Chuyên mục  


Cuối tuần trước, giới chức Trung Quốc thông báo tung chương trình hoán đổi nợ trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) để giúp các chính quyền địa phương giảm nhẹ gánh nặng tài chính. Đây không phải là gói kích thích trực tiếp như các lần trước. Giới chức chỉ muốn củng cố bảng cân đối kế toán của các địa phương cho mục đích dài hạn, thay vì bơm thẳng tiền vào nền kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lam Phật An cho biết sắp tới họ sẽ tung thêm nhiều chính sách kích thích. Trên Reuters, các nhà phân tích nhận định Bắc Kinh có thể chưa muốn "bung hết vũ khí" trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức tháng 1/2025.

Cùng ngày, đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin giới chức chấp thuận mở rộng chương trình bảo hiểm với hàng xuất khẩu, đồng thời cam kết tăng hỗ trợ cho các công ty thương mại. Động thái này được đánh giá là phản ứng rõ ràng trước kết quả cuộc bầu cử tại Mỹ và rủi ro với thương mại tăng cao.

"Cuộc họp tuần trước trùng với thời điểm bầu cử Mỹ có kết quả, cho thấy chính phủ Trung Quốc đã có sự chuẩn bị để hành động nhanh", Yue Su - kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu Economist Intelligence Unit - nhận định.

Các tòa nhà chung cư đang được xây dựng tại Quảng Đông (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ áp thuế nhập khẩu 60% với hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông cũng đã áp thuế nhập khẩu lên tới 25% với 350 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại giữa hai nước vài năm qua vẫn sôi động.

Lần này, giới chuyên gia cho rằng chính sách thuế mới sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức hơn, vì được đưa ra ngay thời điểm quan trọng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh đang ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng, trong bối cảnh bất động sản chưa thoát khủng hoảng và tiêu dùng nội địa còn yếu.

Quý III, GDP Trung Quốc tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tốc độ tăng chậm nhất kể từ đầu năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng 0,3% - chậm hơn tháng 9 và là thấp nhất kể từ tháng 6. Chỉ số giá sản xuất (PPI) tiếp tục giảm, bất chấp nỗ lực kích thích nhiều tháng qua. Giá nhà mới tại nước này trong tháng 9 còn giảm mạnh nhất kể từ năm 2015.

Trong khi đó, số liệu do Hải quan Trung Quốc công bố ngày 7/11 cho thấy trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu của nước này tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 309 tỷ USD. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 3/2023, gấp đôi dự báo của các nhà phân tích trong khảo sát của Reuters. Ngược lại, nhập khẩu giảm 2,3%, mạnh hơn dự báo, cho thấy tiêu dùng nội địa còn yếu.

Tính toán của CNBC cho thấy trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ tăng 8,1%, còn nhập khẩu tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại một sự kiện gần đây của Citigroup, Zhu Baoliang - cựu quan chức kinh tế Trung Quốc - dự báo nếu Trump nâng thuế nhập khẩu lên 60%, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc có thể giảm 200 tỷ USD, khiến GDP mất 1%.

Dữ liệu của Mỹ cho thấy năm ngoái thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc đã thu hẹp lại, còn 279 tỷ USD so với 346,8 tỷ USD năm 2016 - trước khi ông Trump nhậm chức. Su ước tính nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc thêm 10%, tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm 0,3-0,4% trong 2 năm tới.

Từ cuối tháng 9, giới chức Trung Quốc đã tăng cường chính sách nới lỏng cả tài khóa và tiền tệ nhằm kích thích kinh tế. "Để phản ứng với 'cú sốc Trump' có thể xảy ra, chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng tung thêm kích thích mới", Su dự báo.

Liqian Ren - Giám đốc công ty đầu tư WisdomTree - kỳ vọng Trung Quốc sẽ bơm vào nền kinh tế 2.000-3.000 tỷ nhân dân tệ mỗi năm. Bà không đưa ra con số lớn hơn, vì không ai chắc chắn ông Trump sẽ hành động thế nào.

Đảng Cộng hòa đã giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ trong 2 năm tới. Nếu tiếp tục giành được đa số phiếu tại Hạ viện, các chính sách bảo hộ thương mại mà Trump đề xuất sẽ được đẩy nhanh hơn, Su cảnh báo. Bà cho rằng Trump nhiều khả năng áp thuế nhập khẩu ngay trong nửa đầu năm sau.

