Bà Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: HỮU HẠNH
Sáng 7-11, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1. Sáng nay, HĐXX xét hỏi các bị cáo thuộc Đoàn thanh tra, giám sát ngân hàng, thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Cựu trưởng đoàn thanh tra xin giảm nhẹ
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu cục trưởng Cục Thanh tra giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, cựu trưởng đoàn thanh tra SCB) bị cấp sơ thẩm tuyên án tù chung thân về tội nhận hối lộ, buộc nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng, tịch thu sung công 5,2 triệu USD.
Theo bản án sơ thẩm, bà Nhàn đã lợi dụng chức vụ là trưởng đoàn thanh tra, thông qua Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB) hai lần gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan để trao đổi kết quả thanh tra.
Bị cáo Nhàn đã tổng cộng bốn lần nhận tiền từ ông Văn tổng cộng 5,2 triệu USD để không kiến nghị đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, và không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra để xử lý.
Tại tòa phúc thẩm, bà Đỗ Thị Nhàn trình bày kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Theo đó, bà Nhàn cho rằng mình có các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, đã bồi thường thiệt hại, có nhiều thành tích xuất sắc trong lao động…
Đồng thời bị cáo Nhàn đã giao nộp 5,2 triệu USD tiền đã nhận từ bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và nộp phạt bổ sung 100 triệu đồng. Bị cáo Nhàn đã động viên gia đình nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả chung của vụ án.
Bị cáo Nhàn nói mình đã nghỉ hưu, mang nhiều bệnh như tim mạch, tiểu đường, thận… cần nhu cầu chăm sóc y tế mỗi ngày.
Trả lời đại diện viện kiểm sát, bà Nhàn khẳng định mình xin giảm nhẹ và xin lại 1 sổ đỏ mang tên của bà đã hình thành từ trước đó, 10 sổ tiết kiệm với tổng trị giá hơn 10 tỉ đồng và 1 sổ đỏ đứng tên vợ chồng ông Hoàng Văn Quang.
Bà Nhàn cho biết tòa sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết 'ăn năn hối cải' mà mới chỉ áp dụng cho bị cáo tình tiết 'thành khẩn khai báo'.
Đại diện viện kiểm sát cho rằng cấp sơ thẩm đánh giá bị cáo quanh co chối tội chưa thể hiện thái độ ăn năn hối cải nên chưa áp dụng là phù hợp. Ở cấp phúc thẩm nếu bị cáo ăn năn hối cải thì HĐXX sẽ xem xét.
"Mong HĐXX được hưởng đầy đủ, tối đa sự khoan hồng của pháp luật dưới mức thấp nhất của khung hình phạt để sớm về với gia đình. Tội lỗi của bị cáo gây ra đã phải trả giá, gần như mất hết tất cả" - bà Nhàn nói.
Hội đồng xét xử phúc thẩm vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 - Ảnh: HỮU HẠNH
'Các bị cáo xin giảm nhẹ nhưng chưa trung thực'
Theo cáo buộc, dù Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM tiến hành thanh tra đối với 439 khoản vay có giá trị từ 50 tỉ đồng trở lên, để xác định sai phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Tuy nhiên, bị cáo Dũng không thực hiện theo yêu cầu mà trả lời rằng "không thể thực hiện được", và "cần lựa chọn khách hàng trọng tâm". Từ ý kiến của bị cáo Dũng nên Đoàn thanh tra lựa chọn 33/439 khoản vay để tiến hành thanh tra, dẫn đến bỏ qua nhiều sai phạm của SCB.
Từ năm 2012 - 2022, ông Nguyễn Văn Dũng đã nhận tổng 400 triệu đồng và 15.000 USD (tương đương hơn 333 triệu đồng) từ SCB vào các dịp lễ, Tết.
Tại tòa, ông Nguyễn Văn Dũng (cựu phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM) khai chỉ nhận quà cáp các dịp lễ, Tết.
Chủ tọa nói "bị cáo xin giảm nhẹ nhưng chưa trung thực, bị cáo phải biết vì sao người ta đưa tiền cho mình chứ".
Ông Dũng cho rằng mình không cố ý làm sai mà do áp lực công việc nên sai sót. Ông xin lỗi Ngân hàng Nhà nước vì những sai sót nghiệp vụ của ông và đồng nghiệp mà làm ảnh hưởng đến uy tín Ngân hàng Nhà nước. Ông Dũng cho rằng bản thân mình đã chịu nhiều đau khổ, đám cưới con cũng không về được.
Ông Dũng đưa ra 4 lý do để xin giảm nhẹ như sức khỏe kém, đã tự nguyện nộp 100 triệu đồng, trong quá trình công tác có nhiều thành tích, hợp tác trong quá trình điều tra góp phần giảm thiệt hại.