Xuất hiện trong chương trình “Ký ức tươi đẹp” số mới nhất, MC- nhà báo Trác Thúy Miêu khiến nhiều người kinh ngạc trước cá tính, sự thông minh và cách ví von về cuộc hôn nhân của mình một cách độc đáo và khác biệt.
“Tôi rất tò mò về cách yêu của Thúy Miêu, lúc Thúy Miêu quen với người bạn đời của mình bây giờ, phản xạ đầu tiên của tôi là chúng tự tìm đến nhau: một mợ rất giang hồ ở Sài Gòn, với anh xuất thân từ nơi giang hồ nhất xứ Bắc đó là Hải Phòng. Đôi khi vẫn có người hỏi, cặp ấy còn không. Cho đến giờ là họ gắn bó 7 năm rồi, tôi vẫn nghe được những câu hỏi ấy...”, nhà báo Minh Đức thể hiện sự nghi hoặc.
Trác Thúy Miêu thẳng thắn nói: “Ngày xưa, Thúy Miêu luôn viết về chồng, về đời sống hôn nhân giống như kiểu ta mới có được, ta như địa chủ bán đất, ta khoe khắp. Và một ngày nào đó, Miêu không còn viết về chồng nữa, không còn khoe chồng nữa. Tôi bắt đầu có những tình yêu mới.
Tôi bắt đầu viết nhiều hơn về Sài Gòn, về áo dài, về gánh hát của tôi và không thấy bóng dáng ông chồng trong đó nữa. Thì mọi người nói: tao đã nói là hai đứa này không có hợp với nhau đâu. Giờ nó “tẹt” rồi đó.
Xin thông báo với mọi người là, bọn tớ vẫn một đội rất hùng hậu. Nhưng đúng là trong cuộc hôn nhân này, cái anh chàng đó tôi không nghĩ là giang hồ Hải Phòng đâu.
Tôi nghĩ anh chàng cù lần phương xa đó, có phải lòng tôi và cưới tôi làm vợ đi chăng nữa. Anh yêu tôi không phải vì tôi đẹp đẽ gì, lại già hơn người ta 8 tuổi. Đó có lẽ là một trong những người đã từng bị tôi thuyết phục, bởi tình yêu quá lớn của tôi dành cho một điều khác.
Phải chăng sức hấp dẫn của chúng ta đối với người nào đó khi đến với mình, bởi vì ta tha thiết, yêu si mê, điên cuồng. Anh giỏi nghề, anh yêu công việc và say sưa nói về nó cũng đủ khiến cho người đối diện cảm thấy yêu và muốn bước vào cuộc vui đó cùng với mình”.
MC hỏi tiếp: “Trông dữ dằn, sắc sảo như thế mà trong mắt một số người là... xấu nữa, mà lấy chồng trẻ, đẹp trai, vậy lấy chồng là dễ hay khó đối với Miêu?”
Nỗi niềm hoài cổ, tình yêu nhạc xưa và sự mê đắm Sài Gòn đã khiến chồng trẻ kém 8 tuổi tôn thờ Trác Thúy Miêu.
“Ta lại liên tưởng tới Sài Gòn nhé, Sài Gòn nếu làm đàn bà thì chỉ là tình nhân, chưa bao giờ được coi là vợ. Chưa bao giờ người ta đến đây mưu sinh mà người ta gọi nhà tôi ở Sài Gòn. Tết là người ta nói: phải về nhà thôi, và người ta bỏ Sài Gòn đi. Sài Gòn như cô gái giang hồ cao cấp, đến ngày Tết là hưu quạnh, vì trong nhà không có bàn thờ Tổ, bàn thờ Gia Tiên, không có người thân ở lại với mình. Và cũng rất ít người nói là quê tôi ở Sài Gòn...
Tôi là người đàn bà giống như thế. Bên trong không có chất liệu làm vợ, trông tôi không giống như một người vợ. Thì Sài Gòn cũng có cách xoay sở để làm vợ của một ai đó. Cho đi rất nhiều, thức với nhau về đêm, ru nhau ngủ trong mỏi mệt cơ hàn. Vẫn ở đó trong ngày người ta vinh quy. Thậm chí, có người ra hải ngoại rồi, đến lúc đó người ta mới day dứt nhớ người đàn bà bệ rạc ở cái đất phương Nam và tìm về. Thấy cô ấy chiêu đãi họ bằng những món thịt kho hột vịt, tô canh khổ qua. Lúc đó, khi xa rồi mới thấy đó là nhà, đó là vợ.
Sài Gòn giống một người vợ, một người tri kỷ, một người lãnh đạo. Nàng là nhà đầu tư chính. Quý vị sẽ không có sự nghiệp hiện tại nếu không nhờ môi trường của Sài Gòn cung cấp cho điều đó. Chưa kể đây là thành phố đang đóng thuế cho hàng loạt thành phố khác tại Việt Nam. Tỉ lệ tiền thuế công ích cho nhà nước rất lớn đến từ lực lượng lao động của thành phố này...
Cũng như một người đàn bà, cho đi rất nhiều nhưng nhận lại chẳng được bao nhiêu. Yêu theo cách của cô ấy.
Thì tôi làm vợ cũng vậy. Bọn tôi phải thay vai nhau. Bạn ấy làm vợ, bạn ấy làm vật cố định để cho tôi biết, ít nhất tôi không rơi vào cảnh ngộ... Sài Gòn ngày Tết. Tôi về nhà, sẽ có một ai đó. Tôi như Sài Gòn, tôi đi làm, tôi tiếp xúc, tôi hết hướng tình yêu của mình đến công việc này lại say sưa chơi vào ván bạc khác, như một người đàn ông say ván bạc sự nghiệp.
Sài Gòn không buộc ai với nó bao giờ. Nếu bạn dùng Sài Gòn làm bàn đạp, để từ đó bạn tiến ra hải ngoại, bạn đi du học, bạn lấy ông chồng phương Tây và trở thành công dân xứ khác. Rất nhiều thị dân của Sài Gòn trở thành công dân xứ khác.
Tôi đối chiếu cuộc hôn nhân của mình cũng như vậy. Nếu một ngày nào đó nó hữu hạn, tôi nghĩ tôi vẫn là người bạn tốt nhất của chồng tôi.
Sài Gòn có thể đón tiếp người ta bởi cú sốc văn hóa đối với người tỉnh khác, nhưng nó khiến người ta trân trọng khi rời xa. Nó không cho người ta sự nghênh tiếp hào nhoáng như Paris, London... nhưng nó luôn biết cách cho người ta một cuộc chia tay đẹp đẽ, hào nhoáng và níu dài cuộc tình trong tâm tưởng về sau.
Tôi nghĩ, nếu một ngày cuộc hôn nhân của tôi dừng lại. Tôi cũng là người đàn bà, làm vợ không giỏi nhưng rất giỏi trong khoản chia tay”, Trác Thúy Miêu trải lòng.
Nguyễn Hằng