Thuyết minh viên giới thiệu các hiện vật khắc ngà Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản - Ảnh: T.T.D.
Sáng 26-8, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập, đồng thời đánh dấu 95 năm ra đời của Bảo tàng Blanchard de la Brosse (tên gọi trước đây của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM).
Dịp này, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khai mạc trưng bày chuyên đề "Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ của các nền văn hóa" và khánh thành phòng trưng bày chuyên đề "Thương mại hàng hải - Di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên Biển Đông".
Kho báu trên những con tàu đắm
Trong không gian trưng bày chuyên đề "Thương mại hàng hải - Di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên biển Đông" có hàng trăm hiện vật gồm bình, lọ, tô, chén, tượng Phật… trên các con tàu đắm.
Đó là đồ gốm Trung Quốc thời Thanh - Khang Hi trên con tàu đắm ở Hòn Cau (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); đồ gốm Chương Châu (Trung Quốc) thế kỷ 17 tìm thấy trên con tàu đắm ở Bình Thuận;
Đồ gốm Trung Quốc thế kỷ 13 trên con tàu đắm ở Bình Châu, tỉnh Quảng Ngãi; gốm Trung Quốc thời Thanh - Ung Chính tìm thấy trên con tàu đắm tại Cà Mau.
Từ năm 1997 đến 2000, các chuyên gia khảo cổ học thu được hơn 240.000 hiện vật trong con tàu đắm tại Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam).
Ngoài ít đồ gốm Trung Quốc, Thái Lan, Chăm Pa; hiện vật chủ yếu là gốm Chu Đậu (Việt Nam) thế kỷ 15, chủ yếu là dòng gốm gia dụng.
Còn trên con tàu đắm ở Hòn Dầm, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, hơn 16.000 cổ vật, phần lớn là gốm men ngọc và men nâu được trục vớt. Các hiện vật chủ yếu là gốm Thái Lan như các lọ nhỏ, hũ có hai quai, bát nhỏ, tô, dĩa…
Các hiện vật này góp phần mang đến cho khách tham quan nhiều thông tin bổ ích.
Gốm Trung Quốc thế kỷ 17 được tìm thấy trên tàu đắm ở Bình Thuận - Ảnh: T.T.D.
Chồng chén dĩa kết dính (Sứ men xanh trắng) và các hiện vật Trung Quốc được trục vớt từ xác tàu đắm - Ảnh: T.T.D.
Ngắm hơn 150 "kỳ quan" đặc sắc
Trưng bày chuyên đề "Cổ đổng kỳ quan - Nơi hội tụ của các nền văn hóa" giới thiệu hơn 150 hiện vật tiêu biểu, được xem là những "kỳ quan" đặc sắc.
Các hiện vật này được sắp xếp thành bốn nhóm chủ đề chính: nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á, mỹ thuật Trung Quốc, Nhật Bản và mỹ thuật Việt Nam.
Điểm nhấn của chủ đề nghệ thuật Ấn Độ ở Đông Nam Á là các loại tượng thờ, phù điêu trang trí bị ảnh hưởng của Hindu giáo và Phật giáo.
Chất liệu chính được làm từ đá, kim loại, thuộc văn hóa Chăm Pa, văn hóa Óc Eo và một số nước trong khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Campuchia, Lào).
Các hiện vật đáng chú ý khác có trong triển lãm này là đồ tế lễ bằng đồng, trang sức vàng, bộ tranh khắc gỗ thể hiện văn hóa của Ấn Độ.
Khách xem hiện vật chạm khắc ngà Trung Quốc - Ảnh: T.T.D.
Trang sức bằng vàng của Ấn Độ - Ảnh: T.T.D.
Không gian mỹ thuật Trung Quốc giới thiệu các hiện vật làm trên chất liệu ngà (ấn triện, thẻ ngà, ống cắm bút, trấn phong…), gốm men ngọc và gốm men xanh trắng.
Các hiện vật thể hiện mỹ thuật Satsuma thế kỷ 17 là điểm nhấn của chủ đề mỹ thuật Nhật Bản. Ngoài ra, khám thờ Butsudan, tượng Phật bằng gỗ thếp vàng, vật trang trí bằng ngà cũng thu hút người xem.
Riêng mỹ thuật Việt Nam, bảo tàng giới thiệu các hiện vật đồ đồng gồm nhóm cổ khí Minh Mạng (các loại đồ thờ cúng có khắc bài minh bằng chữ Hán, lời răn dạy của nhà vua) và nhóm hiện vật đồng tam khí (tượng Phật, đồ thờ cúng, đồ gia dụng). Đặc biệt là các đồ gốm kích thước lớn vốn sử dụng trong cung đình triều Nguyễn.
Trưng bày chuyên đề diễn ra từ ngày 26-8 đến hết ngày 31-10.
Tiên phong ứng dụng công nghệ
Tại lễ kỷ niệm, ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - ôn lại truyền thống, lịch sử của bảo tàng, đồng thời giới thiệu bộ nhận diện "thương hiệu" mới của bảo tàng.
"Chúng tôi giới thiệu phần mềm thuyết minh tự động để phục vụ công chúng tham quan bảo tàng có thêm những trải nghiệm mang tính cá nhân hấp dẫn hơn, tăng tính hiệu quả trong quản lý và vận hành bảo tàng trong thời đại công nghệ 4.0" - ông Anh Tuấn nhấn mạnh.
Các hiện vật được nhà sưu tầm hiến tặng cho bảo tàng - Ảnh: T.T.D.
Ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - đánh giá cao sự đóng góp của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM trong hệ thống bảo tàng, ngành văn hóa thể thao.
Ông nói 45 năm qua, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM không ngừng phát triển và hoàn thiện, trở thành địa điểm lưu giữ, tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa đáng tự hào của dân tộc.
"Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là một trong những bảo tàng tiên phong của thành phố trong việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số thông qua công tác trưng bày, giáo dục, truyền thông" - ông Trần Thế Thuận nhấn mạnh.
Bảo tàng được bình chọn "1 trong 10 điểm tham quan hấp dẫn" nhiều năm liền và "1 trong 100 điều thú vị của TP.HCM" do Sở Du lịch TP.HCM bình chọn.
Dịp này, 28 nhà sưu tầm trao tặng gần 200 hiện vật cho Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là một trong những bảo tàng có lịch sử hình thành lâu đời.
Bảo tàng có tên gọi ban đầu là Musée Blanchard de la Brosse, được xây dựng vào năm 1927. Đến năm 1929, bảo tàng đi vào hoạt động là nơi lưu giữ và trưng bày cổ vật thuộc các nền văn hóa phương Đông.