Chuyên mục  


Tôi nằm viện thì nhận được tập thơ tình Bầu trời nâu của tôi của Thanh Thảo. Ngay lập tức, con người bệnh nhân của tôi biến mất, con người trai trẻ của năm 1975 hiện ra trong veo và lãng mạn như gặp một phép thần trong những câu thơ giản dị.

Ngày ấy, sau chiến tranh, đất nước vừa thống nhất, lứa nhà thơ trai tráng chúng tôi bắt đầu tính đến chuyện yêu đương và lấy vợ. Mà ngày ấy sao đẹp quá, chuyện tình nào của các bạn tôi cũng đẹp như cổ tích, cũng đi đến một gia đình dù cuộc sống còn nhiều khốn khó. Nhưng vẫn trong veo và lãng mạn.

Thanh Thảo không phải là ngoại lệ, anh đã gặp "bầu trời nâu" của mình và cứ thế đắm chìm trong bầu trời ấy cho đến mãi những ngày anh lìa xa "bầu trời nâu" ấy vào mùa Hè 2023 khi chị qua đời. Cuộc tình gần nửa thế kỷ (1975 - 2023) đã để lại cho anh một bầu trời vần vũ suốt tâm can, qua bao thăng trầm mà người thơ như một quyển sách cũ được "đôi mắt nâu" gánh trong "gánh chè chai của mình". Cứ thế, quyển sách cũ ngày càng cũ đi một cách dễ chịu.

Vợ chồng nhà thơ Thanh Thảo trong một chuyến đi tới Normandy, Pháp năm 2005

Nhưng thú thực, mặc dù biết rất rõ chuyện tình của Thanh Thảo và Ý Nhi (vợ anh) bao nhiêu năm qua, nhưng tôi rất đỗi kinh ngạc về sự mới mẻ, về những bài thơ tình anh làm cho người yêu vào năm đầu khi mới yêu nhau. Đây là cái mới mẻ không phải vì bây giờ Thanh Thảo mới công bố, mà là cái mới mẻ, độc đáo của một giọng thơ tình vừa mới "tam thập nhi lập", còn tràn đầy sức Xuân.

Liên tiếp trong hai năm, anh cho ra mắt bạn đọc tập thơ Dấu chân qua trảng cỏ (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1978) và tập trường ca Những người đi tới biển (NXB Quân đội Nhân dân 1977) gây chấn động trong làng thơ. Nhưng đến hôm nay, ta vẫn còn được chiêm ngưỡng cái mới mẻ hồi ấy và mãi mãi mới chính là tập thơ tình này. Hãy đọc và nhận cảm bài thơ tình "Không đề" anh viết vào tháng 10/1975 :

Chính vì em không làm anh choáng váng

Nên bức tường đã phá vỡ giữa hai ta

Nói vu vơ im lặng lúc không cần im lặng

Bỗng ngượng ngập bỗng tự nhiên như không phải mình

Anh thể hiện ngay những gì mình giấu giếm

Ngay phút đầu khi chưa biết tên em.

Và các thi ảnh cứ tuôn ra mới mẻ, kỳ lạ : "Những câu thơ lang thang đứt nối - Con đường đầy ổ gà - bờ đê dịu mềm cỏ mọc - dòng sông chảy đỏ bừng". Hay: "ùa vào bóng nắng lá tre quả xoan - ùa vào ý nghĩ lẽ ra anh nói được với em". Hoặc : "cô gái ngoan như lá cây, gần như chiếc áo". Rồi "anh là ngọn gió thổi cồn cào trong mắt em màu nâu nhạt".

