Tết Trung Thu là ngày lễ truyền thống của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á như Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Malaysia, Singapore, được tổ chức vào ngày 15/8 âm lịch. Phong tục ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đều có những đặc trưng riêng.
Trung Quốc
Tết Trung thu nhộn nhịp ở Trung Quốc.
Người Trung Quốc tổ chức lễ hội trăng tròn mùa thu từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên. Đây là dịp người nông dân tận hưởng mùa gặt thành công với các lễ vật cúng Tổ tiên. Các gia đình cũng quây quần đông đủ bên nhau, người đi xa cũng trở về thăm gia đình. Vì thế, Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên, là ngày lễ lớn thứ hai ở Trung Quốc chỉ sau Tết nguyên đán. Vào ngày này, người dân ăn bánh trung thu, thắp đèn lồng, không khí nhộn nhịp khắp nơi. Trung Quốc đã liệt kê lễ hội này là di sản văn hóa phi vật thể năm 2006 và coi đây là ngày nghỉ lễ vào năm 2008.
Trong văn hóa Trung Quốc, hình tròn tượng trưng cho sự trọn vẹn và đoàn tụ. Việc chia sẻ những chiếc bánh Trung thu hình tròn với các thành viên trong gia đình biểu thị sự trọn vẹn và đoàn kết của gia đình.
Việt Nam
Ở Việt Nam, Trung thu là Tết dành cho thiếu nhi. Ảnh: Tùng Đinh
Ở Việt Nam, Tết Trung thu cũng là ngày lễ quan trọng chỉ sau Tết Nguyên đán. Khác với Trung Quốc là ngày Tết đoàn viên, ở nước ta, Trung thu là ngày lễ dành cho thiếu nhi. Các em nhỏ được mua cho những chiếc đèn truyền thống như đèn ông sao, đèn con thỏ, đèn cù hay đèn kéo quân, tham gia lễ hội rước đèn, phá cỗ. Mâm cỗ Trung thu cũng được bày biện cầu kỳ với nhiều loại trái cây nhiều màu sắc, được trang trí như làm hình nộm chó từ quả bưởi. Ngoài ra, người Việt thường làm bánh nướng, bánh dẻo thắp hương trên bàn thờ gia tiên. Bánh nướng, bánh dẻo truyền thống thường là loại nhân thập cẩm với lạp xưởng, mỡ, các loại hạt, mứt.
Hong Kong và Macau
Công viên Victoria trang hoàng dịp Trung thu.
Ở hai đặc khu này, Trung thu cũng được tính là ngày nghỉ lễ. Không khí lễ hội ở khắp nơi. Đèn lồng hình thù các con thú với kích thước khổng lồ được đặt ở các trung tâm thương mại, chung cư, trên đường phố như ở công viên Victoria (Hong Kong). Các gian hàng, sân khấu truyền thống, quầy xem bói, chơi trò chơi được dựng ở khắp nơi. Người dân đặc biệt yêu thích việc mua bánh Trung thu để trao đổi, tặng làm quà. Những chiếc bánh với nguyên liệu xa xỉ cũng rất được ưa chuộng tại đây. Họ mua bánh nhiều tới mức ăn không hết. Theo ấn bản Trung Quốc của tờ Wall Street Journal, chỉ riêng ở Hong Kong mỗi năm có tới hai triệu chiếc bánh trung thu bị lãng phí.
Đài Loan
Người dân Đài Bắc có truyền thống ăn thịt nướng vào ngày rằm tháng 8.
Khác với Trung Quốc đại lục và Hong Kong, người Đài Loan lại thường ăn Tết Trung thu bằng những bữa tiệc nướng BBQ ngoài trời. Các gia đình hoặc nhóm bạn sẽ tụ tập hoặc đi picnic cùng nhau, vừa nướng thịt, vừa ngắm trăng rằm. Điều này không liên quan đến truyền thống cổ xưa mà chỉ dựa trên sở thích ăn thịt nướng của người Đài Loan. Thành phố Đài Bắc mở một số công viên ven sông để phục vụ những bữa tiệc trong mùa lễ hội như công viên ven sông Dajia, view cầu Dazhi và khách sạn Grand.
Singapore
Khu phố Tàu ở Singapore mùa Trung thu. Ảnh: Smartlocal
Cộng đồng người Hoa ở Singapore rất đông đảo. Họ tổ chức lễ hội với các hoạt động nhộn nhịp, kết hợp truyền thống nhiều nơi như đêm hội ngắm trăng, ăn và biếu bánh trung thu, lễ hội đèn lồng, trang hoàng phố xá. Nơi lý tưởng nhất để chơi Trung thu ở Singapore là phố người Hoa. Người ta tổ chức trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật và biểu diễn dân gian như kinh kịch và múa rối Trung Quốc hay cuộc thi vẽ đèn lồng. Dọc con phố này, đèn lồng được thắp sáng hết tháng âm lịch, trở thành điểm check in nổi tiếng.
Malaysia
Người dân gốc Hoa ở Malaysia từ lâu đã tổ chức Lễ hội Trung thu, giữ gìn truyền thống và phong tục. Tại thành phố Malacca, phố Tàu Jonker Walk nổi tiếng cũng tổ chức lễ hội, biểu diễn múa sư tử, diễu hành xe hoa minh họa các câu chuyện dân gian Trung Quốc.
Hàn Quốc
Mâm cúng Trung thu truyền thống của người Hàn Quốc. Ảnh: uBitto
Ở Hàn Quốc, ngày Tết lớn nhất và quan trọng nhất trong năm không phải là Tết Nguyên đán như ở Việt Nam mà là Tết Trung thu, còn gọi là Tết Chuseok. Xưa kia, Tết Trung thu là thời điểm nhà nhà đều vào vụ thu hoạch. Lương thực và hoa quả đầy nhà, sung túc. Sau Trung thu, Hàn Quốc bước vào mùa đông lạnh giá và khắc nghiệt, lương thực chỉ còn là những gì đã chuẩn bị được từ mùa thu.
Vào buổi sáng sớm ngày đầu tiên của lễ Chuseok, toàn bộ gia đình người Hàn Quốc sẽ tụ họp tại gian nhà chính, nơi bày bàn thờ tổ tiên để tiến hành các nghi lễ cúng bái. Món ăn chủ đạo mùa Trung thu là Mebap (cơm gạo mới vừa thu hoạch), bên cạnh đó còn có bánh Songpyeon, canh khoai sọ, rượu Baekju. Ngoài ra, người dân cũng sẽ đi tảo mộ, tham gia lễ hội dân gian. Lễ Trung thu người Hàn được nghỉ lễ 6 ngày.
Nguyên Chi