Nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt qua đời ở tuổi 88 - Ảnh: FBNV
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo người Đức nổi tiếng Thomas Billhardt, người từng gây tiếng vang với những bức ảnh về chiến tranh Việt Nam, vừa qua đời, hưởng thọ 88 tuổi.
Thomas Billhardt là một trong những nhiếp ảnh gia đặc biệt của Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông nổi danh khắp thế giới với những bức ảnh ghi lại chiến tranh Việt Nam vào cuối thập niên 1960.
Thomas Billhardt lan tỏa ký ức Việt Nam ra thế giới
Sinh năm 1937 tại thành phố Chemnitz (từng mang tên Karl-Marx-Stadt trong thời kỳ Cộng hòa Dân chủ Đức), Thomas Billhardt tìm thấy đam mê nhiếp ảnh từ năm 14 tuổi.
Người thầy đầu tiên của ông chính là mẹ mình - bà Maria Schmid-Billhardt, một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
Một bức ảnh Hà Nội giai đoạn 1967-1975 do nhiếp ảnh gia Thomas Billhardt chụp - Ảnh: FBNV
Sau đó, ông theo học tại trường Kỹ thuật Nghệ thuật Ứng dụng ở Magdeburg, làm việc thực tế tại mỏ than nâu lộ thiên ở Großkayna và làm nhiếp ảnh gia tại nhà xuất bản bưu thiếp Bild und Heimat.
Ông còn hoàn thành chương trình đào tạo nhiếp ảnh tại Đại học Nghệ thuật Thị giác Leipzig.
Việt Nam năm 1969 qua ống kính của Thomas Billhardt - Ảnh: FBNV
Thomas Billhardt được xem là một trong những nhiếp ảnh gia phóng sự nổi bật thời kỳ hậu chiến.
Ông ghi lại cuộc sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực, đêm đến cái nhìn chân thực về đời sống hàng ngày ở Cộng hòa Dân chủ Đức.
Bức ảnh nữ du kích và phi công Mỹ do Thomas Billhardt chụp năm 1967 - Ảnh: FBNV
Năm 1967, ông đến Việt Nam lần đầu tiên cùng một đoàn làm phim của Cộng hòa Dân chủ Đức.
Tại đây, ông chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh như những hố bom, tòa nhà đổ nát, và tiếng còi báo động vang lên liên hồi.
Hà Nội lúc bấy giờ đang hứng chịu cuộc không kích từ máy bay Mỹ trong chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất.
Ông Thomas Billhardt chụp cùng bìa sách ảnh "Hà Nội 1967-1975" - Ảnh: FBNV
Những bức ảnh về Việt Nam làm nên tên tuổi của Thomas Billhardt, đặc biệt qua 4 cuốn sách ảnh nổi tiếng: Những phi công mặc pyjama (1968), Khát vọng hòa bình: Việt Nam (1973), Hà Nội - Những ngày trước hòa bình (1973) và Những gương mặt Việt Nam (1978).
Năm 2020, ông xuất bản cuốn sách Hà Nội 1967-1975 và tổ chức triển lãm cùng tên tại Hà Nội.
Các tác phẩm này cùng những triển lãm ở Đức, Thụy Điển và Nga đưa tên tuổi ông trở thành biểu tượng quốc tế.
Con người Việt Nam qua ống kính của Thomas Billhardt hiện lên vô cùng mộc mạc nhưng đầy sức sống.
Đó là hình ảnh bốn em nhỏ ngồi bên dưới nắp hố tránh bom, nụ cười rạng rỡ của nữ du kích, chiếc xích lô chất đầy những đứa trẻ, chú bé cởi trần tắm sông hay người lính bộ đội Việt Nam với khẩu súng trên vai.
Trẻ em miền Bắc thời kháng chiến chống Mỹ qua ảnh của Thomas Billhardt - Ảnh: FBNV
Ông cũng ghi lại những con phố hoang tàn, đổ nát, chỉ còn lại những mảnh vỡ sau chiến tranh.
Tất cả những khoảnh khắc ấy đều toát lên vẻ đẹp dung dị và bình yên, đồng thời phản chiếu tinh thần lạc quan, kiên cường của người Việt Nam trong những năm tháng đầy khó khăn.
Sau chiến tranh, Thomas Billhardt nhiều lần quay lại Việt Nam, tìm đến các nhân vật trong ảnh của mình để khám phá cuộc sống của họ trong những năm tháng hòa bình.
Năm 2020, ông được vinh danh tại lễ trao giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, sau khi tổ chức triển lãm và xuất bản cuốn sách ảnh Hà Nội 1967-1975.
Lần gần nhất Thomas Billhardt đến Việt Nam vào năm 2023, trong workshop trò chuyện cùng công chúng Hà Nội.