Chuyên mục  


Ngày 9.12, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cho biết khán giả đại lục tiếp tục thể hiện sự phẫn nộ cao độ đối với đoàn làm phim Thợ săn quái vật khi họ không chấp nhận lời xin lỗi của đạo diễn, diễn viên trong dự án. Nguyên nhân là một nhân vật trong phim "vạ miệng" khi nói một câu thoại có hàm ý miệt thị người Trung Quốc: "Nhìn đầu gối của tôi này". Khi được hỏi đó là loại đầu gối nào, nhân vật này trả lời: "Là người Trung Quốc". 
Câu thoại do biên kịch Paul W. S.Anderson, đồng thời cũng là đạo diễn phim đưa vào sử dụng lối chơi chữ "Chi-knees" ("Chi" viết tắt của Trung Quốc và "knee" là đầu gối). Nhiều khán giả Trung Quốc, sau khi xem tác phẩm này tại rạp (sau đó nó được giới kiểm duyệt lập tức gỡ khỏi các rạp chiếu) vô cùng phẫn nộ và cho rằng câu thoại này có nguồn gốc sâu xa từ một câu ngâm nga "Chinese, Japanese, dirty knees, look at these" (tạm dịch: Dân Trung Quốc, dân Nhật Bản, đầu gối bẩn, nhìn xem kìa". Câu này được cho là được sử dụng nhiều ở cộng đồng nói tiếng Anh với ý đồ miệt thị người châu Á nói chung và Trung Quốc, Nhật Bản nói riêng. 
Ngày 8.12 vừa qua, đạo diễn Paul W. S.Anderson và nam diễn viên Jin Au Yeung, người hóa thân thành nhân vật nói câu thoại trong phim, đã đăng đàn trước truyền thông để chính thức nói lời xin lỗi. Dẫu vậy, tờ Thời báo Hoàn Cầu nhấn mạnh, khán giả Trung Quốc vẫn không nguôi giận và thậm chí, họ sẽ không ủng hộ bất kỳ một phiên bản chỉnh sửa nào của Thợ săn quái vật sắp tới nếu nó lại được ra rạp. 

Phim Thợ săn quái vật chiếu ngày 4.12 ở Trung Quốc nhưng sau đó bị rút khỏi tất cả các rạp

Ảnh: Sony

Trước đó, trong tâm thư mà đạo diễn Paul W. S.Anderson gửi đến Deadline, ông cho rằng bản thân hoàn toàn sụp đổ khi biết tác phẩm của mình vô tình khiến cho khán giả đại lục ghét đến vậy. Nhà làm phim bộc bạch: "Tôi xin lỗi mọi người về sự lo lắng, buồn bã mà câu thoại gây ra cũng như những diễn giải xảy ra sau đó...". Đồng thời "cha đẻ" phim Alien vs. Predator cho biết bản thân không có bất kỳ chủ đích nào làm tổn thương khán giả. Còn đối với nam diễn viên Jin Au Yeung, anh cũng đã đăng tải clip dài 3 phút trên tài khoản Instagram cá nhân để "trần tình" rằng câu thoại trên phim cũng khiến anh vô cùng đau đớn. 

Cư dân mạng xứ Trung viết gì? 

Cư dân mạng trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc là Weibo không ngần ngại dùng những lời lẽ nặng nề đối với các nhà làm phim, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lại. Một người (giấu danh tính) viết: "Xin lỗi là cần thiết, nhưng lỗi lầm thì rất khó để tha thứ"; "Bài học ở đây là, với trải nghiệm của một biên kịch, nếu anh không biết viết điều vui nhộn, thì đừng viết. Mặt khác, anh đang đùa với lửa và xứng đáng để nhận một kết cục không hay ho"; "Tôi sẽ không xem lại nó nếu như nó tái xuất xưởng, mong là phim này không ảnh hưởng đến game"... 

Phim Thợ săn quái vật có sự tham gia của nhiều diễn viên như Milla Jovovich (ảnh), Tony Jaa...

Ảnh: Sony

Thợ săn quái vật là dự án được đầu tư kinh phí lên đến 60 triệu USD. Phim có sự hợp tác của các hãng phim ở các quốc gia khác nhau như Screen Gems (Mỹ), Constantin Film (Đức), Tencent Pictures (Trung Quốc), Toho (Nhật Bản)... và Sony chịu trách nhiệm phân phối dự án này trên khắp thế giới. Dựa trên "vũ trụ trò chơi" cùng tên là Monster Hunter của hãng game Nhật Bản là Capcom, kể về một nhóm chiến binh chiến đấu chống lại quái vật khổng lồ trong thế giới giả tưởng. 
Tính đến hiện tại, theo số liệu cập nhật trên Box Office Mojo, doanh thu toàn cầu của Thợ săn quái vật là 2,65 triệu USD (trong đó doanh thu ở Đài Loan là 1,5 triệu USD). Trên thực tế, có thể doanh thu của Monster Hunter cao hơn nhiều. Bởi hồi thứ 6 tuần vừa rồi, ngày tác phẩm này lần đầu ra rạp tại Trung Quốc, phim thu về số tiền 5,19 triệu USD, sau đó nó kiếm thêm 1,18 triệu USD trước khi bị "thổi bay" khỏi thị trường đại lục. Một nguồn tin từ nền tảng bán vé Maoyan nói với báo giới rằng toàn bộ số liệu doanh thu của phim bị gỡ khỏi nền tảng này sau khi phim bị rút khỏi các rạp xứ Trung. 

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020