Chuyên mục  


Mất đất sau lần lăn tay ở nhà cán bộ tư pháp?

Theo đơn phản ánh của bà Hoàng Thị Thứ (SN 1941, trú thôn Cư Chánh 2, xã Thủy Bằng, TP Huế), thửa đất số 40, tờ bản đồ số 1, xã Thủy Bằng, diện tích khoảng 773 m2 được UBND TP Huế cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013.

Sau khi ông Quốc (chồng bà Thứ) qua đời, đến năm 2013, gia đình và các con đẻ bà Thứ đã thỏa thuận, thống nhất và tiến hành các thủ tục liên quan để bà Thứ nhận thừa kế toàn bộ quyền sử dụng đất. Thửa đất được UBND thị xã Hương Thủy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Thứ theo số giấy chứng nhận 00316 cấp ngày 31/12/2013 (thời điểm này xã Thủy Bằng thuộc thị xã Hương Thủy).

Theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh - Công ty Luật An Doanh (Thừa Thiên Huế), Khoản 1 Điều 168 Luật đất đai năm 2013 quy định Người sử dụng đất được thực hiện việc tăng cho quyền sử dụng đất khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đồng thời, người sử dụng đất được thực hiện các quyền tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của luật đất đai.

Như vậy, bà Thứ là chủ sử dụng đất được pháp luật công nhận và đây là tài sản riêng của bà. Bà Thứ có đủ quyền của người sử dụng đất để thực hiện việc cho tặng quyền sử dụng đất của mình mà không cần sự đồng ý của bất kỳ người con nào của bà Thứ.

Hiện nay tại thửa đất này, bà Thứ đã cho con trai là ông Thân Bá Cư xây 1 ngôi nhà cấp 4 và một người con trai khác của bà là Thân Bá Chính sinh sống tại nhà thờ của gia đình nằm trong khuôn viên thửa đất.

Theo phản ánh của ông Thân Bá Cư (con trai bà Thứ), bà Thứ nhiều năm nay ở nhà một người anh trai khác cách xa mảnh đất mà hiện tại ông và ông Chính đang ở. Khoảng đầu năm 2022, vào một lần ăn giỗ ở nhà ông Chính, bà Thứ được đưa qua nhà ông Lê Văn Tuấn - cán bộ tư pháp hộ tịch UBND xã Thủy Bằng để lăn tay nhận gạo hỗ trợ hằng tháng.

Sau lần lăn tay này, thửa đất của bà Thứ được ông Chính đăng ký sang tên cho vợ chồng ông Chính và việc sang tên đã được Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Huế thực hiện.

Đơn phản ánh gửi cơ quan chức năng của bà Thứ.

Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của bà Hoàng Thị Thứ cho ông Thân Bá Chính có chữ ký, lăn tay của 2 người làm chứng là ông Nguyễn Ngọc Duyên và ông Thân Bá Xê.

Theo như hợp đồng tặng, cho quyền sử dụng đất của bà Thứ cho ông Thân Bá Chính, quá trình thực hiện hợp đồng này, do bà Thứ không đọc và không viết được nên bà Thứ có mời 2 người là ông Nguyễn Ngọc Duyên và ông Thân Bá Xê làm chứng (2 người làm chứng sau đó đã kí tên và lăn tay lên bản hợp đồng).

Trong khi đó, đơn phản ánh của bà Thứ lại nêu: "Hiện, thửa đất trên tôi chưa lăn tay hay ký ủy quyền cho ai thay mặt tôi làm bất cứ thủ tục hay giấy tờ liên quan gì đến việc cấp giấy phép sử dụng đất. Do vậy, tôi viết đơn này kính đề nghị UBND TP Huế và UBND xã Thủy Bằng ngăn chặn tất cả giao dịch bất hợp pháp, hay hoàn tất thủ tục cấp đại diện chứng nhận quyền sử dụng đất cho ai".

Chính quyền địa phương nói gì?

Trước những phản ánh của người dân, PV đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Thìn - Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng và ông Lê Văn Tuấn - cán bộ tư pháp hộ tịch UBND xã Thủy Bằng để làm rõ thông tin.

Trả lời PV, ông Lê Văn Thìn – Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho hay, năm 2014, khi ông còn giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, ông từng ký hồ sơ chứng thực việc bà Thứ cho tặng thửa đất cho vợ chồng ông Thân Bá Chính. Sau đó, hồ sơ cho tặng đất này không được vợ chồng ông Chính làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay.

Theo ông Thìn, vợ chồng ông Chính không làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay vì chủ quan, cứ nghĩ đất đai của mẹ để lại cho con thì chắc sẽ không có vấn đề gì. Đến cuối năm 2021, vợ chồng ông Chính làm thủ tục sang tên thì đã quá thời hạn theo quy định. Mặt khác, hồ sơ cho tặng đất này không có xác nhận của những người con khác của bà Thứ nên không hợp lệ.

Đến đầu năm 2022, ông Chính chứng thực lại hồ sơ cho tặng đất và làm thủ tục chuyển thửa đất từ đứng tên bà Thứ sang tên vợ chồng ông Chính. Sau khi thửa đất đứng tên ông Chính, bà Thứ và người con trai Thân Bá Cư làm đơn khiếu nại vì cho rằng, bà Thứ chưa hề lăn tay điểm chỉ xác nhận việc cho tặng thửa đất cho ông Chính.

