Tô Văn Lộc, 30 tuổi - là một nông dân kiêm YouTuber đang sinh sống ở tỉnh Thái Bình
Trước khi dịch COVID-19 xuất hiện và làm đảo lộn cuộc sống, Tô Văn Lộc (30 tuổi) góp vốn cùng người bạn là Bùi Hữu Nghĩa thuê kiôt trong trung tâm thương mại ở quận 1, TP.HCM kinh doanh sản phẩm du lịch.
Dịch bệnh ập đến bất ngờ, công việc trở nên khó khăn và đã dẫn đến cuộc chia tay không thể tránh khỏi với một thành phố mà với Lộc, từng là một nơi vô cùng đáng sống.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nên không có 'quê' để về. Quyết định rời Sài Gòn chỉ trong một buổi chiều khi mình đang giãn cách xã hội vào tháng 3-2020. Khi đó tôi đã ở nhà suốt một tháng", Lộc chia sẻ.
Lộc bộc bạch trước khi có dịch, thế giới với anh là một vòng tròn lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nhưng "COVID-19 làm tôi có cái nhìn khác về cuộc sống, muốn thay đổi môi trường và thử thách bản năng sinh tồn của mình".
Sáng sớm đi bắt cua đồng - Nguồn: YouTube Tô Tiểu Tường
Và thế là Lộc nói với người bạn thân cùng chí hướng: "Mình về quê nuôi gà, trồng rau giống như Đen Vâu rap nhé".
Bắt đầu lên kế hoạch để bước đến ngã rẽ đang chờ đợi mình phía trước, Lộc và Nghĩa chọn Thái Bình, quê hương của Nghĩa, nơi cậu vẫn có cha mẹ già chờ đợi đứa con đi làm phương xa trở về mỗi độ tết đến, để làm mảnh đất gắn bó.
"Lúc đó tôi chỉ có 24 triệu đồng phí sinh hoạt đủ một năm và hai con mèo. Toàn bộ số tiền dành dụm chuyển sang học thêm về nông nghiệp, sinh học, quay dựng phim, để trở thành một nông dân kiêm YouTuber toàn thời gian", Lộc kể.
Thời gian tới, Lộc sẽ làm phụ đề các ngôn ngữ khác nhau trong các video làm vườn để bạn bè quốc tế thuận tiện hơn khi tìm hiểu cuộc sống thôn quê Bắc Bộ
"Trở thành một nông dân thực thụ cũng như mình thi vào trường đại học vậy, phải trải qua từng 'lớp học thực tế' trên vườn, ngoài trời. Có khi thất bại và cũng có lúc thành công. Việc sản xuất ra nông sản nuôi sống mình cũng cung cấp một phần nhỏ cho xã hội, cảm giác đó làm mình như tồn tại, tự tin hơn.
Làm vườn với mình như một cách trị liệu cho tâm hồn nhẹ nhõm, bình yên. Mình nhìn cây cối lớn lên, nghe tiếng chim thảnh thơi hay bất lực trước quyền quyết định cuộc chơi của thời tiết, nắng mưa". Với Lộc, bài học lớn nhất khi chọn cuộc sống thôn quê là đã biết sống tôn trọng tự nhiên, thuận theo tự nhiên và là một phần của tự nhiên.
"Cuộc sống mới làm mình nhận ra mọi nhu cầu trước khi ở phố thị nhiều thứ rất phù phiếm và đôi khi không cần thiết. Sống đơn giản và biết đủ giúp mình nhẹ nhàng và an yên trải qua mỗi ngày vui" - Lộc chia sẻ.
Thành quả của Lộc có được sau gần nửa năm về quê là một khu vườn có nhiều loại rau trái khác nhau - Ảnh: ĐPCC
Nông dân làm YouTuber, đây cũng chính là xu hướng của rất nhiều ông lão, bà cụ thôn quê trong vài năm qua. Nhưng phải nói rõ, số lượng người trẻ chọn lựa lĩnh vực này cũng không kém cạnh thế hệ cha anh.
Ngoài kênh "Tô Tiểu Tường" của Lộc và Nghĩa làm về cuộc sống nông dân thôn quê ở Thái Bình, còn có kênh "Khói lam chiều" (Mỹ Duyên) đậm chất miền Tây sông nước, "Bếp trên đỉnh đồi" (Tâm An) dạt dào hơi thở cuộc sống vùng cao, hay "Ẩm thực mẹ làm" (Đồng Văn Cường) với những món ăn thôn quê của mẹ.
TTO - Kênh 'Ẩm thực mẹ làm' chinh phục trái tim của người xem bởi những thước phim bình dị về người mẹ với các món ăn thôn quê gắn bó với ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam.