Chuyên mục  


"Trong thời "phẳng" này thì chân dung của một dân tộc càng cần được định vị qua văn hóa. Văn hóa chính là căn cước của bất kể một dân tộc nào" - họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định trong bài viết dành cho Thể thao và Văn hóa (TTXVN). Xin trân trọng giới thiệu bài viết và những tác phẩm mỹ thuật đặc sắc của ông.

Một điều hiển nhiên rằng, tư tưởng Phật giáo là yếu tố chủ đạo làm nên văn hóa Việt Nam. Nguồn dinh dưỡng văn hóa Phật giáo đã nuôi sống văn hóa Việt Nam.

Thành tố cơ bản của quốc gia Việt Nam, đất nước Việt Nam là làng. Không có làng thì không có nước Việt Nam, nước Việt Nam là nước - làng. Làng tạo ra nước Việt Nam và người Việt Nam, người Việt Nam là người làng. Ai mà chả có một cội rễ làng thẳm sâu trong mình, dù là người to, người bé, trong nước hay hải ngoại. Qua người Việt Nam sẽ thấy làng Việt Nam, nước Việt Nam.

Có làng nào mà lại không có chùa làng. Muốn hiểu Phật giáo Việt Nam thì phải đi từ chùa làng. Cũng chả cứ Phật giáo, muốn hiểu nghệ thuật của người Việt Nam thì bắt buộc phải tìm hiểu nghệ thuật làng, nghệ thuật Phật giáo qua kiến trúc chùa tháp ở làng, qua nghệ thuật điêu khắc tượng Phật ở chùa làng. Muốn nghe được tiếng Việt gốc, tiếng Việt đẹp và hay thì buộc phải nghe, nghe được tiếng Việt của người - làng. Tiếng Việt hôm nay ở thành thị mỏng và nhạt nhẽo vô cùng.

Tác phẩm "Phật tại tâm" (chất liệu sắt uốn) của Lê Thiết Cương

Khi Phật giáo vào với người Việt Nam hồi thế kỷ thứ 2 thì người Việt Nam đã có tín ngưỡng của mình. Thông qua việc thờ cúng tổ tiên, thờ các nữ thần Tứ pháp; và từ thế kỷ 17 trở đi thì chùa, đền là một, trong chùa luôn có bàn thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh. Tiền Phật hậu Thánh. Thuận theo lẽ tự nhiên thì nhập gia tùy tục. Người khách Phật giáo nương theo, hòa cùng tục lệ của người chủ, không hề mâu thuẫn. Cho nên, có thể thấy tinh thần Phật giáo trong văn hóa Việt Nam rất đậm nhưng không còn bị rạch ròi đâu là của khách, đâu là của chủ nhà. Văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt Nam nhòe lẫn trong nhau, là một và tự nhiên. Cái mà người khách - Phật giáo mang đến đã sẵn có phần nào trong người chủ nhà - Việt Nam. Nên cuộc gặp ấy thuận và hòa, đẹp! Đó là cuộc gặp tất yếu. Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, nhân nào quả ấy…chính là quan niệm nhân - quả của nhà Phật. Đến nơi không dễ nhưng đến rồi ở lại được mới khó. Hòa hợp, tự nhiên mới ở lại được. Tinh thần Phật giáo làm mạnh thêm và góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần của người Việt Nam. 1.000 năm Bắc thuộc với chính sách đồng hóa của Hán nhưng văn hóa Việt Nam không mất vì cái gốc của văn hóa Việt Nam là tư tưởng nhà Phật.

Giả sử thế kỷ thứ 2, Phật giáo không vào với người Việt Nam thì sao nhỉ? Liệu thì văn hóa Việt còn không sau 1.000 năm Bắc thuộc? Không những còn mà sau ngàn năm ấy, văn hóa Việt Nam, người Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn còn và vẫn phát triển, phát triển rực rỡ ngay. Văn thơ, mỹ thuật Lý - Trần, là đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với quan điểm Thiền - tùy tục, rất Việt Nam. Thiền Việt khác với Thiền Ấn, Trung, Nhật. Phật tức tâm, tâm tức Phật. Thiền Việt tức tâm Việt. Thiền Việt đốn ngộ theo cách của mình.

