Chuyên mục  


Tin sáng 28/8: Màn bốc thăm kịch tính giành suất học mầm non ở Hà Nội; hai phương án nghỉ Tết Quý Mão 2023

GiadinhNet - Qua những lá thăm may rủi, các phụ huynh đã xác định được suất học cho con vào Trường Mầm non Hoàng Liệt (Hà Nội). Có người mừng vui, nhưng cũng có phụ huynh trầm ngâm; Công an TP Hải Phòng thông tin không phát hiện có chất ma túy trong cơ thể hành khách N.T.A..

Câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm để cho con được vào học mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) gây ra những phản ứng trái chiều trên mạng xã hội trong những ngày qua. Theo đó, quy trình bốc thăm gồm 2 vòng, vòng 1 mỗi đợt gồm 5 phụ huynh xếp hàng bốc thăm lấy số thứ tự. Ở vòng 2, phụ huynh sẽ dùng số thứ tự này để bốc thăm phiếu tuyển sinh. Trên các phiếu đều có đóng dấu của Trường mầm non Hoàng Liệt.

Phiếu trúng tuyển sẽ ghi "chúc mừng bé đã trúng tuyển vào trường", ngược lại phiếu không trúng tuyển sẽ ghi "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".

Ngày 27/8, Trường mầm non Hoàng Liệt đã tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ lớp 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ bốc thăm qua 2 vòng, 80 phụ huynh đã bốc thăm trúng tuyển cho con vào trường Mầm non Hoàng Liệt cơ sở Tứ Kỳ, 96 phụ huynh phải ngậm ngùi ra về khi bốc phải phiếu: "Rất tiếc bé không trúng tuyển vào trường".

Một phụ huynh vui mừng vì may mắn có được lá phiếu trúng tuyển (ảnh VOV)

Bình luận về sự kiện hy hữu này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam nhấn mạnh, bên cạnh quyền sống thì quyền được học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Với mỗi con người, để phát triển và trưởng thành thì không thể không có giáo dục. Giáo dục là quá trình thu nhận kiến thức, kỹ năng, giá trị và niềm tin được dạy trong trường học hoặc qua các phương thức khác.

Trong các văn bản pháp luật của mỗi quốc gia thì Hiến pháp luôn ở vị trí cao nhất, quy định những vấn đề quan trọng, cơ bản nhất về chế độ chính trị, về việc tổ chức, điều hành, quản lý xã hội, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức. Điều 39 (Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013) quy định: "Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập".

Như vậy, học tập không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ đối với công dân, đặc biệt là trẻ em. Pháp luật cũng có những quy định cụ thể để quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Điều 14 (Luật Giáo dục 2019) quy định: "Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc".

Trong những năm qua hoạt động giáo dục ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngoài hệ thống giáo dục công dân, do nhà nước đầu tư và quản lý thì giáo dục ngoài công lập, giáo dục tư cũng ngày càng phát triển đa dạng. Đối với hệ giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông thì ngoài hệ thống giáo dục công lập đã ra đời tồn tại và phát triển suốt quá trình lịch sử phát triển của đất nước thì hệ thống giáo dục dân lập, tư thục cũng ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu học tập của công dân.

Nhiều người cho rằng, nếu không có cơ hội học trường công lập thì có thể cho con học trường tư thục, có sao đâu. Có thể đó là những suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục. Nếu cán bộ quản lý, người có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền học tập của trẻ em mà có suy nghĩ và nhận thức như vậy thì cần phải xem xét lại tư duy và đạo đức nghề nghiệp của những vị này.

Đành rằng, trong xã hội nếu học sinh không học trường này thì học trường khác, không học hệ này thì học hệ khác, không học ở gần thì có thể học ở xa. Tuy nhiên pháp luật thì luôn hướng đến sự bình đẳng với mọi đối tượng, đặc biệt là với trẻ em nghèo, trẻ em yếu thế thì càng phải được quan tâm đặc biệt. Những năm qua, Nhà nước ta rất quan tâm đến giáo dục, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được đến trường, được bình đẳng trong việc tiếp cận hoạt động giáo dục công lập.

Chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí đã và đang thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Nếu ai có con em học hành thì đều biết rằng học trường công sẽ ít tốn kém hơn rất nhiều so với học trường tư thục, trường quốc tế. Chỉ có những gia đình có điều kiện, kinh tế khá giả mới có khả năng và điều kiện cho con theo học các trường tư thục, trường quốc tế. Bởi lẽ, với mức học phí bằng cả tháng lương của người lao động thì việc cho con học trường mầm non, tiểu học ở các trường ngoài công lập là một ác mộng đối với phụ huynh.

"Nếu phải nộp học phí cao để học trường tư thục thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, tâm lý và có thể là còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, nhiều bậc phụ huynh luôn tìm mọi cách để cho con vào trường công lập. Thậm chí có những người còn chấp nhận chi phí không chính thức, chấp nhận đưa con đi xa hơn để được học trường công lập nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Chính vì vậy khát khao cho con vào trường công ở nhiều thành phố lớn là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh", Ts.Ls Cường chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, cần xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục ở địa phương

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, khi pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục; Nhà nước mọi tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập còn có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Do đó, nếu địa phương nào để thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục của địa phương. Chính những quy định về việc trẻ em có hộ khẩu ở đâu thì phải học ở đó cũng là quy định bất cập dẫn đến khó khăn cho việc cơ hội học tập của trẻ em khi mà quyền tự do cư trú, không phân biệt tạm trú và thường trú như hiện nay.

"Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau. Đặc biệt chú ý đến trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương. Có những thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số và trẻ em; có tính toán khoa học, hợp lý là những yếu tố quan trọng để phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong giai đoạn hiện nay", Tiến sĩ Cường phân tích.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020