Điều gì khiến các con căng thẳng trước kỳ thi
Chia sẻ với PV Gia đình và Xã hội, PGS.TS Phạm Mạnh Hà (giảng viên trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) cho biết, không chỉ riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà bất kỳ kỳ thi nào cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng đến tâm lý của các em học sinh. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt quan trọng, kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn là một giai đoạn chuyển tiếp vô cùng có ý nghĩa trong cuộc đời mỗi người.
Chính vì vậy, đối với các em học sinh, việc có thể vào được trường đại học, ngành học mình mong muốn, với một số điểm cao là một loại áp lực vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cũng chỉ ra rằng, ngoài tầm quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT, những áp lực, kỳ vọng từ chính bản thân và gia đình cũng tác động không nhỏ đến tâm lý của các sĩ tử.
Hơn nữa, theo thầy Mạnh Hà, việc học tập căng thẳng, dồn dập trong thời gian ngắn cũng khiến các em dễ cảm thấy quá tải, mệt mỏi. Cùng với đó, việc ăn uống, ngủ nghỉ trong thời gian này sẽ bị đảo lộn so với nhịp sinh hoạt hàng ngày của các em. Ví dụ như việc thức đêm quá nhiều, phải di chuyển liên tục đến những địa điểm ôn thi cũng khiến cơ thể các em trở nên suy nhược.
Căng thẳng trước kỳ thi là tốt hay xấu?
Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, căng thẳng luôn có tác động đến cả hai mặt là lợi ích và tác hại.
Đối với mặt tích cực, căng thẳng có thể kích thích các em trở nên nỗ lực, cố gắng và quyết tâm hơn nữa để vượt qua kỳ thi một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, về mặt bản chất, khi căng thẳng kéo dài với cường độ cao là dấu hiệu báo động của cơ thể. Nếu tình trạng này không được giải tỏa sẽ tạo ra những tác hại cho cơ thể, về cả tinh thần và thể chất (ví dụ như đau dạ dày, tình trạng lo âu, suy kiệt cơ thể…).
Chuyên gia giáo dục chỉ ra phương pháp để các bậc phụ huynh giúp các con giảm bớt căng thẳng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh minh họa
Cha mẹ có thể làm gì để con giảm bớt căng thẳng trước kỳ thi
Điều quan trọng nhất mà phụ huynh có thể làm trong giai đoạn này là học cách hướng dẫn các con ứng phó với căng thẳng, đối diện với những vấn đề lo âu, thầy Mạnh Hà nhấn mạnh.
Bố mẹ cần nhận diện được chính xác đâu là tác nhân gây ra những căng thẳng cho con, ví dụ như con có gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian, con ăn uống, ngủ nghỉ điều độ hay không, hay con có đang bị quá tải trong việc học…
Như vậy, khi nhận diện được các vấn đề con đang gặp phải, bố mẹ có thể lựa chọn phương pháp giải quyết phù hợp. Ví dụ như nếu thấy con đang quá tải, bố mẹ có thể trò chuyện, chia sẻ, giúp con giải tỏa bớt áp lực. Nếu chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của con đang không hợp lý thì cha mẹ có thể điều chỉnh, can thiệp lại nếp sinh hoạt.
Ngoài ra, PGS.TS Mạnh Hà cũng cho rằng, cha mẹ cũng nên thấu hiểu năng lực của con mình ở đâu, từ đó có thể giảm bớt kỳ vọng xuống để phù hợp với khả năng của con hơn. Hay nói cách khác, cha mẹ phải nhìn nhận và dự đoán được chính xác khả năng của con mình, thay vì đặt ra những mục tiêu vượt ngoài tầm với.
Thông qua quá trình trao đổi và thấu hiểu, cha mẹ có thể cùng con xây dựng một lộ trình, kế hoạch phù hợp trước ngưỡng cửa cuộc đời.
GĐXH - Bộ GD&ĐT ban hành văn bản về việc hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Thí sinh cần lưu ý những gì?