Thiền phái nào mà chả lấy Kinh Kim Cương làm sách giáo khoa. Nhưng mỗi người ngộ một cách. Trần Thái Tông - vị vua đầu tiên của nhà Trần đọc, tụng Kinh Kim Cương đến câu "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" thì ngộ. Trần Thái Tông bỏ ngai vàng, trốn lên Yên Tử đi tu. Sư hỏi: Ngài đi tu làm gì? Trần Thái Tông đáp: Tu để làm Phật. Sư bảo: Phật không có ở trong núi, Phật ở trong tâm ngài thôi. Trần Thái Tông liền ngộ. Quốc sư tiếp tục thuyết phục: "Ông phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lòng của thiên hạ làm lòng mình". Nghe theo thầy, Trần Thái Tông quay về Thăng Long lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh đuổi giặc Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ nhất năm 1258. Giặc tan, vài tháng sau ông lại về núi tu hành.

Tuệ Trung Thượng Sỹ cũng vậy (ông là bác của Trần Nhân Tông), đang ngồi tụng kinh, nghe tin giặc Nguyên Mông tấn công Đại Việt, ông cất chuông mõ vào tủ, đeo gươm, lên mình ngựa ra trận. Khi giặc thua chạy, ông lại về nhà với kinh kệ. Phật dạy nhẫn, nhà Trần chủ trương phá chấp và "Sát Thát". Rất Việt.

Thiền tùy tục là thế, chứ ở đâu?

tranchau-17280505385871981059162.jpg

Tác phẩm "Chăn trâu" (gốm mosaic, 50x70cm) của Lê Thiết Cương

Quá độc đáo! Một câu kệ của Tuệ Trung Thượng Sỹ rất rốt ráo: "Trì giới và nhẫn nhục chỉ chuốc tội chứ không chuốc phúc". Chả lẽ giặc đến, mình cứ nhẫn, cứ ngồi thiền để dân đen bị giầy xéo dưới vó ngựa quân thù à? Tùy hỉ, tùy hỉ!

Tinh thần Phật giáo tạo ra bản sắc cho văn hóa Việt Nam. Sự độc đáo và khác biệt ấy rất rõ khi so sánh với những nước cùng ảnh hưởng Phật giáo.

Tức là văn hóa Việt Nam, văn hóa Phật giáo - Việt Nam là một di sản, một truyền thống đã ngót hai ngàn năm tuổi. Kiến trúc chùa tháp, hệ tượng Phật, tượng các vị Bồ Tát trong chùa Việt Nam tạo hình khác lạ và phong phú chất liệu: gỗ phủ sơn, đồng phủ sơn, đất phủ sơn rồi thếp vàng bạc quỳ. Điêu khắc của người Việt Nam độc đáo.

Văn hóa thì bao trùm mọi mặt của đời sống. Dù là một quốc gia, một doanh nghiệp hay một gia đình, một con người. Nếu không có được nền móng, gốc rễ văn hóa bền vững thì không thể tồn tại và phát triển được. Chả cứ người có đạo hay "vô đạo", chả cứ là Phật giáo có là quốc giáo hay không.

Trong thời "phẳng" này thì chân dung của một dân tộc càng cần được định vị qua văn hóa. Văn hóa chính là căn cước của bất kể một dân tộc nào.

Phải độc lập và tự chủ về văn hóa, phải luôn nhớ câu của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo: "Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu". Khi đã độc lập về văn hóa thì mới tự tin tiếp thu, tiếp nhận văn hóa của người khác bổ sung cho mình, làm giầu thêm văn hóa của mình mà không sợ bị lai căng, học đòi, dị hợm, kệch cỡm… Thêm điều nữa, trong chiến lược "định vị thương hiệu" quốc gia thì dứt khoát phải coi văn hóa là một chủ đề cốt yếu.

Sống chậm cuối tuần: Lớp học chứa sắc màu văn hóa

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020