Chuyên mục  


Một hình ảnh đang được lan truyền trên Facebook gây hoang mang gần đây khi có hẳn cả một bàn tiệc dành cho Kumathong. Ảnh: TL

Kumathong có thể uống nước và sữa?

Búp bê Kumathong còn có tên gọi khác là “cậu bé vàng” và có nguồn gốc xuất xứ từ Thái Lan. Theo các nguồn thông tin, búp bê Kumathong được tạo ra bằng việc dùng xác các thai nhi, mạ vàng bên ngoài và yểm bùa chú. Khi mang những búp bê này về nuôi và chăm sóc như người thật thì người nuôi sẽ được giúp đỡ, tạo sự may mắn trong công việc, tình cảm, cuộc sống. Ngược lại, nếu nuôi mà bỏ bê thì các búp bê này sẽ quay lại trả thù người nuôi. Khác với miêu tả, theo quan sát của phóng viên các búp bê Kumathong hiện nay được rao bán lại hoàn toàn làm bằng chất liệu nhựa, có một vài ký tự trên trán, cổ và gáy.

Để minh chứng sự tồn tại của các linh hồn trong các búp bê này, “bài tủ” được người bán đem ra quảng cáo phần nhiều là chuyện khả năng tự uống sữa và nước của búp bê (?). Những người bán này dùng các ống nhựa dài cắm vào các loại đồ uống và niệm bùa chú, các bài kinh cúng, khấn để Kumathong có thể uống nước và sau đó nước tự chảy ra. Tuy nhiên, chẳng cần bùa chú nào, cũng chẳng cần búp bê Kumathong, với tất cả các loại nước có ga mà phóng viên thực chứng thì gần như sau một thời gian đều tự chảy ra. Các loại nước được bỏ tủ lạnh thì thời gian tự chảy ra càng nhanh.

Lợi dụng lòng tin của người dân, búp bê Kumathong đang được rao bán với rất nhiều hình thức khác nhau. Chỉ cần một cú click chuột vào các trang phong thủy người mua sẽ có thể dễ dàng đặt mua Kumathong, thậm chí còn có cả dịch vụ giao hàng tận nhà. Đáng chú ý hơn, búp bê Kumathong còn được nhiều tài khoản Facebook sử dụng để hành nghề mê tín dị đoan trên mạng xã hội.

Chị Thảo Lan (Trà Vinh), người trực tiếp bán và nuôi Kumathong chia sẻ với phóng viên: “Tôi nhập hàng Kumathong từ sư thầy Kruba Bun Xom ở Thái Lan. Mỗi con sẽ có những giá bán khác nhau tùy vào kích cỡ và phép xăm. Tôi cũng nuôi “hai bé” được nửa năm và rất cưng nựng chúng. Khi mua sư thầy nói phép xăm trên người Kumathong sẽ hỗ trợ làm ăn, tránh và bảo vệ cho chủ khi có ai muốn hãm hại. Nhưng may mắn tôi chưa được nhận thì khi nuôi Kumathong có thể do tôi hơi nặng vía, nên từ khi nuôi thấy người nặng hết hai vai chưa biết phải xử lý Kumathong thế nào nữa”(?).

Cũng giống chị Lan, nhiều bạn trẻ cũng có những dòng chia sẻ trên các trang mạng xã hội rằng, sau một thời gian nuôi Kumathong họ đang rơi vào tình cảnh khủng hoảng tâm lý vì ám ảnh về sự trả thù của loại búp bê này (?).

Lợi dụng niềm tin mù quáng để trục lợi

Chuyên gia Trần Vũ Kim Trung chỉ rõ trò “lừa đảo” mà những người bán hàng bày ra. Ảnh: Huy Hoàng

Để có thêm thông tin về vấn đề này, chúng tôi đã tìm gặp chuyên gia tâm linh Trần Vũ Kim Trung. Ông cho biết: “80% búp bê Kumathong tại thị trường Việt Nam hiện nay là đồ giả vì không dễ dàng để có thể cấp phép cho loại búp bê này tại Thái Lan. Đồng thời, búp bê được gọi là Kumathong thì tương truyền là phải có xác thai nhi thật bọc vàng chứ không phải là búp bê nhựa. Sự linh ứng của Kumathong theo tôi thì hiện nay đang được tạo ra bởi các bài viết content và chạy quảng cáo trên Facebook. Chuyện uống sữa, coca hay các đồ uống khác tôi cho rằng là sự nhảm nhí không thể chấp nhận được. Các đồ uống có ga luôn tuân theo tính chất vật lý thì cứ thế chảy ra thôi. Còn dưới góc độ tâm linh, đừng bao giờ nghĩ rằng sử dụng búp bê Kumathong sẽ đem lại vận may hay xui xẻo. Bạn thử nghĩ xem, một linh vật nhí làm sao có đủ năng lực để có thể làm chuyện đó”.

Còn nói về cách kiểm chứng, ông Trung cho rằng: “Tại Thái Lan, Kumathong được hợp pháp hóa. Các con búp bê này thậm chí còn có giấy tờ chứng minh về mã vạch và nếu bạn mua nó thậm chí bạn còn có giấy sở hữu. Hầu hết, các búp bê được rao bán tại Việt Nam đều trên mạng xã hội hoặc bán chui chứ không hề có căn cứ kiểm tra”. Để minh chứng cho việc tạo ra một con búp bê Kumathong giả, chuyên gia còn vẽ ngay trực quan cho chúng tôi một số ký tự trên một con búp bê đồ chơi.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung, Trưởng khoa Văn hóa, giảng viên cao cấp Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về bùa ngải Thái Lan thì cho rằng: “Tôi nghĩ đây là một vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, trực tiếp là bùa ngải Thái Lan. Kumathong truyền tụng được làm ra từ xác thai nhi, xương hài cốt nhưng chưa ai kiểm chứng có phải thực sự như vậy không? Có những người chỉ đua đòi cho hợp trào lưu. Nhưng cũng có những người tâm lý bị phụ thuộc gây các rối loạn về tâm lý, xuất hiện trầm cảm và thậm chí là bị ốm đau, khi đó lại đổ cho việc búp bê trả thù. Người trẻ thường chưa có những nhận thức sâu sắc, trải nghiệm cuộc sống, lại đang trong giai đoạn trải qua những biến cố về công việc và cuộc sống, thì dễ tin ngay”.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung cũng cho rằng: “Chính niềm tin mù quáng là căn cứ để những người kinh doanh lợi dụng các bạn trẻ. Nếu các bạn có đủ trí tuệ, sự tìm hiểu chắc chắn và đặc biệt là niềm tin về bản thân mình thì các bạn chắc chắn sẽ không bị dính mắc vào những chiêu trò mà người bán tạo dựng ra”.

Niềm tin tâm linh chân chính là một trong những điều tốt đẹp của con người. Nhưng, nếu chúng ta gửi niềm tin không đúng chỗ thì không chỉ mất tiền mà còn gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, cuộc sống của chính bản thân và cộng đồng. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ “buôn thần, bán thánh” có thể ngang nhiên hoạt động.

Búp bê Kumanthong "gây sốt" giới trẻ có khả năng mang lại phú quý?

Huy Hoàng

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020