Tình đã thật, tài thì cứ dâng trào như không cách gì ngăn lại. Cũng như cây cơm nguội Hồ Tây, hồ Trúc Bạch, vậy mà trước Trịnh Công Sơn nhiều năm, Thanh Thảo đã viết: "Lá vàng rực và nắng chiều kết tổ chim". Cũng ngay từ tháng 11/1975, Thanh Thảo đã viết "trái sấu lăn lăn" để đến năm 2000, sau 25 năm, Trần Tiến đã lấy từ này viết trong "Hà Nội những năm 2000" mà theo Nguyễn Cường thì Trần Tiến chỉ cần một bài này thôi là có thể sừng sững trong làng nhạc rồi. "Để trái sấu chín, lăn lăn trên hè - Em đi về phía anh, thiên thần…" (Trần Tiến). Thanh Thảo lúc ấy dồi dào và bất chợt thi ảnh : "Trái tim hát lặng câm như cột điện - Trong gió bấc - hãy nghe đó em ơi - bản đồng ca rung những trụ đá này - bấy giờ trái tim anh là những đường dây - hát đỏ bừng giá buốt".

So với thơ tình Louis Aragon, Pablo Neruda, tôi đọc thấy ở Thanh Thảo sự rắn rỏi hơn là những vuốt ve tân kỳ.

bautroinau-17376763930481650893414.png

Tập thơ mới nhất “Bầu trời nâu của tôi” của Thanh Thảo

Đôi bạn tình đã dắt tay nhau bước vào cuộc sống gia đình mùa Hè 1977. Đám cưới rất tình. Nhưng ngay năm sau, khi Thanh Thảo có con trai Nhật Thảo thì tai hoạ đã ập đến đời anh làm anh mất một cái chân. Lúc này, tình yêu mới bắt đầu thử thách gia đình nhỏ này trong một căn gác gần Nhà thờ Nhọn ở Quy Nhơn. Ý Nhi thực sự trở thành người vợ lặng lẽ, vun đắp cho cái tổ ấm mà nó luôn luôn bấp bênh vì các ông bạn "rạch trời rơi xuống" của Thanh Thảo.

Nhưng tình yêu vẫn dinh dưỡng tâm hồn Thanh Thảo. Thơ tình của anh vẫn mạnh mẽ : "Cửa sổ mở thẳng vào lá xanh - nét gãy gấp mái nhà - gạt ra ngoài những kẻ trung gian - em chuyện trò cùng lá…". Hay : "Em đang tự hình thành khuôn mặt - nhưng đường nét lặng im  như chất nổ - gài vào cơn mơ cơn tỉnh của anh - tạo nên màu sắc mới". Hoặc "Những bậc cầu thang tăm tối - anh bước dò dẫm trong tâm hồn em - anh còn yêu - như một ly rượu đầy sau khi dốc cạn".

Năm 1985, tôi và Thanh Thảo cùng Văn Cao và Nguyễn Trọng Tạo dạt dào rượu ở Quy Nhơn, cứ ngỡ Thanh Thảo vui thú bạn bè mà quên đi "nàng thơ" của mình. Nhưng hoá ra anh rất sâu sắc. Anh đã viết về Ý Nhi đến cạn lòng: "Nếu được trả giá cho tình yêu - Không bao giờ anh ngập ngừng". Và đến năm 1988 đầy trắc ẩn, Thanh Thảo vẫn vô cùng thành thật: "anh cúi đầu trước em - để cầu xin những điều không thể có - Cầu xin mà biết là không thể được - Anh hiểu những giới hạn - Những khoảnh khắc - chúng mình có thể sướng hơn hay khổ hơn - nhưng điều đó có nghĩa gì…". Đến thập kỷ 90 thế kỷ trước, cái rễ tình yêu của đôi lứa này càng ngày càng bám sâu vào đất:

Cầu mong tình yêu của em dẫn anh về cõi thiện

Để trái tim không còn biết hoài nghi

Để lời anh bất chợt thốt lên chỉ là sự chân thành

Và trong sạch khoảng không gian chúng mình ăn ở.

Không ngờ đến ngày hôm nay, sau nửa thế kỷ, chợt thấy Thanh Thảo mới mẻ với Bầu trời nâu của tôi. Thế mới thấy thơ luôn có đẳng cấp của nó, mặc dù ở thời gian, không gian nào.

Thanh Thảo - thơ tưởng nhớ vợ hiền

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020