Chuyên mục  


Đại biểu (ĐB) Trương Xuân Cừ (đoàn TP Hà Nội) cho biết theo các số liệu báo cáo từ năm 2021 đến nay thì khoảng 4 triệu người đã rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Điều này có thể giải quyết những khó khăn trước mắt cho những người rút BHXH nhưng là điều sức lo lắng, bởi 15 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa thì những người này sống bằng gì?

photo-1-16856087205351589253660.jpg

ĐBQH Trương Xuân Cừ, đoàn TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng

ĐB Cừ đề nghị cần nghiên cứu làm thế nào để tăng BHXH lên bằng tự nguyện hay bằng hỗ trợ nào đó.

Hiện nay, Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hỗ trợ cho các hộ nghèo 50% và hộ cận nghèo 30% là chưa hợp lý, bởi vì đã là hộ nghèo thì ăn hằng ngày còn khó, mới chỉ hỗ trợ đến 50% thì chắc là cũng chưa đủ hoặc những người đã đóng góp bao nhiêu năm rồi thì hỗ trợ như thế nào để người ta có thể tiếp tục nuôi dưỡng được BHXH đến năm cần thiết.

  • Đề xuất 2 phương án khi rút bảo hiểm xã hội một lần

Về BHYT đối với người cao tuổi, ĐB Cừ cho biết theo con số từ năm 2021, còn khoảng 500.000 người cao tuổi chưa có BHYT. Trong những năm qua, ngoài những chính sách khác thì BHYT của những người cao tuổi đã được các địa phương mua cho người cao tuổi, hiện nay rất nhiều tỉnh đã đạt được 100%, đây là điều phấn khởi nhưng còn một số tỉnh chỉ đạt 88%, khoảng 90%. Đặc biệt là Quyết định 861 của Chính phủ khi được công nhận các xã nông thôn mới, thôn, bản nông thôn mới thì nhà nước không mua BHYT đã làm ảnh hưởng tới số người được tham gia BHYT.

Theo ĐB Cừ, trong số 16,1 triệu người cao tuổi hiện nay, chỉ có 5 triệu người có BHXH và trợ cấp xã hội, còn 11 triệu người vẫn phải lao động để kiếm sống. Nếu không quan tâm tới BHYT đối với đối tượng này thì sẽ rất khó khăn mà chúng ta biết rằng người cao tuổi Việt Nam 95% là người có bệnh. ĐB kiến nghị Chính phủ, QH thống nhất dùng ngân sách để mua BHYT cho người cao tuổi, rất nhiều tỉnh muốn thực hiện nhiệm vụ này, tuy nhiên cần phải có các cơ sở pháp lý từ Chính phủ, từ QH.

ĐB Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn tỉnh Bình Dương) nêu thực tế hiện cả nước có khoảng 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng BHXH từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp đã phá sản, giải thể hoặc có chủ bỏ trốn. Hàng trăm ngàn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không được bảo đảm đầy đủ quyền lợi bởi các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định.

photo-1-1685608517608903463346.jpg

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân, đoàn tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phạm Thắng

Theo ĐB Trân, thời gian gần đây, lượng người lao động thất nghiệp do công ty thiếu đơn hàng tăng nhanh, các lao động này có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không chốt được sổ bảo hiểm.

ĐB đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam có giải pháp trong xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động và có chính sách hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng do lỗi từ các doanh nghiệp gây ra.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020