Sách do Phanbook và NXB Phụ Nữ ấn hành - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thẩm phán và đao phủ cho đến nay vẫn là một dấu mốc khó vượt qua trong văn học trinh thám hình sự.
Dịch giả Phạm Hoài Nam
Ở Thẩm phán và đao phủ của Friedrich Dürrenmatt (1921-1990), người đọc sẽ tưởng rằng họ đang theo dõi hành trình phá án của thanh tra mắc bệnh hiểm nghèo Hans Bärlach để truy lùng hung thủ như bao tiểu thuyết khác. Cho đến khi phát hiện ra mình đã nhầm.
Một cái chết bí ẩn của viên cảnh sát trẻ trong sáng mù sương. Vài lần sợi dây cháy ngấm ngầm dẫn ta đến một trái phá dự báo sẽ bùng lên trong khu vườn đêm với sinh hoạt của một nhóm kín, có cả chính khách, nhà văn, nhà nghiên cứu triết học và dĩ nhiên, cả điệp viên…
Dürrenmatt không dụng công xây dựng một vụ án đặc biệt bí ẩn đến mức nghẹt thở. Nếu trông đợi một tình huống căng não kiểu "án mạng trong phòng kín" thì có lẽ người đọc sẽ bắt đầu thất vọng trong nửa đầu cuốn sách. Với những ai đam mê trinh thám thì việc đoán ra hung thủ chỉ sau vài chương cũng vô cùng đơn giản.
Nhưng tất cả những điều đó không làm cho Thẩm phán và đao phủ trở nên kém ly kỳ và hấp dẫn. Việc truy tìm kẻ giết người hay nói cách khác là phơi bày sự thật - chưa bao giờ là mục đích của Friedrich Dürrenmatt đối với tác phẩm.
Cuộc đấu trí giữa cái thiện và cái ác cũng chỉ là một chuỗi dài tra vấn hiệu quả của thủ pháp và công cụ, để cuối cùng, bên nào khai thác lợi thế tốt hơn sẽ giành phần thắng. Suy nghĩ này được thể hiện rõ trong tác phẩm, khi ngòi bút sắc sảo của tác giả phơi bày hoàn hảo sự rỗng tuếch và bất lực của tòa án, pháp luật.
Tác giả cố ý nhấn mạnh trong cuộc đua giữa thanh tra và tội phạm, nhiều khi chúng ta sẽ phải tăng tốc đến nỗi vượt ra khỏi lằn ranh định nghĩa bản thể để đạt được mục đích của mình. Và khi đó, câu hỏi cố hữu sẽ trở lại: "Công lý là gì?".
Ở những trang cuối cùng của cuốn sách mỏng, chúng ta sẽ nhận ra nhân vật chính của tiểu thuyết có lẽ chính là công lý. Hành trình độc giả lần theo những dấu vết của vụ án mạng dường như cũng chính là hành trình của công lý định danh lại chính nó, nhưng trớ trêu thay, lại bằng những phương cách "tà đạo".
Cuốn sách vì vậy truy vấn những người đọc định nghĩa của họ về công lý và công lý nên được thực thi theo cách nào.
Đọc Thẩm phán và đao phủ là một trải nghiệm thú vị khi tác giả kinh điển của Thụy Sĩ trao cho chúng ta cơ hội được tra vấn lại những giá trị đã tạo nên bản thân mình.
TTO -Tên sách là Phẩm cách cha mẹ, nhưng đây xứng đáng là một "cẩm nang cho các bậc cha mẹ" vì người đọc có thể tìm thấy trong sách gần như những điều mà những người làm cha, làm mẹ cần biết trong quá trình nuôi dạy con.