Chuyên mục  


Bắt đầu từ kỳ này, "Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất" sẽ cùng các độc giả đến với một chủ đề hấp dẫn và kỳ thú với những phát hiện khảo cổ liên quan đến những "người lạ" trong văn hóa Đông Sơn.

1. Trước hết, xin vài dòng giải thích về khái niệm "người lạ" trong khảo cổ học tiền sử.

Trong lịch sử thế giới thì khái niệm người lạ dần trở nên mờ nhạt trước hết ở những thành thị gắn với quá trình nhà nước sớm trên thế giới. Các thị dân (citizen) không nhất thiết cùng một dòng tộc hay cùng một làng quê nhất định. Tình trạng này bùng nổ với sự phát triển của nền đại công nghiệp từ thế kỷ 16 ở châu Âu, đã đưa lao động tứ xứ tụ hội ở các thành thị, khu công nghiệp, chế xuất, tạo thành một dạng hình cộng đồng mới. Đương nhiên, mỗi khi cộng đồng hỗn tộc, hỗn chủng hình thành ổn định thì những người mới đến lại được coi là "người lạ".

Bộ hài cốt “người lạ” sọ tròn nằm bó gối theo táng thức Hoabinhian truyền thống, khai quật ở mái đá Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình). Hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình

Chuỗi bài này, chúng ta chỉ bàn đến "người lạ" trong thời Đông Sơn, tức những người từ xa đến với nhiều lý do (buôn bán, nô lệ, thương nhân, tu sĩ, tù binh, dâu rể…) gia nhập vào cộng đồng Đông Sơn trồng lúa, đúc đồng bản địa, mang theo những dấu ấn ghi nhận sự khác biệt của họ với nền tảng quen thuộc chiếm số đông của văn hóa Đông Sơn.

Thoạt đầu, khảo cổ học nhận biết sự khác lạ này thông qua khác biệt chủng tộc dựa trên xương cốt nhân chủng học, sau đó là qua táng thức và tùy táng chôn theo. Tôi xin kể ở đây 4 ví dụ để minh họa điều đó: 1- Ngôi mộ sọ tròn trong văn hóa Hòa Bình ở mái đá Đú Sáng (Kim Bôi, Hòa Bình); 2 - Người Đồng Vườn và người Mán Bạc, 3- Nhóm người lạ ở khu mộ Gò Ô Chùa (Long An); và 4 - Hai sọ dài kiểu Indonesien trong khu mộ táng Đông Sơn ở làng Động Xá (Kim Động, Hưng Yên).

2. Dựa trên hàng chục tiêu bản sọ người khai quật trong khung cảnh văn hóa Hòa Bình, các nhà khảo cổ học nhân chủng nhận thấy tính thống nhất cao của loại hình nhân chủng bản địa của cư dân văn hóa Hòa Bình, Đa Bút. Đó là những người có khuôn sọ dài, khá thô với những đặc trưng phương Nam gần gũi với sọ thổ dân châu Úc (Ostroloid). Những yếu tố Mongoloid (người phương Bắc châu Á) đan xen tăng dần cho thấy xu hướng hỗn chủng của hai nhóm đại chủng lớn đã diễn ra ở Việt Nam khoảng trên 10.000 năm trước, tạo ra dạng sọ hình trứng Indonesien phổ biến trong thời hậu kỳ đá mới thuộc bình tuyến Phùng Nguyên, đến thời văn hóa Đông Sơn. Sọ hình tròn đặc trưng của Mongoloid phổ biến khá muộn về sau.

Chính vì thế, chúng tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp ngôi mộ nằm co khá nguyên vẹn thuộc tầng 8.000 - 9.000 năm trước tại mái đá Đú Sáng thuộc văn hóa Hòa Bình lại có hộp sọ tròn rất điển hình của sọ Mongoloid. Điều này củng cố luận điểm của các nhà nhân chủng về sự tồn tại hai lớp dân cư (two layers) đan xen, gối nhau trong thời kỳ văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.

2ghep-17339608213321498754234.jpg

Hai kiểu người đã từng chung sống và chung chết trong khu làng và khu mộ táng ở Mán Bạc (Yên Mô, Ninh Bình). Chủ nhân sọ bên trái thực chất là cư dân bản địa thuộc văn hóa Đa Bút sống tại di chỉ Đồng Vườn cách Mán Bạc chừng 2km. Chủ nhân sọ bên phải đại diện cho cư dân chủ đạo của Mán Bạc 3.500 - 4.000 năm về trước

Trong phạm vi bài này, tôi cho rằng đây là ngôi mộ của một "người lạ" xuất hiện trong cộng đồng dân cư Hoabinhian sống tại mái đá Đú Sáng vào thời Toàn tân sớm (sau 10.000 năm). Trong tương lai gần, sự phát triển của công nghệ nghiên cứu DNA cổ sẽ giúp nói nhiều điều cụ thể hơn về "người lạ" này. Các bạn có thể đến thăm bộ hài cốt của "người lạ" tại Bảo tàng tỉnh Hòa Bình.