Các nhà phân tích tin rằng Bắc Kinh sẽ vẫn giữ lập trường thận trọng và sẽ tung kích thích rải rác trong các tháng tới. "Trung Quốc nhiều khả năng đối mặt với thuế nhập khẩu từ Mỹ tăng cao năm 2025. Tôi cho rằng năm sau họ mới có phản ứng chính sách, khi việc tăng thuế thực sự diễn ra", Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, dự báo.

Dù vậy, Trung Quốc không chỉ xuất khẩu sang Mỹ. Họ hiện cũng là cường quốc xuất khẩu sang nhiều thị trường khác. "Xuất khẩu của Trung Quốc đã chuyển hướng trong vài năm qua. Năm ngoái, thị trường Mỹ chỉ chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, thay vì trung bình 18% trong thập kỷ trước", Francoise Huang, nhà kinh tế học khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Allianz Trade, cho biết.

Ông lấy ví dụ Trung Quốc hiện đóng góp 25% hàng nhập khẩu của ASEAN, tăng so với gần 18% của thập kỷ trước. Một báo cáo của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi tháng 8 cũng cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước bán hàng cho Mỹ tăng lên.

Trung Quốc gần đây tích cực cải thiện quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Australia, các nước châu Phi và Mỹ Latin. "Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính quyền Trump không tỏ ra quan tâm nhiều đến châu Phi, Mỹ Latin và Đông Nam Á. Đây sẽ là cơ hội để Trung Quốc thắt chặt quan hệ thương mại ở các thị trường này", Eric Olander - người phụ trách chương trình podcast China-Global South Project - cho biết trên Reuters.

Tổng thống đắc cử Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp năm 2019 tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trong thông điệp chúc mừng gửi ông Trump hôm 7/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi hai nước hợp tác thay vì đối đầu. Global Times cho biết khi được hỏi về phản ứng của Trung Quốc trước các đề xuất áp thuế nhập khẩu của ông Trump, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định: "Không ai là người chiến thắng trong chiến tranh thương mại. Thế giới càng không được lợi từ việc này".

Ren đồng tình với quan điểm trên, khẳng định thuế nhập khẩu chắc chắn gây thiệt hại cho cả hai quốc gia. Nhưng bà cho rằng việc siết công nghệ và đầu tư sẽ có tác động đến Trung Quốc lớn hơn.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Trump đưa đại gia công nghệ Trung Quốc Huawei vào danh sách đen, không được mua linh kiện từ công ty Mỹ. Tổng thống Joe Biden thậm chí hạn chế bán sản phẩm bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc, đồng thời gây sức ép buộc các đồng minh có hành động tương tự.

Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ các chính sách này, nhằm thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm bán dẫn tại Mỹ. Vì thế, dù ai đắc cử, Mỹ vẫn sẽ siết kiểm soát với Trung Quốc, Chris Miller, tác giả cuốn sách Chip War - Cuộc chiến vi mạch, đánh giá đầu năm nay.

Vài năm qua, Trung Quốc đã cố gắng tự chủ công nghệ khi khuyến khích các ngân hàng tăng cho vay lĩnh vực sản xuất tiên tiến. Năm 2016, Trung Quốc có 4 dự án mua sắm của chính phủ, trị giá hơn 10 triệu nhân dân tệ (1,4 triệu USD), nhằm thay thế phần cứng và phần mềm nước ngoài bằng sản phẩm nội địa, Reuters cho biết. Năm nay, nước này có 169 dự án như vậy. Trong đó có 75 dự án cần hơn 50 triệu nhân dân tệ từ ngân sách.

Do đó, ngay cả khi Trump siết xuất khẩu, doanh nghiệp Trung Quốc vẫn sẽ ít phụ thuộc hơn vào công nghệ nước ngoài. Họ cũng đã được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thay đổi trong môi trường thương mại.

"Mỹ đã giảm tốc độ phát triển của Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng các lĩnh vực khác (như robot) thì không. Giờ Trung Quốc có thể lấy mọi thứ họ cần từ trong nước", Robert D. Atkinson, Chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (Mỹ), kết luận.

Hà Thu (tổng hợp)

Tin mới

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020