Chiếc máy vẽ với những chiếc bút vẽ là bằng tóc của các nữ nghệ sĩ hiến tặng cho Rosemarie Trockel - Ảnh: T.ĐIỂU
Đây là những tác phẩm "kỳ lạ" của nghệ sĩ ý niệm người Đức Rosemarie Trockel đang được bày tại Hà Nội trong triển lãm Dệt phối cảnh, cùng nghệ sĩ Lại Diệu Hà của Việt Nam.
Những cái đầu tiên thú vị
Có lẽ lần đầu tiên ở Việt Nam một triển lãm được tách đôi, triển lãm ở hai địa điểm cách nhau khá xa.
Ông Olover Brandt - viện trưởng Viện Goethe Hà Nội - cho biết lý do là không gian trong trung tâm thành phố không đủ rộng rãi lẫn điều kiện chuẩn về điều hòa không khí cho các tác phẩm nghệ thuật khá mong manh đòi hỏi một điều kiện trưng bày tốt.
Các tác phẩm của Rosemarie Trockel từng được trưng bày tại 42 điểm trên khắp thế giới. Triển lãm tại Hà Nội đánh dấu lần đầu tiên Rosemarie Trockel đến với Đông Nam Á. Đây cũng là lần đầu tiên triển lãm của Rosemarie Trockel kết hợp cùng một nghệ sĩ địa phương.
Nghệ sĩ Lại Diệu Hà bên tác phẩm Hiện diện ở đây - Ảnh: T.ĐIỂU
Ông Olover Brandt nói lý do chọn hai nghệ sĩ cho triển lãm này là bởi Rosemarie Trockel là một trong những nghệ sĩ có rất nhiều lần triển lãm ở khắp nơi trên thế giới.
Còn Lại Diệu Hà cũng chứng minh được tài năng của mình qua quá trình làm nghệ thuật bền bỉ và quyết liệt. Cả hai nghệ sĩ đều có cách tiếp cận phương tiện biểu đạt nghệ thuật đa dạng, tạo cảm hứng cho mọi người.
Lại Diệu Hà là nghệ sĩ nữ đầu tiên tại Việt Nam bán thành công tác phẩm trình diễn dưới dạng video. Và gần đây chị tiếp tục thành công với tranh khi giành giải bạc cuộc thi vẽ quốc tế UOB Painting of the Year năm 2023 tại Việt Nam.
Nhà văn Hiền Trang xem tác phẩm của Lại Diệu Hà - Ảnh: T.ĐIỂU
4 tác phẩm tham gia triển lãm lần này của Lại Diệu Hà bao gồm tranh và điêu khắc mềm (vải), đại diện cho bốn giai đoạn chính trong sự nghiệp của chị.
Đây là lần triển lãm hiếm hoi ở Việt Nam mà có tour hướng dẫn xem triển lãm bằng ngôn ngữ ký hiệu dành cho người khiếm thính.
Những người đàn ông ngủ và những bức tranh thiền định của máy vẽ
Hoạt động trong một bối cảnh nghệ thuật phần lớn do nam giới chi phối những năm 1980-1990, Trockel đã sáng tạo ra những tác phẩm phê phán, thách thức các hệ thống, quan điểm, khái niệm và hình mẫu giới tính áp đặt cho cả phụ nữ và đàn ông, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong xã hội nói chung.
Hơn 60 tác phẩm ý niệm của Rosemarie Trockel tại Dệt phối cảnh, từ tranh vẽ, tranh dệt, ảnh, video, đến sắp đặt, chứa đựng nhiều ẩn ý sâu sắc về xã hội đương đại.
Như tác phẩm chiếc máy vẽ với 56 chiếc bút vẽ làm bằng tóc phụ nữ cùng 7 bức tranh đầy tính thiền định do máy vẽ tạo ra. Và chuỗi các bức tranh chì trên giấy vẽ những người đàn ông ngủ cũng thu hút người xem bởi những ẩn ý sâu xa.
Người đàn ông nằm ngủ trên cabin ô tô, một chàng trai trẻ nằm ngủ trưa với một khẩu súng… nói với khán giả điều gì? Giấc ngủ được nghệ sĩ sử dụng như một công cụ để lật ngược lối sống 24/7 của xã hội công nghiệp buộc con người ta không ngừng hoạt động.
Một bức tranh trong tác phẩm Ngủ của Rosemarie Trockel - Ảnh: T.ĐIỂU
Dệt phối cảnh đang diễn ra (đến ngày 3-1-2025) tại The Outpost (tầng 2, tòa B1, Roman Plaza, Tố Hữu, Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Triển lãm do Viện Goethe Hà Nội phối hợp với ifa tổ chức, là một sự kiện bản lề nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Đức - Việt vào năm 2025.