Chuyên mục  


Chiều 29-5, thảo luận về báo cáo giám sát công tác huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận đại dịch COVID-19 là một phép thử để biết thực lực ngành y tế đến đâu, để từ đó có các chính sách phù hợp.

Từ thực tế tâm dịch TP HCM, bà Lan cho biết việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 có rất nhiều khó khăn. Thời điểm dịch bùng phát ở TP HCM, có nhiều doanh nghiệp, người dân với tấm lòng vàng muốn đóng góp, ủng hộ cho công tác chống dịch, nhưng theo bà Lan, đóng góp bằng hiện vật sẽ dễ sử dụng hơn bằng tiền. "Những dự đoán của chúng tôi về việc đóng góp đó phần nào đã trở thành hiện thực khi có hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra sau đại dịch"- bà Lan cho hay.

phong-lan-1685348918361731786335.jpeg

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại hội trường chiều 29-5. Ảnh: Phạm Thắng

Việc quản lý nguồn lực phòng chống dịch có nhiều điểm nghẽn, thì việc sử dụng nguồn lực cũng gặp tình trạng tương tự. "Khi đang thiếu vắc-xin, báo chí phản ánh tình trạng "ông nội, ông ngoại" can thiệp để được tiêm vắc-xin, thì chúng ta lại không cho phép tiêm dịch vụ để giảm gánh nặng cho công lập" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu lại.

  • Thanh tra Chính phủ: Gần 5.000 gói thầu sai phạm liên quan phòng chống dịch COVID-19

  • TP HCM: Xử lý cá nhân, tập thể vi phạm trong mua sắm thiết bị, vật tư chống dịch

  • Nhiều đơn vị có sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, phòng chống dịch

Hay trường hợp khi cộng đồng đang thiếu thuốc điều trị, Bộ Y tế chậm cấp đăng ký cho thuốc Molnupiravir, dẫn đến tình trạng mua bán ngoài vòng pháp luật, đẩy giá, gây thiệt hại cho người dân.

Vị đại biểu TP HCM đề nghị báo cáo giám sát cần bổ sung điểm cân bằng giữa xây và chống. Đại biểu Lan đồng tình tiêu cực thì phải chống, nhưng trên thực tế chúng ta đã quan tâm đúng mức đến việc xây dựng cho ngành y tế mạnh hơn ngay thời điểm chống dịch và sau này hay chưa.

Từ những vấn đề vừa nêu, nữ đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị công tác giám sát cũng như báo cáo cần đi vào thực tế, làm thế nào để trong trường hợp dịch bệnh có quay trở lại, chúng ta sẽ đối phó tốt hơn. Tuy nhiên, với tâm lý e dè, sợ hãi, tự làm khó mình như hiện nay, đại biểu băn khoăn "không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi đại dịch quay lại".

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, cần cơ chế để bảo vệ những người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch, để tránh mọi tình huống về sau. "Tôi cũng là thành viên đoàn giám sát, cũng đã từng ở tâm dịch, khi đoàn giám sát đi đến các địa phương, đã chứng kiến nhiều người phải rơi nước mắt" - đại biểu nói.

bich-chau-16853490012701201085556.jpeg

Đại biểu Tô Thị Bích Châu đề nghị hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP HCM) cũng nhấn mạnh báo cáo đã thể hiện rõ những nỗ lực cũng như tồn tại, hạn chế của hệ thống y tế thời gian qua. Tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu cảm ơn sự chỉ đạo, hỗ trợ, động viên, tiếp sức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, đội ngũ y tế cùng nhân dân cả nước đối với TP HCM trong giai đoạn vô cùng khó khăn khi đối mặt với đại dịch COVID-19.

Vị đại biểu đoàn TP HCM cho rằng nhìn về phía trước, việc cần làm là hàn gắn những vết thương, hoàn thiện chính sách và đội ngũ để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân tốt hơn. Đại biểu đề nghị cần có cơ chế phân cấp hợp lý hơn, giao thẩm quyền cho Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trong những trường hợp "chống dịch như chống giặc", khẩn cấp và không chồng lấn, để kịp thời trong phản ứng, giúp đỡ tốt nhất cho người dân, tránh trường hợp "nước xa không cứu được lửa gần".

Đại biểu Tô Thị Bích Châu cũng đề nghị cần rà soát, mở rộng để có những quy định vinh danh những hành động đột xuất, những nghĩa cử cao đẹp, ủng hộ tài lực, vật lực, những tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp chắt chiu đóng góp ủng hộ cho các nguồn quỹ chống dịch, chăm lo cho hệ thống y tế, người dân.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020