Chương trình do Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.1, TP.HCM vừa tổ chức.
Khi một diễn giả tại chương trình hỏi: “Bao nhiêu phụ huynh sợ con mình đang chơi game và trở nên nghiện game?”, lập tức 100% phụ huynh đưa tay lên. Vị diễn giả này hỏi tiếp: “Và bao nhiêu phụ huynh có con đang chơi game và bây giờ chống đối mình?” thì có hơn một nửa phụ huynh xác nhận.
Con nghiện, chồng cũng nghiện
Chị Hà Nguyễn Thảo Nguyên (Q.Phú Nhuận) bất lực nói: “Con tôi năm nay 11 tuổi và rất thích chơi game. Vô tình một ngày tôi phát hiện con mình có những biểu hiện như giật mắt, giật cơ mặt rất thường xuyên. Tìm hiểu thì tôi biết cháu đã có những dấu hiệu bị rối loạn, nhưng nói đưa đi bác sĩ thì bé một mực không chịu và bảo để con tự bỏ. Nhưng rồi một tuần, hai tuần… bé vẫn không bỏ được, và mỗi lần nói đưa đi bệnh viện bé lại nổi giận, có thái độ hung hăng. Thật sự không biết phải làm thế nào”.
Trường hợp gia đình chị Trần Nguyễn Thiên Hương (Q.6) còn bi hài hơn: “Nỗi khổ của mình nhân lên gấp đôi khi con nghiện rồi chồng cũng nghiện. Hôm nay mình đến đây mong được chia sẻ cách giúp cai nghiện được cho cả chồng, cả con. Hai cha con tối nào cũng ôm máy điện thoại chơi game đến khuya, nhiều lúc mình làm căng thì 2 cha con hung hăng chống đối mình và lớn tiếng qua lại, mình rất buồn”.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm (Trường ĐH An ninh nhân dân), kể bản thân cũng có đứa con từng nghiện game. Khi phát hiện thì ngay lập tức vợ ông cầm iPad đập vào tường, rồi từ đó con giận không nhìn mặt mẹ và còn nói sẽ giận mẹ cả đời.
Đừng giao phó con cho các thiết bị điện tử, vì quá trình để nghiện game sẽ đến rất nhanh
|
“Từ đó tôi nhận ra chúng ta đang ngăn chặn một hứng thú của trẻ và tạo ra một cảm xúc tiêu cực ở trẻ. Sau đó, tôi nói với con muốn chơi game thì phải chơi thể thao, phụ giúp các việc nhỏ trong nhà, rồi ba sẽ mua lại cho con, nhưng không phải là bây giờ. Từ đó tôi đưa con đi tham gia nhiều hoạt động vui chơi thể thao và sau đó mua iPad về thì con cũng không còn thích chơi nữa. Điều may mắn là tôi phát hiện và thay đổi bản thân kịp thời”, ông Báu kể.
Con cái sẽ không nghiện game nếu “nghiện” chính ba mẹ mình
Khi con chơi game và có những dấu hiệu rối loạn, ông Thành Nhân, Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.1, tư vấn cho phụ huynh: “Tìm một người bạn rất thân với bé từ thời thơ ấu và cho 2 bạn đó đi chơi cùng nhau. Tiếp theo là hạ đường truyền internet dần dần và nói với bé là 3G bố mẹ chỉ nộp đến đó thôi. Nếu bé phát hiện ra và nổi nóng muốn đập đồ thì phải thực hiện bước tiếp theo, là mang tất cả chén bát bỏ lên bàn, nói với con hôm nay con đập hết đồ này thì gia đình sẽ nhịn đúng một tuần, ba mẹ sẽ vì con mà không ăn nữa, con cứ đập hết đi và ba mẹ sẵn sàng nhịn một tuần. Và đã có những đứa bé đập hết sau khi nghe nói như vậy, nhưng nhiều bé chùn tay. Trong trường hợp bé đập phá thì phải thực hiện bước tiếp là đưa đi bệnh viện”.
Ông Thành Nhân nhấn mạnh, trải nghiệm là cách tốt nhất để làm đứa trẻ thay đổi, các bậc phụ huynh nên cho con được trải nghiệm nhiều hơn để trẻ giảm được tình trạng nghiện game. “Cha mẹ đừng bao giờ buông tay, nếu trẻ nghiện game mà buông tay là coi như xong”, ông nói.
Ông Lương Dũng Nhân, phó giám đốc một trung tâm kỹ năng ở TP.HCM, khuyên đối với những ca trầm trọng thì phải xử lý bằng biện pháp kiên trì, cứng rắn. Tuy nhiên ở mức độ này không tự mình xử lý được mà phải cần đến các cơ quan chức năng, chuyên gia… Ở mức độ có rối loạn hành vi nhưng chưa đến mức trầm trọng, sẽ điều chỉnh ở nhà bằng phương pháp thay thế đam mê cũ bằng đam mê mới, hướng cho con tự sáng tạo các hình thức giải trí chủ động thay cho giải trí bị động (xem phim, chơi game…) để tăng tính sáng tạo và sự thích thú cho con, cũng như là liệu pháp hàn gắn các mối quan hệ.
Riêng đối với phụ huynh, ông Dũng Nhân đưa ra nguyên lý bàn tay, mỗi ngày phụ huynh về nhà hãy mở bàn tay phải và tay trái của mình ra, bàn tay phải là 5 nhu cầu cảm xúc thiết yếu nhất của con mà bố mẹ cố gắng đáp ứng. Bàn tay trái là những động lực sai lầm nếu như bàn tay phải không được áp dụng và dẫn con đến những con đường sai lầm.
Ông Dũng Nhân kết luận: “Chắc chắn trẻ sẽ không thể nghiện game hay nghiện bất cứ thứ gì khi đã “nghiện” gia đình, ba mẹ mình, “nghiện” tình yêu thương trong gia đình của mình”.