Chuyên mục  


Theo The Value, tác phẩm Hoa khai thập trượng ảnh sâm si (Hoa nở mười trượng ảnh so le) được gõ búa ở phiên đấu giá 50 năm Trương Đại Thiên, do Sotheby’s Hong Kong tổ chức tối 5/4. Tấm bình phong đắt thứ ba trong số tác phẩm từng được đấu giá của "Ông hoàng hội họa Trung Quốc".

Bình phong "Hoa khai thập trượng ảnh sâm si". Ảnh: The Value

Tranh kích thước 170x176 cm, được thực hiện năm 1973, ở giai đoạn cuối sự nghiệp Trương Đại Thiên (1899-1983). Họa sĩ vẽ theo lối đổ mực lên giấy dát vàng tên là "jin jian", giá trị không nhỏ.

Giấy "jin jian" bóng và trơn, vì vậy sử dụng phương pháp đổ mực càng thách thức khả năng của người vẽ. Một mặt, họa sĩ cần đổ tầng tầng lớp lớp mực lên giấy, mặt khác ngăn ngừa mực lan ra vị trí không mong muốn. Sau mỗi lần đổ, người vẽ cần kiên nhẫn chờ đợi và điều chỉnh để tạo các mảng đậm nhạt như ý, nêu bật được vẻ đẹp thanh tao của hoa sen.

Tấm bình phong do Nhật Bản chế tạo, khi thực hiện tác phẩm, Trương Đại Thiên sống ở California, Mỹ, giá thành vận chuyển bình phong mỏng manh từ Nhật sang Mỹ cũng đắt đỏ. Theo giới chuyên môn, đến nay, giao thông phát triển nhưng việc đưa bình phong từ California tới Hong Kong cũng không đơn giản, vì không thể gập bức tranh.

Một phần bức bình phong. Ảnh: The Value

Trương Đại Thiên theo đuổi đề tài hoa sen khi ngoài 20 tuổi, ban đầu, ông học hỏi từ tranh của họa sĩ Từ Vị, thời Minh. Vào tuổi trung niên, ông chuyển sang phong cách vẽ chi tiết hơn, dần dần sáng tạo lối vẽ mang đậm dấu ấn cá nhân.

Trương Đại Thiên không ngừng tìm tòi, thử các phương pháp mới, thể hiện hoa sen qua những góc nhìn, góc tưởng tượng khác biệt. Theo The Value, qua hơn 60 năm nghiên cứu, Trương Đại Thiên trở thành họa sĩ Trung Quốc đạt thành tựu lớn nhất trong biểu đạt vẻ đẹp hoa sen.

Chi tiết bức bình phong. Ảnh: The Value

Chủ cũ của bình phong là vợ chồng Lục Cúc Sâm (1913-1992), doanh nhân ngành dệt may gốc Tô Châu, Trung Quốc. Đôi vợ chồng mua tác phẩm thông qua bạn thân cũng là người quản lý của Trương Đại Thiên.

Ông sinh năm 1899 ở tỉnh Tứ Xuyên, vào cuối triều đại Thanh. Thuở nhỏ, Trương Đại Thiên học hội họa từ mẹ và anh trai, Trương Thiện Tử - họa sĩ sở trường vẽ hổ. Thời thanh niên, ông sang Nhật Bản du học, sau đó phiêu bạt nhiều quốc gia. Trương Đại Thiên được gọi là họa sĩ của những chuyến lữ hành. Vì nhiều lý do, nửa cuối đời, ông không quay lại cố hương. Họa sĩ sống tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Argentina, Brazil, Mỹ, Pháp, Đài Loan.

truong-dai-thien-hoa-si-ty-usd-1651736140.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xT78Rxnqg3t0u7C43OHfZA
Trương Đại Thiên - họa sĩ tỷ USD

Một số tranh của Trương Đại Thiên. Video: Learn From Masters

Theo The Value, Trương Đại Thiên trở thành bậc thầy hội họa nhờ phong cách biến hóa, sáng tạo mới mẻ trong nghệ thuật.Ông tinh thông từ vẽ chân dung, chinh muông tới sơn thủy, hoa lá. Nghệ sĩ để lại lượng tác phẩm đồ sộ bởi mỗi năm, ông sáng tác khoảng 500 bức tranh. Dù sinh sống ở hải ngoại, Trương Đại Thiên luôn nói tác phẩm của ông bắt nguồn từ nghệ thuật truyền thống ở quê hương.

Từ những năm 1920 đến nay, tác phẩm của Trương Đại Thiên ngày càng được săn đón, giúp nghệ sĩ trở thành "Ông hoàng" làng hội họa Trung Quốc. Theo thống kê của hãng Artprice (Pháp), năm 2016, tổng trị giá tác phẩm được đấu giá của Trương Đại Thiên đạt 350 triệu USD, cao hơn tranh của Picasso trong năm đó. Từ năm 1993 tới 2019, tác phẩm được bán của Trương Đại Thiên đạt tổng trị giá hơn 2,6 tỷ USD.

Nghinh Xuân (theo The Value, Sohu)

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020