Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội vừa cho biết, máy đào hầm TBM dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được chuyển về Việt Nam thành 2 đợt vào cuối tháng 10/2020 và tháng 12/2020.
Máy TBM cao và rộng là 6,6 m, dài khoảng 100 m (gồm cả các hệ thống phụ trợ), được coi là "quái vật" đào các tuyến đường hầm đường sắt đô thị. Do kích thước lớn nên để vận chuyển về Việt Nam, các bộ phận của máy đào TBM được tách rời tại nơi sản xuất, sau đó mới lắp ráp lại với nhau dưới ga S9 (Kim Mã, TP Hà Nội).
Dự kiến đến tháng 3/2021, Hà Nội sẽ động thổ khoan mét hầm đầu tiên của tuyến hầm dài 4,5 km đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội. Hầm đào đến đâu sẽ hoàn thành lắp vỏ hầm đến đó rồi tiến hành lắp ray.
Quá trình đào, các chuyên gia phải kiểm soát áp lực và tránh nước chảy vào trong hố giếng hoặc hộp ga. Máy đào vận hành dựa trên nguyên tắc sử dụng lực đẩy và chuyển động về phía trước. Khối lượng đất thải tỷ lệ với tốc độ xoáy của vít tải…
Máy đào sẽ bắt đầu từ ga S9 (Kim Mã). Với nền địa chất như Hà Nội, các chuyên gia dự đoán mỗi ngày máy TBM đào được khoảng 10 m hướng đến ga 12 tại phố Trần Hưng Đạo.
Việc lắp đặt máy đào thường được thực hiện ở dưới đáy hố đào hoặc hộp ga như dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội. Các bộ phận của máy đào được một cần cẩu siêu lớn chuyển xuống dưới lòng đất đề lắp ráp lại với nhau.
Đoạn ngầm của tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội nằm ở độ sâu từ 21-22 m. Sau khi thi công, hầm sẽ gồm 2 ống hầm rộng 6,3 m.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 12 ga, trong đó có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, đi qua các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. TP Hà Nội dự kiến khai thác thương mại đoạn tuyến trên cao dài 8km từ Nhổn đến Cầu Giấy vào năm 2021. Đoạn đi ngầm của tuyến đường sắt này dài 4,5 km còn lại sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2022.
Quang Phong