Là người “phải lòng” nhạc Trịnh từ lâu, nhân dịp này, tôi có ý định đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và xin chụp ảnh lưu niệm với anh.
Vào một buổi tối, tôi và con trai Việt Phương (khi đó 14 tuổi) đến khách sạn Thắng Lợi trên đường Pasteur, TP.Nha Trang - nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các nghệ sĩ ở. Tôi đem theo chiếc máy ảnh tự động đã lắp phim màu.
Cô nhân viên lễ tân khách sạn cho biết các nghệ sĩ đang rất bận chuẩn bị cho chương trình ca múa nhạc. Nhiều người mến mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xin được gặp anh, nhưng không được. Tôi năn nỉ nhân viên lễ tân chuyển lời đến nhạc sĩ và cô ấy đồng ý giúp.
Mấy phút sau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đi ra, mỉm cười bắt tay tôi. Rồi anh ngồi với bố con tôi bên chiếc bàn ngoài sân. Sợ mất thời gian của anh, tôi nói: “Em rất thích nhạc của anh! Em và cháu xin được chụp ảnh với anh”. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vui vẻ và nhờ một nhân viên khách sạn chụp hình dùm.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh hồi năm 1995 ẢNH: DƯƠNG MINH LONG |
Hai hôm sau, tôi trở lại khách sạn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các nghệ sĩ đang ngồi cà phê sáng ngoài sân. Tôi đến bên bàn anh và tặng mấy tấm ảnh chụp vào tối hôm trước. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem ảnh và cám ơn tôi. Rồi anh nói em gái - ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh tặng tôi mấy tấm hình mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Minh Long mới chụp hai anh em.
Hơn nửa năm sau, ngày 3.1.1996, tại lễ kỷ niệm 10 năm Báo Thanh Niên ra số đầu tiên được tổ chức tại TP.HCM, tôi và các đồng nghiệp lại có duyên may gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trò chuyện và chụp ảnh lưu niệm cùng anh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và tác giả tại lễ kỷ niệm 10 năm Báo Thanh Niên ra số đầu tiên (3.1.1996) Ảnh: X.H |
Hôm ấy, tôi hỏi nhạc sĩ: “Bài Phôi pha của anh hay quá! Anh viết bài này trong hoàn cảnh nào?”. Anh nói đã viết bài hát sau một buổi tối từ chỗ khiêu vũ về. Trịnh Công Sơn cũng tiết lộ là anh vừa viết xong một ca khúc về biển nhưng rất tình. Sau này, tôi được biết đó là ca khúc Sóng về đâu.
Hai mươi lăm năm đã trôi qua…