Chuyên mục  


Hồ Đắc Thiếu Anh là một nhà thơ quen thuộc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng như các sinh hoạt cộng đồng, xã hội với tư cách là chuyên gia ẩm thực nổi tiếng với nhiều đóng góp hiệu quả, thiết thực, một nhà từ thiện có uy tín trong nước và hải ngoại. Bên cạnh các đầu sách về ẩm thực có giá trị được viết từ thực tế tác nghiệp của mình, nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh đã xuất bản các tập thơ Mênh mông chiều (1992), Giọt buồn nghiêng (1998), Mưa rêu (2003), Mùa lá chín (2007) và các album thơ nhạc: Những chùm bồ kết (2002), Sao không là ngày xưa (2006), Sông mùa trẻ lại (2006) Khúc vàng phai (2008)… được công chúng yêu thơ nhạc tâm thành đón nhận. Nơi có nhiều mây tím là tập thơ mới nhất của chị.
Với chủ đề Mẹ trùng dương, trong phần 1 của Nơi có nhiều mây tím nhà thơ Hồ Đắc Thiếu Anh đã rất đằm thắm, dịu dàng, kính quý ngợi ca tình mẫu tử thiêng liêng, đồng thời quán xuyến được hình ảnh, tình yêu thương dạt dào của một người con khi còn bé bỏng ngây thơ bên mẹ hiền đầy gian truân, khốn khó: Bóng mẹ trong đêm quặn đắng lòng/ Ánh mắt lờ mờ sâu nỗi nhớ/ Bờ vai gầy guộc nặng niềm mong/ Trở trăn mấy bận trông con trẻ/ Thấp thỏm năm canh mộng bóng chồng/ Muốn hỏi trăng vàng trăng có thước/ Đo giùm tình mẹ rộng bao sông (Bóng mẹ trong đêm), cho đến khi mẹ không còn trên cõi đời này: Bây giờ vắng mẹ, mẹ đi xa/ Mặn nước trùng dương mắt lệ nhòa/ Thương mẹ từng đêm con cầu nguyện/ Chốn cũ mẹ về ngát hương hoa (Có một nơi mẹ về).
Thơ Hồ Đắc Thiếu Anh viết về mẹ giàu hình ảnh, những hình ảnh của đời thường, dung dị, nhờ chính hình ảnh mà chiều sâu nội tâm, nguồn xúc cảm chân thực trong Hồ Đắc Thiếu Anh được hiện hình sống động; tạo cho người đọc cảm giác gần gũi, trìu ái mà trang trọng: Sông bình yên xanh thơm/ Liếp cải, luống rau, vồng khoai, đồng mạ/ Mưa dãi nắng dầu đất cỗi trổ hoa/ Mẹ ngồi nhẩm tuổi con/ Theo từng mùa thầu đâu trước ngõ/ Cứ ngỡ con mình còn nhỏ/ Bờ tóc tím sương mai mà không hay (Nơi có nhiều mây tím); hay hình ảnh mẹ và con đẹp, hiền rất thơ: Biển ôm trăng vàng lòng mẹ/ Tình con cá quẫy tung tăng/ Ấu thơ ngọt ngào dấu cát/ Choáng say biển mẹ đêm rằm (Mẹ trùng dương).
Sang phần 2: Bởi vì em là quê hương, thì bài thơ Ba miền dải lụa lưng ong được mở đầu như một khái quát về tình yêu thương quê hương Việt với cảnh quan, thời tiết, với tín ngưỡng dân gian, lễ hội… để từ đó mở ra những bài thơ khác bằng thi pháp trữ tình, khơi gợi niềm trân quý đất đai, xứ sở: Dải lụa quê mình hình chữ S lưng ong/ Nối lại ba miền bình minh nắng trổ.
Là người con xứ Huế, quê quán gốc làng Chuồn - một vùng đất tiếp truyền các giá trị văn hóa dân tộc của tiền nhân nên Nơi có nhiều mây tím của Hồ Đắc Thiếu Anh giới thiệu nhiều bài thơ về Huế, tiêu biểu như Mưa Huế, Chằm riêng nỗi nhớ, Dòng sông tinh khôi, Huế vẫn dễ thương, Hương chùm kết… “Với nhà thơ Huế gần như là nỗi tương tư, là nguồn sáng tác bất tận. Huế - một cơn mưa, chiếc nón bài thơ, tiếng chuông chùa vọng, hay một tà áo tím, một Trường Tiền “uốn nhịp”… qua thơ Hồ Đắc Thiếu Anh, tràn vào lòng người những cung bậc cảm xúc khó tả, vừa thành thực, bao dung vừa chất ngất nỗi niềm… ” (Nhà văn - Nhà báo Hà Dương).
Được biết, để mừng Ngày của Mẹ & Quốc tế Gia đình, sáng 8.5.2021, tập thơ Nơi có nhiều mây tím của Hồ Đắc Thiếu Anh đã được Hội quán Các Bà Mẹ phối hợp tác giả tổ chức giới thiệu, giao lưu tại Hội Nhà báo TP.HCM. Đây được xem như một duyên thơ nhằm ngợi ca Mẹ và quê hương yêu dấu đúng với tinh thần, nội dung thi phẩm của nhà thơ.

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020