc phục vụ khách hàng kia. Với tôi, điều thú vị là bắt gặp chữ "đường luồng" trong một thông báo chính quy với công chúng phổ thông như vậy.
Từ "đường luồng" đến "thóng"
Bởi vì chữ "đường luồng" ấy là từ địa phương, được dùng hẹp ở một dải Nam Trung Bộ ven biển. Nhưng đường luồng ở quê có không gian dụng ngữ rộng hơn, đó là những lối đi hẹp - là đường mà không phải đường, những con hẻm ở Sài Gòn nếu ở quê chắc chắn sẽ được gọi là đường luồng, và ở quê còn những con đường luồng từ xóm dẫn ra ruộng, ra rẫy.
Nghĩ đến đây lại nhớ đến những con đường luồng dẫn vòng vèo ra rẫy Xóm Vịt, với đặc điểm là hai bên toàn gai bàn chải cao ngất. Bọn trẻ ngồi trên lưng bò chạy gấp trong những hôm trời mưa, gặp những cây keo gai đổ vắt ngang đường luồng, con bò sẽ chui ào qua và thế nào cũng gạt thằng nhỏ trên lưng rớt xuống nếu nó không kịp thóng nhanh xuống đất trước đó.
Đến đây lại bắt gặp từ "thóng", có nghĩa là nhảy. Từ này chắc các bạn gái nhớ nhiều hơn, vì có một trò chơi ở quê gọi là "thóng nụ hoa": hai đứa ngồi đối diện dùng bàn chân gác lên nhau, các đứa khác thóng qua, hễ đụng là bị bắt, cứ thế độ cao tăng dần từ hai bàn chân gác lên, rồi ba, bốn bàn chân, rồi đến gác lên đầu gối, rồi gác bằng gang tay...
Một trò chơi rất dễ thương gắn liền với tuổi thơ gió cát quê nghèo không ngờ còn mang trong mình một từ "thóng" địa phương, đến giờ nhắc lại nhiều người mới ồ lên ôi nhớ quá.
Và rồi một loạt bạn bè đồng hương cùng nhau "họp online" kể lại những từ địa phương mà mình nhớ được. Nào là ngẳng, còi, tởn, xởn, chạt, hà rứa, chò hỏ, thèo leo lẻo lự, theo meo, chúi nhủi, lòi chành té bứa, thiên tinh thủy tế, cà đai, đi luột, tứ tung lung tàng...
Hóa ra, có dịp điểm lại mới thấy từ địa phương ở miệt biển Nam Trung Bộ cũng nhiều ra phết. Và không chỉ chuyển tải những thô phác mộc mạc quê kệch, từ địa phương còn mang nhiều nét rất dễ thương.
Và ngẳng, chò hỏ, thiên tinh thủy tế...
Trong một số trường hợp dụng ngữ, chỉ có từ địa phương mới diễn đạt thật "đắt" cái ý cần nói. Như từ "ngẳng" chỉ cho những trường hợp ai đó có cách tạo ra tình huống hay chuyện gì đó vừa trái khoáy kỳ cục vừa mang tính giễu nhại, mà phải đem lại cảm giác thích thú cho người chứng kiến.
"Thằng đó nói câu ngẳng thiệt", "khi bị ông già làm dữ, không ngờ thằng này chơi ngẳng, nó lại...", là những cách nói mang "tính địa phương cao".
Hay như từ "chò hỏ", thật khó đưa ra một định nghĩa suôn sẻ cho từ này, nhưng người dân quê tôi ai cũng có thể nhận ra ngồi chò hỏ là kiểu ngồi xổm thu mình lại để hướng ánh nhìn về phía đang theo dõi. Cho nên chò hỏ không phải là kiểu ngồi tự tại, nó thể hiện sự liên đới từ người đang ngồi với một diễn biến nào đó, kiểu như "thằng đó còn nhỏ mà cứ chò hỏ nghe chuyện người lớn".
Lại có những từ địa phương dường như phản ánh một không gian tâm thức hay tín ngưỡng đặc thù của địa phương đó, như trường hợp từ "thiên tinh thủy tế". Từ này chỉ những người ăn nói hoang đường, kiểu ăn không nói có vô tội vạ. Gặp những người như thế, người già ở quê tôi thường kết luận: "Đồ cái thứ thiên tinh thủy tế, hơi đâu mà nghe".
Người xa quê lâu ngày sẽ nhận ra đồng hương khi bắt gặp từ địa phương dùng "đúng và đắt" trong cách diễn đạt. Lúc ấy, cái niềm vui "tha hương ngộ cố tri" như được nhân lên. Từ địa phương cũng là bạn cố tri của nhiều người lắm chứ bởi thời nào, ở đâu cũng đều có kẻ tha hương...
Có anh bạn dịch giả muốn tìm một từ để chuyển ý một từ tiếng Pháp có nghĩa là "ưa làm phiền người khác bằng những chuyện không đáng, dù không phải chủ ý, mà cũng không nghiêm trọng".
Cái tình huống ấy, ở Bình Thuận quê tôi có một từ diễn đạt thật sát nghĩa: hà rứa. Thật khó lý giải hai chữ "hà" và "rứa" tại sao lại kết hợp với nhau trong trường hợp này, nhưng nó chính là từ để chỉ một dạng giao tiếp hay cách sống như vừa đề cập vậy.
TTO - Người Nam Bộ hay nói rút gọn. Trong giao tiếp hằng ngày, thay vì nói "chút xíu" người ta thường nói "xíu".