Chuyên mục  


Theo website đơn vị đấu giá Sotheby's Paris, chiều 14/6 (giờ địa phương), tranh được gõ búa với mức 1,02 triệu euro (27,7 tỷ đồng) gồm thuế phí, vượt dự kiến trước đó là 600.000-900.000 euro. Bức họa xếp thứ 15 trong top tranh Việt đắt giá nhất mọi thời, bên cạnh loạt tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Quốc Lộc, Phạm Hậu, Tô Ngọc Vân và Vũ Cao Đàm.

Bức "Les Chanteuses de Campagne" (Người hát dân ca). Ảnh: Sotheby's

Người hát dân ca (Les Chanteuses de Campagne) là bức thứ hai của Nguyễn Phan Chánh vượt mức triệu USD, sau bứcNhững cô thợ may (1,39 triệu USD trên sàn Christie’s tháng 12/2020). Tác phẩm vẽ hai ca nương ngồi đối diện nhau, đội nón quai thao, cầm quạt, bận áo nâu quần lĩnh, đi chân đất. Tranh sơn dầu trên toan khổ lớn, với tông nâu trầm đặc trưng của họa sĩ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi đánh giá kết quả đấu giá đúng như dự đoán ban đầu của ông bởi tác phẩm có xuất xứ rõ ràng. Theo ông, một trong những chi tiết đáng quan tâm ở bức tranh là phương diện chất liệu. "Người ta vẫn quen với những tác phẩm lụa của Nguyễn Phan Chánh, nhưng đây là một tranh sơn dầu, phong cách vẫn là những mảng màu lớn, chân phương, rất ít chi tiết, thường thấy trong tranh lụa của ông", ông Khôi cho biết.

Giám tuyển Ace Le - giám đốc điều hành thị trường Việt Nam của Sotheby's - đánh giá tác phẩm là tranh quan trọng nhất từng được tung ra thị trường của Nguyễn Phan Chánh. Bức được hoàn thiện năm 1930 - thời kỳ sáng tác đỉnh cao của danh họa. Ban đầu, tranh chỉ được biết đến qua các hồ sơ lưu trữ, một số triển lãm ở Hà Nội năm 1930 và Paris năm 1931. Sau đó, một cặp vợ chồng bác sĩ ở Pháp mua sưu tập, truyền cho các thế hệ sau. Gần đây, tranh được phát hiện tại nhà một người cháu của họ ở vùng nông thôn Pháp. Ông Ace Lê kỳ vọng kiệt tác này được hồi hương, về với quê nhà sau gần một thế kỷ nơi đất khách.

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) quê Hà Tĩnh, là một trong những họa sĩ tiêu biểu cho nền hội họa Đông Dương, người tiên phong nghệ thuật tranh lụa Việt Nam. Ông bắt đầu vẽ ở tuổi 33 khi trở thành học viên khóa đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương. Năm 1929, Nguyễn Phan Chánh có tác phẩm trưng bày trong sự kiện Triển lãm Nghệ thuật Thuộc địa (Salon de l'art colonial), Paris, đánh dấu mốc trọng trong sự nghiệp.

Sau Cách mạng tháng 8, Nguyễn Phan Chánh là Ủy viên Thường vụ Hội Văn hóa Cứu quốc của tỉnh. Năm 1955, ông làm giảng viên hội họa trường Đại học Mỹ thuật trong vài năm, có nhiều tác phẩm đề tài kháng chiến chống Mỹ. Nguyễn Phan Chánh để lại trên 170 bức, trong đó có những tranh nổi tiếng như Chơi ô ăn quan, Tiên Dung và Chử Đồng Tử, Sau giờ trực chiến.

Từ trái qua (hàng đứng): các sinh viên khóa I (1925-1930) ở trường Mỹ thuật Đông Dương gồm Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Georges Khánh, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung, Lê Văn và hiệu trưởng Victor Tardieu (ngồi). Ảnh tư liệu

Ngoài bức Người hát dân ca, nhiều tranh Việt trong phiên đấu giá chiều 14/6 được quan tâm, như Parfum de fleurs (Hương hoa) của Lê Phổ - 288.000 euro (7,8 tỷ đồng), La fenêtre (Bên cửa sổ) của Mai Trung Thứ - 84.000 euro (2,3 tỷ đồng), Buste de jeune indo-chinois (Chân dung chàng trai Đông Dương) của Vũ Cao Đàm - 60.000 euro (1,6 tỷ đồng), Paysage au Nord du Vietnam (Phong cảnh Bắc Kỳ) của nhóm sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương - 72.000 euro (1,9 tỷ đồng).

Mai Nhật

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020