Trường hợp thứ hai tôi muốn nói về 7 "người lạ" trong số gần 50 bộ xương đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam, Úc, Nhật, Mỹ khai quật và nghiên cứu tại khu mộ táng Mán Bạc (Yên Mô, Ninh Bình) trong khoảng những năm 2004 - 2006. Trong khi đa số cư dân làng Mán Bạc cổ có kiểu sọ thuộc loại hình nhân chủng Indonesien (hay Đông Nam Á cổ) tức tiền thân trực tiếp của cư dân Đông Sơn, thì xuất hiện 7 cá thể mang đăc trưng nhân chủng khác hẳn, với nhiều yếu tố Ostroloid hơn. Đó chính là những người Đa Bút sống ở Đồng Vườn (một di chỉ khảo cổ học thuộc văn hóa Đa Bút) gần đó. Họ là thiểu số trong cộng đồng Mán Bạc hậu kỳ đá mới 3.500 - 4.000 năm trước, nhưng thực chất họ mới là đại diện của chủ nhân bản địa ở vùng đất Yên Mô này thời 4.000 năm về trước. Những người trồng lúa với kiểu sọ tiền Đông Sơn đến khai thác vùng đất này sau đã hòa huyết và chung sống với những người Đồng Vườn khai thác nhuyễn thể ven biển bản địa. Hẳn là những năm đầu mới đến, họ bị cư dân Đồng Vườn coi như người lạ mới nhập cư (newcomers, immigrants), nhưng ưu thế của kinh tế sản xuất ngũ cốc quảng canh đã khiến họ nhanh chóng vươn làm chủ thể với số đông và nền kinh tế vượt trội, tạo đà cho chuỗi phát triển tiền Đông Sơn và Đông Sơn sau đó. 7 hài cốt bản địa trở thành "thiểu số" và dần được coi như "người lạ" trong cộng đồng dân cư Mán Bạc.

Trường hợp thứ ba tôi muốn kể đến là trường hợp 6 "người lạ" trong cộng đồng cư dân Gò Ô Chùa (Long An). Hơn 20 năm trước, tiến sĩ Andreas Reinecke đã phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng tỉnh Long An khai quật địa điểm này. Đây là một làng làm muối thời tiền Óc Eo - Phù Nam tuổi trên 2.000 năm. Điều đáng đề cập ở đây là việc nhận diện 6 "người lạ" nhờ nghiên cứu đồng vị oxy 18 trên cao răng. Về hình thái xương cốt thì 6 người này không khác gì lắm so với các bộ xương còn lại, nhưng cao răng chứa oxy 18 lại chỉ báo rằng họ sống ở những vùng có độ cao trên 200m so với những người cùng làng. Họ là những người miền núi nhập cư. Có thể về xuôi buôn muối rồi ở lại!

3ghep-1733960821286188749483.jpg

Hình bên trái là khuôn thạch cao chiếc sọ dài mang đậm chất Indonesien - một trong hai hộp sọ “người lạ” khai quật ở khu mộ táng Động Xá (Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên) và hình bên phải là chân dung thật của cô gái 25 tuổi sau khi đã được đắp phần mềm đã bị phân hủy. Hiện vật của Bảo tàng Phạm Huy Thông (Kim Bôi, Hòa Bình)

Trường hợp cuối cùng do tôi trực tiếp phát hiện, nghiên cứu. Đó là hai "người lạ" trong số trên 60 hài cốt khai quật ở làng cổ Đông Sơn mang tên Động Xá (Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên) từ 1994 đến 2004.

Động Xá là một làng lúa Đông Sơn điển hình, đa số hài cốt chôn trong các mộ thân cây khoét rỗng hoặc bọc mành vỏ cây đều có cốt sọ hình trứng điển hình của cư dân Đông Sơn. Hai chiếc sọ duy nhất lại thuộc loại sọ dài của người phương Nam. Họ cao nhỉnh hơn những người cùng làng và có thể tóc hơi xoăn.

Một sọ được xác nhận là nữ khoảng 25 tuổi. Năm 2005, tôi đã chọn sọ cô gái 25 tuổi này để dựng chân dung mặt thật. Cũng như trường hợp ở Mán Bạc, nhưng người "thiểu số" này thực chất họ mới là tổ tiên những người bản địa đã dần vắng bóng, lùi thành những "người lạ" trên quê hương gốc của họ.

3. Lịch sử luôn diễn ra như vậy. Ở mỗi lát cắt thời gian, cư dân chiếm số đông đương đại tạo thành khối cư dân bản địa mới và những cư dân khác họ trở thành "thiểu số" hoặc "người lạ"!

Trong những bài sau, tôi sẽ giới thiệu với các bạn về sự có mặt của những người tóc xoăn như người châu Phi hiện nay, cũng như những bộ tùy táng khá xa lạ với Đông Sơn mang đậm phong cách Ấn Độ, xen lẫn trong cộng đồng di vật Đông Sơn…

Mãnh hổ và thần đèn trong "tạo sáng" Đông Sơn

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020