Nghệ sĩ Hùng Vương (trái, vai Lê Lợi) và Tú Sương (vai Trịnh Thị Ngọc Lữ, vợ của Lê Lợi) - Ảnh: LINH ĐOAN
Long phụng kỳ tài (tác giả: Phạm Văn Đằng, đạo diễn: Lê Trung Thảo) là vở cải lương sử Việt.
Chọn một kịch bản sử Việt để khai trương sân khấu mới, các nghệ sĩ trẻ đã bày tỏ tấm lòng với văn hóa dân tộc và có dấu ấn khởi đầu khá đẹp.
Long phụng kỳ tài, cùng chung vai đánh đuổi ngoại xâm
Long phụng kỳ tài là câu chuyện 10 năm trường kỳ đánh đuổi đại quân Minh của Lê Lợi, sau đó ông lên ngôi trở thành vua Lê Thái Tổ.
Vở lấy bối cảnh đất nước ta chịu sự đô hộ của nhà Minh, dân chúng lầm than, bị áp bức bóc lột, nỗi đau thấu trời xanh.
Đứng trước nghiệt cảnh đó, Lê Lợi đã âm thầm chiêu hiền đãi sĩ, tập hợp quân binh để chờ thời cơ đánh đuổi ngoại xâm.
10 năm trường kỳ với những chiến thuật quân sự tài tình để đối phó với đạo quân hùng mạnh của ông đã trở thành bài học cho các thế hệ sau về tinh thần chiến đấu kiên trì, bền bỉ giành lại bình yên cho dân tộc.
Có thể nói chọn dựng kịch bản sử Việt mới toanh trong thời buổi nhiều khán giả vẫn chuộng cải lương tích Tàu là quyết định khá mạo hiểm của những người trẻ ở Thiên Long.
Trong tối khai trương, lượng vé bán ra chỉ đạt khoảng 70% nên nhiều người hiểu rằng lần đầu tư này vở cầm chắc lỗ.
Vở diễn ca ngợi tình yêu nước, nêu cao tinh thần chống giặc ngoại xâm - Ảnh: LINH ĐOAN
Dù vậy, vở bước đầu đã ghi điểm với nhiều nỗ lực. Long phụng kỳ tài được dàn dựng sạch sẽ, không đưa những mảng miếng hài thừa thãi làm hỏng tổng thể chung.
Trang phục dung dị, phù hợp. Các bài bản cải lương viết hay, làm mềm đi không khí của một đề tài dễ khô khan nên khiến người xem dễ tiếp nhận.
Chờ đợi sự hoàn thiện
Lâu lâu cải lương mới có kịch bản sử Việt mới nên Long phụng kỳ tài không tránh khỏi sự kỳ vọng của khán giả và người làm nghề.
Trước buổi ra mắt, vì nhiều lý do nghệ sĩ Ngân Tuấn không đảm nhận vai Lê Lợi. Vì vậy, kép trẻ Hùng Vương đã phải cấp tốc tập luyện để thay vai trong sự lo lắng của nhiều người.
Hùng Vương từng là quán quân của chương trình cải lương Tài danh tân cổ. Trong thời gian ngắn mà những gì Hùng Vương thể hiện được trong tối 24-8 là nỗ lực đáng khen.
Anh tạo được phong thái điềm đạm, chững chạc trong ca diễn. Tuy nhiên, để khắc họa sâu hơn tầm vóc của vai diễn Lê Lợi thì Hùng Vương cần thêm thời gian để thấm vai diễn.
Nhìn chung tổng thể vở diễn thì nhân vật Lê Lợi vẫn gây tiếc nuối khi còn thiếu điểm nhấn để nêu bật vai trò của ông trong cuộc chiến.
Nhắc đến Lê Lợi mà không có nhân vật Lê Lai cũng là điều thiếu sót. Vở đã bỏ qua một số chi tiết khiến khán giả… rối não!
Cảnh trong vở diễn Long phụng kỳ tài - Ảnh: LINH ĐOAN
Tên vở Long phụng kỳ tài cũng có vẻ "lạc quẻ" vì vở không nhấn mạnh, không làm rõ được ý nghĩa ngắn gọn qua tên gọi.
Chẳng hạn, trong cuộc chiến, khi mọi người đang gọi Lê Lợi là "Lê động chủ" thì sang cảnh sau đã gọi là "bệ hạ" mà không có sự lý giải khiến người xem… thắc mắc.
Dựng một vở sử Việt luôn là điều không dễ dàng. Người xem vẫn mong sau buổi ra mắt, ê kíp tiếp tục hoàn thiện để những suất diễn nối tiếp vở sẽ sâu sắc hơn, trở thành khúc tráng ca về tinh thần giữ nước hào hùng của tiền nhân.
Ngoài Hùng Vương, Long phụng kỳ tài còn có sự tham gia của các nghệ sĩ Tú Sương, Lê Trung Thảo, Thy Nhung, Nguyễn Văn Mẹo, Chí Bảo, Hoàng Chương, Mỹ Lệ…