Chuyên mục  


Mâm cơm gia đình là hình ảnh biểu tượng cho Về ăn cơm, mâm cơm khá đơn giản với đĩa cá, tô canh và chén mắm nhỏ. Vì hình ảnh này, nhiều độc giả nhầm Về ăn cơm là... quán ăn và bình luận muốn đặt món - Ảnh: SUZU

Vừa lên mạng từ 25-5, trang Về ăn cơm đã thu hút lượng theo dõi gần 100.000 và lượng tương tác tốt. Những bức tranh vẽ ba con Su - Ngót đạt từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn lượt tương tác vì sự dễ thương, đời thường.

Độc giả bật cười vì ông bố Su mập mạp, là sếp lớn nhưng luôn chịu nhượng bộ trước cô con gái Ngót nhỏ xíu, tinh nghịch.

Đằng sau Về ăn cơm là bốn người trẻ, gồm hai người làm nội dung và hai họa sĩ. Đứng đầu dự án là Nguyên Hạnh - quản lý SuZu Studio (23 tuổi) và Nguyễn Thăng Long - trưởng nhóm nội dung (24 tuổi). Trước khi công bố trang, nhóm chỉ mất hai tuần làm kế hoạch và một tuần chuẩn bị nội dung.

Nhóm nhân vật của Về ăn cơm là 5 gia đình trong một khu xóm, mỗi gia đình thể hiện một góc độ, một câu chuyện.

Bố con Su - Ngót là gia đình đầu tiên được nhóm tung ra, chiếm cảm tình của khán giả từ những bức tranh đời thường và tạo hình dễ mến. Về sau, sẽ có những nhân vật như ngoại Mi, dì Mai, thằng Rồ, thằng Dừa...

5 gia đình trong một xóm nhỏ là những nhân vật của Về ăn cơm. Hiện tại, mới có cặp ba con Su - Ngót "lên sóng". Su - Ngót lấy cảm hứng từ những nhân vật có thật ngoài đời về tạo hình, tính cách và những tình tiết thú vị đời thường - Ảnh: SUZU

Nguồn cảm hứng của Về ăn cơm đến từ tất cả thành viên của Suzu Studio. Mỗi người góp một chút để tinh thần, ý tưởng tạo nên một gia đình hoàn chỉnh trong Về ăn cơm. Có gia đình đông đủ 5 thành viên, có gia đình chỉ có 2 người: cặp vợ chồng trẻ hoặc bố - con, mẹ - con.

Về sự đa dạng này, anh Nguyễn Thăng Long lý giải: "Không phải gia đình nào cũng "hoàn chỉnh", cũng đông thành viên. Và ngược lại, đầy đủ thành viên chưa chắc đã là gia đình thực sự.

Dù có bao nhiêu thành viên đi chăng nữa, chúng ta chỉ cần có nhau, có những buổi cơm quây quần, đó là gia đình".

Sau bố con Su - Ngót, các gia đình khác sẽ dần xuất hiện từ nay đến tháng 9, góp thêm những mảng màu đa sắc cho bức tranh gia đình Việt.

"Về ăn cơm giống như một ước muốn của tôi. Tôi cũng muốn có những bữa cơm gia đình như vậy, có những tình cảm như vậy, nhưng do sống xa nhà nên chỉ có thể "ăn cơm" với gia đình qua màn hình điện thoại.

Ai cũng yêu gia đình mình, chỉ là không biết cách hoặc ngại thể hiện. Từ khi tôi làm trang này, má tôi ngày nào cũng vào xem và bình luận. Ba má tôi kêu trang này là "ba cái đồ quỷ yêu" nhưng tôi biết là ba má khoái lắm. Có một số nhân vật, tôi đưa tính cách của má vào. Còn hình ảnh ông bố Su có một nửa giống ba tôi" - Nguyễn Thăng Long nói với Tuổi Trẻ Online.

Hai tuần nữa, một gia đình mới sẽ xuất hiện trên Về ăn cơm, bên cạnh ba con Su - Ngót.

Một số hình ảnh ba con Su - Ngót trên Về ăn cơm:

Ba Su là sếp lớn ở một công ty, còn bé Bồ Ngót mới 4 tuổi nhưng là "sếp nhỏ của sếp lớn" - Ảnh: SUZU

Hôm 1-6 vừa qua, bộ tranh "Hồi nhỏ ai cũng từng bươn chải" gây sốt, đạt hơn 22.000 lượt tương tác. Bộ tranh vẽ lại thú chơi đồ chơi, đóng vai của trẻ con. Các bé hóa thân thành những người làm các nghề nghiệp khác nhau. Trong đó có nghề đầu bếp với những món ăn nhỏ xíu - Ảnh: SUZU

Ca sĩ cũng là "nghề" yêu thích của nhiều em bé. Sân khấu quen thuộc luôn là phòng khách và khán giả là ba mẹ cùng dàn thú bông - Ảnh: SUZU

Với bộ đồ chơi bác sĩ, các bé thường đi khắp nhà và "khám bệnh" cho mọi người. Hình ảnh này đáng yêu vì không chỉ là trò chơi, bé Ngót thực sự quan tâm đến sức khỏe của ba Su khi thức khuya làm việc - Ảnh: SUZU

Một trong những trò vui nhất là chơi đồ hàng, làm chủ tiệm tạp hóa tí hon dù "khách hàng" hơi ít và không mấy "người" có tiền - Ảnh: SUZU

Đọng lại sau một bức tranh vui là một thông điệp giáo dục nhẹ nhàng. Bộ tranh này cũng vậy. Lời nhắn nhủ trong tranh như nỗi lòng của mỗi người làm cha mẹ với đứa con bé bỏng của mình - Ảnh: SUZU

Vì thế, Về ăn cơm không chỉ vẽ cho trẻ con, mà còn cho những người lớn muốn sống lại một thời thơ bé - Ảnh: SUZU

Vẽ về khu cách ly Việt Nam - bộ tranh 'truyền cảm hứng cực mạnh' của một du học sinh

TTO - Đối mặt với biến cố và lại là biến cố dịch bệnh có thể cướp đi mạng sống con người bất cứ lúc nào, nhiều nghệ sĩ chọn cho mình một cái nhìn lạc quan. Tác phẩm của họ cũng vì vậy đã truyền đi niềm hi vọng ấm áp cho người xem.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020