Các nghệ sĩ Nhà hát nghệ thuật Hát bội TP.HCM thực hiện lễ đại bội trong chương trình Ngày Sân khấu Việt Nam tối 11-8 âm lịch tại Nhà hát Thành phố - Ảnh: LINH ĐOAN
Giỗ Tổ sân khấu là hoạt động ý nghĩa, lâu đời của giới sân khấu. Thường các nghệ sĩ cả nước sẽ tổ chức cúng Tổ và các hoạt động biểu diễn trong ba ngày 11, 12 và 13-8 âm lịch.
Ngày 12-8 âm lịch hằng năm cũng đã được nhà nước chọn là Ngày Sân khấu Việt Nam.
Giỗ Tổ để tri ân tiền nhân, khán giả
Trong dịp giỗ Tổ, rất nhiều nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập thành kính cúng Tổ.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận (bìa phải) thăm hỏi đạo diễn Hồng Dung, con gái cố NSND Năm Châu, tại buổi cúng Tổ ở Nhà thờ Tổ sân khấu - Ảnh: LINH ĐOAN
Đây là dịp để họ dâng hương lên Tổ nghề, bày tỏ lòng biết ơn đến tiên tổ, các bậc tiền nhân đã sáng tạo nên nền nghệ thuật sân khấu độc đáo, có giá trị, làm giàu cho bản sắc văn hóa của dân tộc.
Đồng thời tri ân các thế hệ nghệ sĩ đi trước, khán giả đã đồng hành cùng văn nghệ sĩ.
Giỗ Tổ sân khấu ban đầu chỉ giới hạn trong giới những nghệ sĩ hoạt động ở lĩnh vực sân khấu. Hiện nay đã mở rộng đến nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, trên khắp cả nước.
Nhân dịp từ Mỹ về thăm quê, vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc đến thắp nhang Tổ nghiệp tại Nhà thờ Tổ sân khấu. Vợ chồng nghệ sĩ Bảo Quốc (bìa trái) và nghệ sĩ Trịnh Kim Chi, trưởng ban Ái hữu Nghệ sĩ - Ảnh: LINH ĐOAN
Năm nào cũng vậy, Nhà thờ Tổ sân khấu ở số 133, đường Cô Bắc (Q.1, TP.HCM) thường là nơi tổ chức lễ giỗ Tổ sớm nhất. Như năm nay là vào sáng 11-8 âm lịch.
Bao giờ cũng vậy, các nghệ sĩ trân trọng đến thắp nhang Tổ ở nơi này trước, sau đó mới đi đến các địa điểm khác.
Chiều tối cùng ngày, tại Nhà hát Thành phố đã diễn ra chương trình kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam - Lễ giỗ Tổ ngành Sân khấu 2023.
Chương trình do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM và Hội Sân khấu TP.HCM phối hợp tổ chức.
Chương trình nhằm động viên nghệ sĩ, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực sân khấu tiếp tục sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động, tạo ra nhiều tác phẩm hay.
Đến dự có đại diện lãnh đạo thành phố và nhiều ban ngành như Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Huỳnh Thanh Nhân…
Ngoài ra còn nhiều lãnh đạo ở các hội văn học nghệ thuật trong thành phố và đông đảo nghệ sĩ ở nhiều thế hệ như Kim Cương, Minh Vương, Trọng Hữu, Thanh Điền, Lê Thiện, Quốc Nhĩ, Thanh Nguyệt, Tô Kim Hồng, Diễm Kiều, Mai Trần, Thoại Mỹ, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Nhã Thi…
Tuyên dương những nghệ sĩ nổi bật, trao quà nghệ sĩ cao niên
Trong chương trình Ngày Sân khấu Việt Nam tại Nhà hát Thành phố, trên cơ sở đề xuất của Hội Sân khấu Thành phố và các đơn vị nghệ thuật, Sở đã tặng giấy khen đối với các tác phẩm nổi bật đã lập thành tích tốt trong hoạt động sân khấu 2022 - 2023.
Nghệ sĩ Lệ Thủy hát trong chương trình Ngọn lửa truyền thừa - Ảnh: LINH ĐOAN
Các tác phẩm đoạt giải nhất, huy chương vàng tại các cuộc thi, liên hoan toàn quốc. Các tác phẩm đoạt giải quảng bá tác phẩm của Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Các tác phẩm đoạt giải thưởng do Hội Sân khấu TP.HCM trao tặng.
Ban tổ chức cũng đã trao quà cho một số nghệ sĩ cao niên, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền sân khấu.
Tối cùng ngày, nhà hát Trần Hữu Trang đã tổ chức đêm diễn mừng giỗ Tổ mang tên Ngọn lửa truyền thừa.
Từ trái qua, nghệ sĩ Lê Thiện, Diệu Hiền, Thanh Điền trò chuyện cùng khán giả trong chương trình Ngọn lửa truyền thừa - Ảnh: LINH ĐOAN
Đêm diễn có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Phượng Loan, Tấn Giao, Trọng Phúc, Tú Sương, Lam Tuyền, Tâm Tâm, Tú Sương, Võ Minh Lâm, Minh Trường, Điền Trung, Nhã Thi, Lê Thanh Thảo…
Ngọn lửa truyền thừa kéo dài đến khuya 11-8 âm lịch với nhiều tiết mục cải lương xã hội, tuồng cổ, kiếm hiệp…
Ngoài ra, còn có cuộc trò chuyện nho nhỏ với các các nghệ sĩ kỳ cựu như Diệu Hiền, Thanh Điền, Lê Thiện, Bo Bo Hoàng, Hồng Sáp.
Cuộc trò chuyện như sự tiếp lửa của thế hệ đi trước với các nghệ sĩ trẻ để tiếp tục giữ gìn phát huy ngọn lửa nghệ thuật.