Tình nguyện vào tâm dịch
Trong thông báo tổng kết của MC Quỳnh Hoa, Phó giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, sau 11 ngày vận động, bên cạnh các cá nhân, nhà hảo tâm, đơn vị, tổ chức..., còn có nhiều nghệ sĩ tham gia đóng góp, từ nhu yếu phẩm, vật dụng y tế đến tiền và chính sức mình như: MC Đại Nghĩa, Trấn Thành, Anh Quân, Xuân Hiếu, Hoa hậu Giáng My, Hà Kiều Anh, NSƯT Tuyết Thu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Thanh Thủy, NSƯT Quế Trân, diễn viên Tuấn Trần, Lý Hương, Hiền Mai, ca sĩ Hoàng Bách, Bảo Anh, Hồng Hạnh, Vân Khánh, Trang Nhung…
Quỳnh Hoa cho biết toàn bộ số tiền và quà ủng hộ đang được chuyển liên tục đến các quận huyện, không chỉ hỗ trợ cho các tình nguyện viên mà còn giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn bị mất việc, bị giảm lương và công nhân nghèo trên địa bàn TP.HCM trong mùa dịch bệnh. Theo MC Quỳnh Hoa, từ lời kêu gọi ban đầu chỉ cần 5 tình nguyện viên hỗ trợ phòng chống dịch, đến nay đội nghệ sĩ tình nguyện đã có hơn 20 người.
Ngay khi 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh trở thành điểm nóng với số lượng bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng nhanh, ca sĩ Tùng Dương, Hà Anh Tuấn đã âm thầm kêu gọi người thân, bạn bè quyên góp, ủng hộ. Ngay trong đợt đầu tiên (19.5), ê kíp của Tùng Dương cùng những người bạn đã chuyển đến Bắc Giang, Bắc Ninh 2.500 bộ quần áo bảo hộ, 2.400 chai nước. Trong đợt thứ 2 (22.5), nam ca sĩ và cộng sự đã chuyển 32.500 khẩu trang y tế, 3.700 bộ trang phục bảo hộ y tế, 200 chiếc bánh chưng đến Bắc Giang, Bắc Ninh và 40 triệu đồng tiền mặt cho xã Hoài Thượng và Mão Điền, là 2 xã có số người nhiễm nhiều nhất tại H.Thuận Thành, Bắc Ninh. Đợt quyên góp thứ 3 (tính đến ngày 2.6), số tiền quyên góp được là 138 triệu đồng đã được chuyển vào tài khoản của Ủy ban MTTQ VN H.Việt Yên, Bắc Giang. Cho đến thời điểm hiện tại, Tùng Dương đã kêu gọi ủng hộ, quyên góp được 750 triệu đồng.
Ca sĩ Hà Anh Tuấn cùng bạn bè và Viet Vision đã trao tặng tỉnh này 3.000 kit test Covid-19, 2.100 bộ trang phục bảo hộ y tế cùng hơn 10.000 khẩu trang N95 (tổng kinh phí tài trợ tương đương 1 tỉ đồng). Hà Anh Tuấn cũng đã chuyển 500 triệu đồng (từ doanh thu concert The Veston diễn ra tháng 4.2021) ủng hộ quỹ vắc xin phòng chống Covid-19.
Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài
Bộ VH-TT-DL vừa ban hành quyết định về việc xây dựng thiết kế logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện Nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Theo đó, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng thiết kế, logo, nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030.
Xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện Nghệ thuật sơn mài Việt Nam là một trong các nội dung của Đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 -2030. Các nội dung còn lại là hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam.
Trước đó, đề án này đã được phê duyệt hồi tháng 1. Theo đó, nghệ thuật sơn mài sẽ được bảo tồn, quảng bá để góp phần phát triển thị trường văn hóa, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam. Đề án cũng đặt vấn đề chấn hưng và khẳng định giá trị của sơn mài Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đền cổ mất trộm 40 sắc phong và sách cổ
Đền Quốc tế (Phú Thọ) vừa bị mất trộm 40 đạo sắc phong quý. Một lượng sách cổ dày 2 gang cũng mất cùng lúc. Ông Nguyễn Văn Hoà, Phó chủ tịch UBND xã Dị Nậu (H.Tam Nông, Phú Thọ), xác nhận việc đền Quốc tế ở xã Dị Nậu đã mất 40 đạo sắc phong và lượng sách cổ dày khoảng 2 gang. Các sắc phong và sách cổ đựng trong két sắt đã bị kẻ trộm lấy mất sau khi phá két.
Sắc phong được vua Thiệu Trị ban cho Đức Đại vương Cao Sơn và Đền Quốc tế ẢNH TƯ LIỆU BÁO PHÚ THỌ |
Cũng theo thông tin từ người dân cho biết, sau khi mất trộm sắc phong, một số sách cổ khác trong đền đã được chuyển đến địa điểm khác để bảo quản kỹ.
