Chuyên mục  


Chương trình Chuyện nhạc phố cổ tháng 10 diễn ra cuối tuần qua tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, Hà Nội) đã dựng nên một không gian kết nối lời ca cách mạng với nhạc cổ truyền. Một lần nữa, chương trình do tập thể các nghệ sĩ Đông Kinh Cổ Nhạc sáng tạo nghệ thuật lại gây ấn tượng mạnh với công chúng.

Năm nay cũng là tròn 10 năm nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc ra đời (2014 - 2024), đánh dấu một chặng đường của những người yêu nhạc cổ truyền đã gắn bó với tinh hoa âm nhạc và văn hóa dân tộc qua những đêm diễn phi lợi nhuận. Đến nay, Chuyện nhạc phố cổ mà nhóm tạo dựng đã trở thành thương hiệu và điểm đến di sản đặc biệt tại địa chỉ 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, mỗi tháng một lần.

Kết hợp nhạc cổ truyền và nhạc cách mạng

Chương trình được mở màn với tác phẩm Tiếng làng được chuyển điệu từ thơ Nguyền Duy. Tiếp đó, những giai điệu ca trù từ tác phẩm Hồ Gươm của nhà thơ Ngô Linh Ngọc được chuyển từ hát nói thành hát văn, sử dụng lời mới để thể hiện câu chuyện cách mạng, nhưng vẫn diễn đạt theo lối cổ. Rồi, sau tiết mục độc tấu đàn bầu tác phẩm Lên ngàn là chủ đề chính của đêm nhạc: Võ Đức Trường Ca - tưởng nhớ về những chiến sĩ Thủ đô.

Các nghệ sĩ trình diễn tại đêm nhạc

Đây là lần hiếm hoi, di sản âm nhạc cổ truyền được biểu diễn kết hợp với âm nhạc cách mạng. Và cũng là lần đầu tiên, những nghệ sĩ của Đông Kinh Cổ Nhạc và những nghệ sĩ quân đội có dịp gặp nhau. Nhưng trong một chương trình ý nghĩa như Chuyện nhạc phố cổ, họ đã hào hứng, say mê với đêm diễn và quên hẳn sự căng thẳng, hồi hộp lúc mở màn.

Ở đó, khán giả xem chương trình được đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác: Từ sự tiếp nối những giai điệu quen thuộc trong tâm hồn người Việt Nam ở dân ca Cò lả hay Hồng hồng tuyết tuyết của ca trù cho đến những lời thơ ngợi ca con người Việt Nam trong lịch sử dựng nước, giữ nước, rồi cả những câu chuyện về đời sống thời hiện tại.

honghong-1729725767853718871156.jpg

Trình diễn ca trù

Sự tiếp nối ấy cho thấy chương trình có sự khéo léo trong bố cục các tác phẩm để tạo nên một mạch nguồn lịch sử, đi từ quá khứ đến hiện tại bằng âm nhạc và cả bằng những lời thơ, lời văn. Nhưng nói như anh Đàm Quang Minh (người biên tập âm nhạc, kết nối câu chuyện và nhắc vở trong chương trình), đơn giản đây chỉ là "tiếng ta" - tức là tiếng của người Việt Nam, được anh sắp xếp bằng thủ pháp nghệ thuật của thơ và nhạc, trải qua những mốc thời gian để làm nên một hành khúc liền mạch, có sự lên bổng xuống trầm của nhạc, có dòng chảy của thơ và có tính dẫn dắt sự kiện.

Nhiều khán giả, trong đó có không ít du khách quốc tế, đã bày tỏ sự thích thú khi trải nghiệm những giai điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như kỹ năng biểu diễn điêu luyện của các nghệ sĩ.

dqm-1729725767864389972678.jpg

Anh Đàm Quang Minh

Thu Hường, một trong số nhiều khán giả trẻ đến nghe chương trình, cho biết: Cô từng nhiều lần có dịp nghe nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc diễn tấu và luôn ấn tượng trước các giá trị về truyền thống mà nhóm chia sẻ. Thú vị hơn, chương trình còn có cả một lớp khán giả "nhí" tầm 5 - 6 tuổi cũng theo chân bố mẹ đến đây để nghe nhạc và xem biểu diễn một cách rất nghiêm túc.

