Trụ sở quận Phú Xuân, TP Huế là khu vực di tích đồn Mang Cá nằm bên trong Kinh thành Huế xưa - Ảnh: NHẬT LINH
Từ 1-1-2025, TP Huế trực thuộc trung ương được thành lập với hai quận mới là Phú Xuân và Thuận Hóa (tách từ địa giới hành chính của TP Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế cũ).
Trụ sở quận Phú Xuân ở TP Huế là đồn Mang Cá
Sau khi thành lập trụ sở hành chính của quận Thuận Hóa (bờ nam sông Hương) được đặt tại trụ sở UBND TP Huế cũ.
Còn với quận Phú Xuân (bờ bắc sông Hương), TP Huế đã chọn khu vực đồn Mang Cá (trụ sở của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế cũ) làm Quận ủy, trụ sở UBND quận. Đây cũng chính là một khu vực di tích lịch sử vô cùng đặc biệt thuộc hệ thống Kinh thành Huế.
Năm 1805, vua Gia Long cho xây dựng đài Trấn Bình nằm ở góc đông bắc Kinh thành Huế nhằm kiểm soát khu vực đường sông ở phía đông.
Đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vòng thành được xây lại bằng gạch và đổi tên là Trấn Bình đài.
Pháo đài này có hình như mang con cá nên được người dân gọi là Mang Cá.
Năm 1883, sau khi tấn công Kinh thành Huế, người Pháp chiếm lấy Trần Bình đài để xây căn cứ quân sự vì vị trí quan trọng chiến lược của khu vực này.
Năm 1885, Tôn Thất Thuyết dẫn quân tấn công chiếm đồn Mang Cá nhưng bất thành, bị người Pháp phản kích rồi dẫn đến biến cố thất thủ kinh đô.
Cửa Kẻ Trài dẫn lối vào đồn Mang Cá - đây là một trong 13 cổng thành thuộc hệ thống di tích Kinh thành Huế - Ảnh: NHẬT LINH
Đến năm 1886, triều đình Huế nhượng bộ cho Pháp góc đông bắc kinh thành để Pháp xây dựng một hệ thống công trình quân sự, bệnh viện, nhà ở… tại đây. Khu vực này chính là đồn Mang Cá hay trụ sở UBND quận Phú Xuân ngày nay.
Hẳn ai cũng cảm thấy quen thuộc khi nhắc đến câu thơ "Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà...". Đó là trích đoạn nhắc đến đồn Mang Cá trong bài thơ "Lượm" nổi tiếng của nhà thơ Tố Hữu được sáng tác vào năm 1949.
Kết thúc sứ mệnh là một công trình quân sự
Sau khi người Pháp thua trận, đồn Mang Cá lại trở thành khu vực quân sự dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Nơi đây cũng từng diễn ra những trận đánh ác liệt trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 của Quân giải phóng miền Nam với quân đội chế độ cũ.
Đến năm 1975, đồn Mang Cá trở thành doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam và sau này là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một trong trình thuộc UBND quận Phú Xuân đang được tu sửa, chỉnh trang nhằm phục vụ người dân - Ảnh: NHẬT LINH
Mới đây, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế đã hoàn thành xây dựng trụ sở mới ở khu vực bờ nam sông Hương và tiến hành di dời, bàn giao lại khu vực đồn Mang Cá cho tỉnh.
Trước mắt, UBND TP Huế cho biết sẽ sử dụng đây làm UBND quận Phú Xuân để phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong ngày làm việc đầu tiên ở quận Phú Xuân, cán bộ, nhân viên tại đây đã tích cực vừa giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính, vừa thực hiện dọn dẹp, lau chùi lại trụ sở mới.
Các khu nhà do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế bàn giao đang được sơn lại để làm nhà công vụ, khu hành chính làm việc tại trụ sở quận.
Điều đặc biệt hơn là ở trong trụ sở quận Thuận Hóa còn có một sân vận động rộng rãi, trồng cỏ thật xanh mướt. Nơi đây có thể tổ chức các giải bóng đá, hoạt động sự kiện, thể thao ngoài trời ngay trong trụ sở quận.
Như vậy sau cả trăm năm trời, đồn Mang Cá đã hoàn thành sứ mệnh là một công trình quân sự, trở thành nơi phục vụ dân sinh là trung tâm hành chính của quận Phú Xuân, TP Huế.
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính trong ngày đầu làm việc tại UBND quận Phú Xuân - Ảnh: NHẬT LINH
Trong ngày 2-1, ông Nguyễn Văn Phương, chủ tịch UBND TP Huế, đã đến kiểm tra UBND quận Phú Xuân.
Ông Phương đề nghị quận Phú Xuân tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo sự minh bạch, thuận tiện và giảm thiểu thời gian chờ đợi cho người dân trong quá trình xử lý hồ sơ.
Đồng thời tổ chức sắp xếp, bố trí nhân lực có đủ tiêu chuẩn, năng lực chuyên môn nghiệp vụ để tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cá nhân trong ngày làm việc, không để tình trạng quá tải, thiếu nhân lực, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân trong thực hiện thủ tục hành chính.