Khách tham quan trưng bày 'Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử' - Ảnh: T.ĐIỂU
Những hiện vật quý này cùng hơn 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh đang được giới thiệu tới công chúng trong trưng bày Đảng Cộng sản Việt Nam - Những mốc son lịch sử, tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (25 Tông Đản, Hà Nội).
Trưng bày do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Cục Lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức, nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 - 3-2-2025), hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Dao quắm ông Nông Ngọc Định dùng chặt cây làm lán cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944, và bật lửa bà Nông Thị Den ở Cao Bằng đưa cho đồng chí dùng - Ảnh: T.ĐIỂU
Những hiện vật của lòng dân với Đảng
Hơn 150 hiện vật, tài liệu, hình ảnh giới thiệu khái quát sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; cũng như những mốc son lịch sử qua 13 kỳ đại hội Đảng; sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trên chặng đường 95 năm qua.
Công chúng được nhìn lại quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thấy được vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, qua các tài liệu, hiện vật tiêu biểu như Bản án chế độ thực dân Pháp, Báo Thanh Niên, Chánh cương, sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ của Đảng…
Đặc biệt, nhiều hiện vật thể hiện lòng dân với Đảng được trưng bày, mang đến nhiều cảm xúc cho người xem, như: dao quắm ông Nông Ngọc Định dùng chặt cây làm lán cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm 1944;
Bật lửa bà Nông Thị Den ở Cao Bằng đưa cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng khi hoạt động cách mạng năm 1944.
Những hiện vật thể hiện lòng dân với Đảng - Ảnh: T.ĐIỂU
Hay chiếc ấm bà Dương Thị Lình dùng đựng nước tiếp tế cho ông Phạm Văn Đồng khi ông tham gia hoạt động cách mạng tại Cao Bằng trong những năm 1942 - 1944;
Chiếc phạn đựng cơm gia đình cụ Đặng Thị Kháng ở xóm Hòa Lạc, Vĩnh Yên dùng đựng cơm cho các đồng chí trong Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 - 1945.
Và chiếc mâm cơm gia đình cụ Đám Thi ở Đình Bảng, Bắc Ninh dùng dọn cơm cho các ông Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Văn Tiến Dũng năm 1940;
Chiếc đèn pin cụ Mã Viết Lã ở Lũng Nghiền, Lạng Sơn đưa cho ông Hoàng Văn Thụ dùng trong thời gian hoạt động cách mạng từ năm 1940 - 1943…
Diễn văn khai mạc có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ngày 5-9-1960 - Ảnh: T.ĐIỂU
Đũa nhạc trưởng của Bác Hồ và chiếc hòm phiếu đặc biệt
Người xem cũng được dịp xem lại bộ sưu tập nghị quyết, văn kiện của Đảng trong trưng bày.
Đặc biệt là diễn văn khai mạc có bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh sửa bằng bút bi đỏ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng ngày 5-9-1960.
Hay chiếc đũa nhạc trưởng Bác Hồ dùng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng, bắt nhịp bài Kết đoàn trong buổi dạ hội chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ III do Đoàn Thanh niên lao động tổ chức tại vườn Bách Thảo, Hà Nội.
Một hiện vật khiến người xem chú ý là chiếc hòm phiếu sử dụng bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12-1976, đại hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
Hòm phiếu sử dụng bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12-1976 - Ảnh: T.ĐIỂU
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 14 đến ngày 20-12-1976. Có 1.008 đại biểu thay mặt hơn 1,5 triệu đảng viên trong cả nước dự đại hội.
Với hòm phiếu này, đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 101 ủy viên chính thức và 32 ủy viên dự khuyết.
Bộ Chính trị gồm có 14 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết. Năm đó, ông Lê Duẩn được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.