Chuyên mục  


Đối với độc giả đã quen với lối viết nhẹ nhàng mà thâm trầm của nhà thơ Trần Lê Sơn Ý suốt mười mấy năm qua hẳn sẽ gặp Thương một tình thương cuộc chuyện trò của tình bạn lâu năm. Đây là tập tản văn mới nhấtcủa Trần Lê Sơn Ý, do Phanbook và NXB Lao động vừa phát hành.

1. Tập sách chia thành 2 phần là "Vào ra cửa nhà", "Bánh mì và bó dạ lan hương", với gần 50 bài viết sâu sắc mà cũng không kém phần hài hước. Ví dụ như khi chị nói chuyện Ba mẹ… trời ơi!: Con gái chị có một cô bạn học. Cô bạn này có người mẹ ám ảnh chuyện thành tích học tập, sẵn sàng la mắng con, thậm chí chửi con ngu ngốc trước mặt bạn bè. Nhưng cuối cùng, cô bé vẫn tìm được đường đi du học.

"Có lẽ con đã suy tư nhiều quá rồi. Hay là mẹ cũng nên "trời ơi" chút xíu để con có động lực?" - tôi đùa (trang 20). Câu chuyện tưởng chừng dễ gây một không khí bức rứt, lại được hóa giải bằng nụ cười mỉm duyên dáng như thế.

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý

Bàng bạc trong văn Trần Lê Sơn Ý là nụ cười, một nụ cười thấu hiểu, vị tha, một nụ cười thông cảm, một nụ cười như lời hò hẹn của tình thương gặp tình thương. Như có lần chị đã viết trong bài thơ Hẹn nhau một nụ cười:

Hẹn nhau một nụ cười

Giữa những làn xe

Ào ạt

Nụ cười không dừng lại mà trôi

Người đi xuôi ngược

Nụ cười thành đóa hoa bất thần

Nở giữa đi về dào dạt

Tôi cắm trong bình tôi

Ngày mai

Tản văn cũng đầy những hò hẹn, những hò hẹn với tương lai, với hy vọng, với những điều dung dị bình thường của cuộc sống. Những điều bình thường bé mọn mà đôi khi chúng ta không nhận ra cho đến một khoảnh khắc đủ duyên để ngộ như chuyện một bà nội trợ tuổi 50 lần đầu tiên trong đời nhận ra vẻ đẹp của những hạt đậu, trong bài Thiền của bà nội trợ. Một cái tên đầy hứa hẹn để đặt cho một cuốn sách riêng, bổ sung vào "kho tàng" sách chữa lành trong thời buổi mà từ chữa lành đã thành thời thượng, dễ dàng đính lên bất cứ thứ gì.

Vượt qua những mòn sáo "chữa lành", Trần Lê Sơn Ý biết được thật ra việc nhìn nhận, thoát khỏi tâm trạng bất ổn là một nhu cầu thành thực và không chỉ nhất thời. Trong bài Đến đây chỉ để trầm cảm, chị đã dẫn lại "Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai năm 2021 cho thấy, tại Việt Nam hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 - 40.000 người (theo báo Lao động). Theo WHO, có tới hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương" (trang 182).

thuong-mot-tinh-thuong-1736898912317562336774.jpg

Tập tản văn “Thương một tình thương”

Chị biết rằng không thể hy vọng những đau khổ biến mất hoàn toàn và chị đề xuất một giải pháp tình thương. "Tôi thích nghĩ yêu thương giống như một chiếc áo hơn, ta có thể mặc nó và đương đầu với nỗi khổ của ta và cả nỗi khổ của người" (trang 184). Đó cũng là thông điệp chính của tác phẩm, được thể hiện ra ngay từ tên sách: Thương một tình thương.

Ta có thể dễ nhận ra ở tản văn của Trần Lê Sơn Ý một tinh thần của Phật môn. Nhưng những trang viết của chị chối từ những lý thuyết cao siêu, những diễn giải phức tạp. Chị đi tìm tinh thần nhà Phật trong mọi lẽ của cuộc sống, thấy nó lúc lấp lánh, lúc ẩn tàng trong các sự vật sự việc quanh mình.

Bồ-đề-tâm có thể là một khái niệm khó hiểu đối với những độc giả không quen với Phật học. Theo Trần Lê Sơn Ý, có thể cắt nghĩa bồ-đề-tâm "một cách giản dị nhất chính là tình yêu thương, tất nhiên là yêu thương không dính mắc" (trang 184).

2. Hữu duyên mà gặp nhau trong tinh thần nhà Phật, những ngày đầu năm 2025, độc giả ở TP.HCM có cơ hội được lắng nghe chia sẻ của 2 tác giả Nguyễn Tường Bách và Trần Lê Sơn Ý bàn về chủ đề Sống trong bão táp truyền thông.

Thiết nghĩ đây là chủ đề hấp dẫn trong thời buổi bùng nổ công nghệ thông tin, khi mà nhân loại sống bất kỳ đâu trong thế giới đều đang bị công nghệ tác động, chi phối hàng ngày hàng giờ.

yeu-thuong-17368989122621809340173.jpg

Chị từng tạo ấn tượng với tập tản văn “Yêu thương là tự do” (2018)

Trong một thế giới như vậy, những câu hỏi căn bản và muôn thuở như hạnh phúc đích thực là gì vẫn là tiếng vọng chân thành mà con người khắp nơi hằng khao khát.

Nguyễn Tường Bách là tác giả nổi tiếng với nhiều đầu sách như Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Mùi hương trầm, Mộng đời bất tuyệt… Tác phẩm mới nhất của ông được xuất bản là Cân bằng trong khủng hoảng, tập hợp những bài bình luận, đối thoại của ông với nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên về các chủ đề như giáo dục, môi trường, sức khỏe, tôn giáo…

Nguyễn Tường Bách hơn nửa thế kỷ sống ở hải ngoại. Trần Lê Sơn Ý sinh sống trong nước. Cuộc trò chuyện giữa 2 tác giả thuộc 2 hai thế hệ đã soi tỏ thêm những nan đề của cuộc sống hiện đại mà ngày nay chúng ta phải đối mặt. Cũng là dịp để độc giả hiểu thêm về tác phẩm Thương một tình thương.

Dù nói về vấn đề gì, ta vẫn thấy Trần Lê Sơn Ý có cái nhìn "cúi xuống thật gần". Thế giới của chị là gia đình, từ đó chị thấy xã hội, rồi từ xã hội soi chiếu trở lại cuộc sống gia đình. Đọc tác phẩm của Trần Lê Sơn Ý có cảm giác được chị dắt đi giới thiệu những người thân, người quen mà chị gặp gỡ, nói chuyện. Là ngồi xuống thật yên bình để lắng nghe chị tâm tình, là thấy đời còn có tình thương và chính vì thế chúng ta càng phải nâng niu tình thương ấy.

Trần Lê Sơn Ý quê Bình Định, hiện sống ở TP.HCM. Chị viết nhiều thể loại, từ thơ ca đến tản văn, báo chí… Các tác phẩm có thể kể đến như Cơn ngạt thở tình cờ (thơ, 2007), Yêu thương là tự do (tản văn, 2018), Sao con hỏi mà con kiến không trả lời (ghi chép, 2018)...

Ngày Thơ Việt Nam 2024: Cổ vũ phong trào sáng tạo văn học nghệ thuật

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020