"Nhạc cổ vẫn sống"

Đông Kinh Cổ Nhạc là nhóm nhạc ra đời một cách tình cờ cách đây đúng 10 năm (2014 - 2024), từ một dự án của nghệ sĩ Hương Thanh khi mang nhóm nhạc cổ truyền của Việt Nam sang Pháp biểu diễn trong khuôn khổ các hoạt động của Năm Việt Nam tại Pháp. Thời điểm ấy, nhóm đã có hai đêm diễn tại bảo tàng Guimet danh tiếng của Pháp, sau đó tiếp tục được đài France Music thu âm và phát trên sóng phát thanh tại Pháp.

bql-17297257678441693756955.jpg

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (áo dài hồng ở giữa) đến tham dự chương trình

Trở về Việt Nam, nhóm ra mắt công chúng trong đêm nhạc Tiếng trúc tiếng tơ tại Trung tâm Văn hóa Pháp (nay gọi là Viện Pháp tại Hà Nội).

Đàm Quang Minh - người khởi dựng Đông Kinh Cổ Nhạc - rất yêu nhạc truyền thống, đặc biệt là ca trù, bởi anh may mắn được gần gũi các nghệ nhân như Quách Thị Hồ, Nguyễn Thị Phúc từ khi còn nhỏ. Ngoài ra, anh còn được bố nuôi - nhà thơ Ngô Linh Ngọc - bồi đắp tình yêu nghệ thuật truyền thống. Sau nhiều năm gắn kết với di sản âm nhạc, Đàm Quang Minh có niềm tin: "Muốn biết nhạc cổ còn sống hay không phải đưa ra đời và nếu làm đúng, sẽ thấy nhạc cổ vẫn sống!"

Trước sự chào đón của khán giả trong nước và quốc tế, Đông Kinh Cổ Nhạc ra đời. Tuy nhiên, như Đàm Quang Minh chia sẻ, sự tồn tại này trước là để những người bạn yêu nhạc, chơi nhạc của anh có một sân chơi, mọi người được giao lưu trong một hoạt động chung. Khi đó, những nghệ sĩ như Thanh Hoài, Thanh Bình, Xuân Hoạch, Vũ Ngọc, Đàm Minh, Công Hưng… đã mang hát xẩm, hát chèo, ca trù, hát chầu văn vào các đêm nhạc của mình.

hvy-17297257677122111224858.jpg

NSND Hà Vy áo đen ở giữa cùng các nghệ sĩ của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc

"Tính đại chúng và sự thân mật là tiêu chí chọn chữ, chọn câu trong các bài để dàn dựng một câu chuyện kể. Cần làm sao để người nghe có cảm giác văng vẳng của ngày xưa, dù loáng thoáng thôi. Chúng tôi đưa vào câu chuyện của mình tính thời sự của sự kiện, nội dung phản ánh có thể là hiện tại nhưng tình cảm lại là của âm nhạc Việt Nam, đã có từ rất xưa" - anh Minh cho hay.

Cũng theo anh Minh, sự lựa chọn tính cộng đồng trong âm nhạc là cách để âm nhạc cổ truyền tồn tại. Còn việc trình diễn âm nhạc cổ truyền theo lối "chơi nhạc cũ, nói chuyện hôm nay" là cách lưu truyền di sản.

"Chúng tôi làm nhạc theo con đường nhạc cổ với quan niệm của "phong nhã tụng" (phong là lan tỏa, nhã là biên tập kỹ lưỡng, tụng là lưu truyền ký ức), kết nối giữa thơ và nhạc. Và khi dựa vào những chuẩn mực từ nguyên lý của thơ và nhạc để dựng tác phẩm, tôi nhận ra điều thú vị nhất: Mỗi dân tộc sẽ có một nét nhạc riêng, một khung tiết tấu riêng" - anh Minh chia sẻ.

Anh nói tiếp: "Âm thanh cấu trúc đó luôn gợi và đi vào vô thức nên ở thời nào cũng tồn tại và luôn văng vẳng ở mỗi người, chỉ là mình không nhận ra. Chẳng hạn, khi một khán giả nhí có thể chăm chú và say mê nghe trích đoạn tuồng Hồ Nguyệt cô hóa cáo, đóchính là sự chân thực của di sản cổ truyền trong mỗi tâm thức người Việt Nam".

"Sân chơi" định kỳ

Đến nay, cuộc chơi của những người yêu nhạc cổ truyền đã được định hình với lịch diễn mỗi tháng một lần (thường là giữa tháng) tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội. Mỗi đêm diễn, nhóm mang đến cho người nghe một Chuyện nhạc phố cổ có chương - hồi - mục, có màu sắc riêng và gợi tâm thức cho người nghe, lay động người nghe bằng cảm xúc với tôn chỉ: không bao giờ rời xa tính cộng đồng.

Bế mạc Lễ hội Âm nhạc cổ điển tại Đà Lạt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020