Từ đây, một cuộc kiếm tìm đồng đội bằng những thông tin ít ỏi từ nửa vòng trái đất, ông Hưởng cần mẫn chắp nối trong lúc mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo…
Sau khi tải đoạn clip lên mạng, cựu phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ - ông Christopher Jensen - còn kèm theo những dòng chú thích bằng tiếng Anh: “Cuộc tấn công cảm tử của đặc công Việt Nam diễn ra vào 4 giờ sáng 5.8.1970 nhằm phá hủy trận địa pháo 105 mm. 16 người đã tử trận, tất cả được chôn chung trong một ngôi mộ không xa nơi diễn ra trận đánh”.
Từ năm 2001 đến thời điểm ông Hưởng xem clip trên, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) H.Phước Sơn (Quảng Nam), đồng đội Tiểu đoàn đặc công 404 (Quân khu 5) và thân nhân các liệt sĩ đã tổ chức gần 10 đợt tìm kiếm song vẫn không xác định chính xác địa điểm chôn cất. Và cùng với những đợt tìm kiếm cùng đồng đội, có năm ông Hưởng vào Khâm Đức nhiều lần.
Cuối năm 2013, thấy sức khỏe có phần giảm sút, đi khám, ông Hưởng phát hiện mình bị mắc bệnh hiểm nghèo. Song, vượt lên bệnh tật, ông cố gắng chạy đua với thời gian để chắp nối, kiếm tìm thông tin về nơi chôn cất các đồng đội Tiểu đoàn đặc công 404.
Người dân sống tại khu vực sân bay Khâm Đức nhớ mãi hình ảnh thương binh Hưởng ôm cặp chứa đầy tài liệu, sơ đồ, ảnh chụp từ các nguồn loay hoay suốt ở đây. Cầm trên tay tập tài liệu cả tiếng Việt và tiếng Anh, ông khoe: "Đây là kết quả của hàng trăm cuộc trao đổi giữa tôi và Christopher Jensen cùng các cựu binh Mỹ qua email, Facebook trong mấy năm trời".
Và với một thương binh ở tuổi ngoại lục tuần, trong người lại đang mang trọng bệnh, vậy mà từ năm 2013 đến tháng 5.2020, ông Hưởng thường lọ mọ thức khuya, ngồi trước máy tính để trao đổi thông tin với các cựu binh Mỹ: “Với chút vốn liếng tiếng Anh, khi lần tìm, mổ cò từng ký tự trên máy tính mới thấy việc làm của mình y như “mò kim đáy bể”. Nhiều thuật ngữ khó quá, tôi đành nhờ Google chuyển ngữ. Có hôm tôi dậy từ 2 - 3 giờ sáng để gõ tin nhắn trao đổi với các cựu chiến binh Mỹ. Nhiều tháng liền tôi toàn tỉnh dậy vào rạng sáng để liên lạc với họ qua Facebook, Skype. Vợ tôi cứ gặng hỏi tại sao lại dậy sớm thế, rồi lo tôi bị ốm vì mất ngủ...”, ông Hưởng kể.
Sau nhiều lần liên lạc, cựu phóng viên Christopher Jensen cho ông Hưởng biết thêm tin vui đã tìm được Randy Fleetwood, người trực tiếp chỉ huy việc chôn cất các chiến sĩ đặc công Việt Nam. Thậm chí, Randy còn tìm kiếm những bức không ảnh của các cựu binh Mỹ, dùng trí nhớ để xác định lại vị trí chôn... Biết tin, ông Hưởng mừng như bắt được vàng.
“Người con trai đi xa từ 50 năm qua đã trở về”
Tới năm 2020, lại mở đợt tìm kiếm mới đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19.5. Đây cũng là thời điểm đánh dấu 10 năm tìm kiếm nơi chôn cất các liệt sĩ trong phập phồng hy vọng, âu lo.
15 ngày tìm kiếm, có lúc tưởng chừng đã có kết quả khi tìm thấy nhiều quả thủ pháo, quả đạn B40, B41, nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở những di vật...
Trong khi mọi điều đang bế tắc thì chiều ngày 1.6.2020, mọi người có mặt tại khu vực nghi ngờ cùng vỡ òa khi một hố chôn tập thể lộ diện. “Đó là 15 giờ 40 phút ngày 1.6, lúc phát hiện hài cốt trên hố chôn tập thể, chúng tôi lập tức trao đổi thông tin với các cựu binh Mỹ, những người cũng đang hồi hộp trông ngóng kết quả sau bao nhiêu ngày mỏi mòn chờ đợi. Tất cả đã rơi nước mắt, còn tôi thì vừa đi vừa khóc trên đường về khách sạn. Tôi cũng không dám nhìn hình ảnh đồng đội lúc được đưa lên vì quá thương và xúc động”, ông Hưởng nghẹn ngào.
Vậy là sau đúng 50 năm hy sinh, các chiến sĩ đặc công đã trở về trong vòng tay người thân, chấm dứt chặng đường hơn 10 năm các đồng đội và người thân trong gia đình họ khắc khoải kiếm tìm.
Tìm thấy mộ các bạn cùng chiến hào, cựu chiến binh Phạm Công Hưởng cảm thấy nhẹ lòng. Ông nhắn tin ngay cho các cựu binh Mỹ để chia sẻ cảm xúc của những người lính già.
Ngừng lại một chút để cảm xúc lắng lại, ông Hưởng kể cho chúng tôi nghe tiếp câu chuyện về người em gái của liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương. Sau khi dự lễ truy điệu anh trai ở Nghĩa trang liệt sĩ H.Phước Sơn, trở về quê nhà (Tiên Lãng, Hải Phòng), bà Nguyễn Thị Chương mang theo một phần hài cốt anh trai và đồng đội, như lời trăng trối của cha mẹ trước lúc đi xa. "Mang anh về nghĩa trang liệt sĩ, nhưng tôi cũng mang một phần hài cốt của anh về với bố mẹ tôi. Tôi rải phần đất có hài cốt của anh Dương lên phần mộ hai cụ, để bố mẹ tôi đón anh và biết rằng người con trai đi xa từ 50 năm qua đã trở về", em gái liệt sĩ Nguyễn Ánh Dương xúc động nói với chúng tôi qua điện thoại nhờ sự “kết nối” của thương binh Phạm Công Hưởng.
Người lính già bảo rằng, từ nay tại Nghĩa trang liệt sĩ H.Phước Sơn, ngôi mộ gió không hài cốt của các liệt sĩ tiểu đoàn đặc công 404 đã được thay thế bằng ngôi mộ tập thể khang trang ghi rõ họ tên, quê quán các liệt sĩ. Các anh được truy điệu, an táng với nghi thức trang trọng nhất trong sự có mặt của đông đảo người thân, đồng đội và người dân vùng đất Phước Sơn anh hùng.
“Việc tiếp theo của tôi và đồng đội trong Ban liên lạc là sớm phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động, xây dựng tại vùng đất này một đài tưởng niệm, đồng thời hoàn tất những thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng cho các liệt sĩ, đó cũng là sự tri ân và niềm mong mỏi của chính quyền và nhân dân vùng đất thép năm xưa dành cho những người con ưu tú đã nằm xuống cho độc lập dân tộc”, ông Phạm Công Hưởng bộc bạch.
|