Lô đất của bà Thứ.

Về thông tin bà Thứ được đưa đến nhà cán bộ xã lăn tay, nhận gạo hỗ trợ, ông Thìn cho biết: "Việc qua nhà cán bộ xã lăn tay như vậy là hoàn toàn không đúng quy trình nhưng cũng xuất phát từ việc muốn giúp người dân, vì bà Thứ lúc đó cũng già cả và đi lại khó khăn nên mới thực hiện việc lăn tay tại nhà vị cán bộ xã. Còn tôi đã tìm hiểu kỹ, không có chuyện cán bộ xã nói với bà Thìn là lăn tay để nhận tiền, nhận gạo hỗ trợ".

Trong khi đó, ông Lê Văn Tuấn - cán bộ tư pháp hộ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết, bà Thứ được người thân đưa đến nhà ông và trước khi lăn tay điểm chỉ, bà Thứ đã được đọc cho nghe văn bản. Ngoài ra, vì không viết được nên việc lăn tay điểm chỉ của bà Thứ có sự chứng kiến của 2 người là Thân Bá Xê (SN 1956) và ông Nguyễn Ngọc Duyên (SN 1955).

"Tôi cũng nói muốn làm thủ tục gì thì cứ lên UBND xã, nhưng vì nhà tôi và nhà bà Thứ gần nhau nên hôm đó người nhà đã dẫn bà Thứ sang nhà tôi. Biết là không đúng quy trình nhưng cũng vì bà đi lại khó khăn nên tôi mới quyết định cho lăn tay ngay tại nhà riêng của tôi" - ông Tuấn phân trần.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, liên quan đến vụ việc, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu xã Thủy Bằng báo cáo, đồng thời sẽ giao các đơn vị vào cuộc xác minh.

Liên quan đến vụ việc này, dưới góc độ pháp lý, Luật sư Võ Thị Tuệ Minh - Công ty Luật An Doanh (Thừa Thiên Huế) đã đưa ra những nhận định liên quan.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP: "UBND xã, phường thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của luật đất đai. Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp xã thực hiện ký chứng thực và đóng dấu của UBND cấp xã."

Và theo quy định tại Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về địa điểm chứng thực: "Việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu chứng thực thuộc diện già yếu, không đi lại được, đang bị giam giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng. Khi thực hiện chứng thực phải ghi rõ địa điểm chứng thưc, trường hợp chứng thực ngoài trụ sở phải ghi rõ thời gian (giờ, phút) chứng thực."

Do đó, trong vụ việc này, với lý do bà Thứ là người già yếu, đi lại khó khăn thì UBND xã có quyền được chứng thực ngoài trụ sở và khi thực hiện chứng thực phải ghi rõ địa điểm chứng thực và ghi rõ thời gian chứng thực.

Cũng theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Khoản 2 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: "Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ, tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực."

Do đó, người có thẩm quyền chứng thực có trách nhiệm phải xác thực khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, ý chí tự nguyện của người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch... Trong trường hợp này, bà Thứ hiện không bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hay là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, trường hợp tại thời điểm bà Thứ điểm chỉ, bà ngoài trừ thuộc trường hợp già yếu, đi lại khó khăn khó thuộc trường hợp được công chứng ngoài trụ sở và bà còn có thể nghe hiểu và thể hiện ý chí của mình nên có thể đánh giá bà Thứ có minh mẫn khi thực hiện việc chứng thực hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Cán bộ tư pháp tiếp xúc, xác nhận bà Hoàng Thị Thứ đủ minh mẫn, sáng suốt thì vẫn tiến hành chứng thực.

Theo Luật sư Võ Thị Tuệ Minh, Khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định: "Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp người có thẩm quyền giao kết hợp đồng của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đã đăng ký chữ ký mẫu tại cơ quan thực hiện chứng thực thì có thể ký trước vào hợp đồng; người thực hiện chứng thực phải đối chiếu chữ ký của họ trong hợp đồng với chữ ký mẫu trước khi thực hiện chứng thực, nếu nghi ngờ chữ ký trong hợp đồng khác với chữ ký mẫu thì yêu cầu người đó ký trước mặt.

Trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký được thì phải điểm chỉ; nếu người đó không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 2 (hai) người làm chứng. Người làm chứng phải có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch."

Trong vụ việc này, bà Hoàng Thị Thứ xác nhận là mình không biết chữ nên cán bộ tư pháp xã mời thêm người làm chứng là đúng quy định. Ông Thân Bá Xê và ông Nguyễn Ngọc Duyên là người không có quyền và lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nên đủ điều kiện để làm chứng cho người yêu cầu chứng thực là bà Hoàng Thị Thứ. Khi hai người làm chứng đã quan sát, mời đến chứng kiến, đọc, ký và điểm chỉ vào văn bản tức họ đã tìm hiểu, biết được văn bản mình đang làm chứng cho bà Hoàng Thị Thứ.

Vụ tranh chấp đất đai tại Bình Định: Người dân mong chờ kết quả giải quyết từ Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ

GiadinhNet - Cho rằng việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình chưa được xem xét thấu đáo các quy định của pháp luật, ông Bùi Thể đã gửi đơn khiếu nại đến Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ và nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định để được xem xét, giải quyết.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bắt giữ quản lý casino người Trung Quốc tại Campuchia

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020