Đền Quốc tế thờ Cao Sơn Đại Vương, trải qua các triều đại được ban nhiều sắc phong. Trong đó, sắc phong cổ nhất từ thời vua Lê Chân Tông, với nội dung tấn phong ngài Cao Sơn là Linh ứng đại vương vào năm 1645. Đền cũng còn có các sắc phong đời vua Quang Trung thời Tây Sơn.
NSƯT Lê Cung Bắc - đạo diễn Người đẹp Tây Đô qua đời
NSƯT - đạo diễn Lê Cung Bắc vừa qua đời lúc gần 2 giờ sáng ngày 13.6 tại nhà riêng ở TP.HCM, sau thời gian điều trị bệnh ung thư.
Đạo diễn - NSƯT Lê Cung Bắc sinh năm 1946 tại Quảng Trị. Ông nổi tiếng với các phim: Người đẹp Tây Đô, Dòng đời, Vó ngựa trời nam, Ngược sóng, Mỹ nhân Sài thành... (truyền hình) và Nhịp đập trái tim, Trên cả hận thù, Ta tắm ao ta... (nhựa).
NSƯT Lê Cung Bắc (1946-2021) ẢNH: T.L |
Thời còn là sinh viên, Lê Cung Bắc thành lập Ban kịch Thụ Nhân, nổi danh trong giới sinh viên các trường đại học miền Nam và tham gia một số ban kịch truyền hình Sài Gòn, được đánh giá là một diễn viên tài năng. Ông cũng tham gia viết báo trên các nhật báo như Công Luận, Bút Thép, Sóng Thần, Tin Sáng... Ông từng được cử đi nghiên cứu ngành kịch nói tại Pháp và Canada năm 1974.
Sau năm 1975, ông tham gia Đoàn kịch nói Bông Hồng một thời gian ngắn và sau đó chính thức chuyển qua lĩnh vực điện ảnh từ năm 1982. Trong khoảng 10 năm, ông đã có trên 200 vai diễn điện ảnh và truyền hình.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng sức khỏe nên ông tập trung vào viết kịch bản , đọc sách… Bạn bè thân hữu ông cho biết khi không làm phim, đạo diễn Lê Cung Bắc có một công việc khác, là đi xin tiền làm từ thiện.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh giã từ cõi tạm
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những tiểu thuyết nổi tiếng như Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa qua đời chiều 12.6 tại Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh ẢNH: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN |
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại Hà Nội. Ông học ĐH Y Hà Nội, sau đó nhập ngũ, công tác tại Trường sĩ quan Lục quân. Bộ ba tiểu thuyết: Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của ông đã được trao 5 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội và UBND TP.Hà Nội. Trước đó, 2 tiểu thuyết Miền hoang tưởng và Trư cuồng của ông đã gây sóng gió cho ông cả về văn lẫn đời. Ông Nguyễn Xuân Khánh cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm, trong đó có cuốn Chuông nguyện hồn ai.
Tiểu thuyết Người gác đêm đoạt giải Pulitzer 2021
Người gác đêm (tựa gốc The Night Watchman) của nữ văn sĩ Louise Erdrich (67 tuổi) viết về cuộc đấu tranh ngăn chặn sự di dời và loại bỏ một số bộ lạc thổ dân châu Mỹ trong những năm 1950 đã đoạt giải Pulitzer năm 2021 hạng mục Văn học hư cấu.
Giải thưởng của Người gác đêm là một trong 22 giải thưởng gồm 15 giải cho báo chí và 7 giải cho nghệ thuật, thơ ca và âm nhạc do Hội đồng Pulitzer công bố vào ngày 11.6 (giờ Mỹ).
Các giám khảo Pulitzer khen ngợi Người gác đêm là “một cuốn tiểu thuyết đa âm sắc”. Tác giả dựa trên cuộc đời của ông nội mình, người đã làm lụng cả đời như một người gác đêm ở nhà máy và tranh đấu chống lại sự tước đoạt mạng sống cũng như quyền lợi của người bản địa từ vùng nông thôn Bắc Dakota đến quốc hội Mỹ.
Nữ văn sĩ Louise Erdrich ẢNH: USA TODAY |
Ở hạng mục Lịch sử, cuốn sách Franchise: The Golden Arches in Black America của Marcia Chatelain thắng giải. Tác phẩm The Dead Are Arising: The Life of Malcolm X của tác giả Les Payne và con gái Tamara Payne nhận giải Pulitzer hạng mục Tiểu sử. Sách mô tả cuộc đời của Malcolm X, một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi nổi tiếng. Hạng mục Tác phẩm phi hư cấu thuộc về cuốn Wilmington’s Lie: The Murderous Coup of 1898 and the Rise of White Supremacy của David Zucchino. Hạng mục Kịch, người giành chiến thắng là Katori Hall với vở kịch The Hot Wing King. Nhà thơ Natalie Diaz đoạt giải hạng mục Thơ ca qua tập thơ Postcolonial Love Poem; và ca khúc Stride của Tania León chứa đựng yếu tố truyền thống trong âm nhạc của người Mỹ da màu, được gọi tên ở hạng mục Âm nhạc.