Tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung và sách Lửa trời đuôi cáo - 100+ câu chuyện Phần Lan - Ảnh: TRUNG ANH
Sách Lửa trời đuôi cáo - 100+ câu chuyện Phần Lan của tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung vừa tái bản, gồm hơn 100 bài viết cung cấp cho độc giả một bức tranh khá toàn diện về thiên nhiên, ẩm thực, con người, ngôn ngữ, văn hóa, nền giáo dục... ở đất nước Phần Lan, xứ sở của ông già Noel.
Chúng tôi không phải là những người hạnh phúc nhất...
Trong sách, Đỗ Thị Hồng Nhung có đề cập đến khía cạnh hạnh phúc của người Phần Lan khi quốc gia này luôn đứng đầu trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới suốt 7 năm liên tiếp (2018 - 2024).
Sách Lửa trời đuôi cáo - 100+ câu chuyện Phần Lan - Ảnh: TRUNG ANH
Năm 1993, chương trình "60 phút" của đài CBS phát một đoạn clip ngắn về Phần Lan.
Đầu clip đặc tả cảnh người dân Helsinki đang đi bộ đến chỗ làm, với lời bình như sau:
"Không có quốc tang nào ở đây, chỉ là những người Phần ở trạng thái tự nhiên, đầy lo nghĩ và đắm chìm trong sự riêng tư, nhất quyết không giao thiệp với ai ngoài bản thân họ.
Những con người nhút nhát nhất địa cầu, buồn chán và tự hào về điều đó".
Đỗ Thị Hồng Nhung nhận định: "30 năm đã trôi qua, biểu cảm khuôn mặt người Phần không thay đổi mấy. Họ vẫn dè dặt và u sầu như cũ.
Nếu nụ cười là thước đo hạnh phúc thì người Phần sẽ rơi vào tốp cuối của bảng xếp hạng".
Trong một bài phỏng vấn năm 2022, cựu tổng thống Tarja Halonen cho rằng: "Chúng tôi không nói mình hạnh phúc nhất thế giới. Nhưng xã hội Phần Lan luôn cố gắng làm cho cuộc sống của công dân dễ dàng nhất có thể... Có lẽ chúng tôi không phải là những người hạnh phúc nhất thế giới, mà là những người ít bất hạnh nhất".
Đâu là thước đo hạnh phúc của người Phần Lan?
Theo tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung, Báo cáo Hạnh phúc không thiên về cảm xúc buồn vui thể hiện qua những nụ cười hay biểu cảm gương mặt.
Thay vào đó, nó đánh giá chất lượng sống và kỳ vọng của người dân trên 6 lĩnh vực: thu nhập bình quân đầu người, phúc lợi xã hội, số năm sống khỏe mạnh, tự do, tính hào phóng và tình trạng tham nhũng.
So với nhiều nước trên thế giới, hoàn cảnh sống ở Phần Lan rất tốt: tỉ lệ nghèo đói, vô gia cư cực thấp. Mọi công dân được tiếp cận miễn phí nền giáo dục, y tế chất lượng cao; chế độ thai sản hào phóng dành cho cả phụ nữ và nam giới; những kỳ nghỉ dài được hưởng trọn lương...
Chất lượng sống của mỗi công dân được đảm bảo nhờ phúc lợi xã hội. Nếu chẳng may trụ cột gia đình mất việc, đau yếu hay gặp tai nạn, vợ con họ vẫn ấm no, được chăm sóc y tế, học hành đầy đủ.
Tác giả Đỗ Thị Hồng Nhung (áo dài xanh) chụp hình cùng độc giả trong sự kiện ra mắt sách - Ảnh: TRUNG ANH
Thêm nữa, do ảnh hưởng lâu dài của Giáo hội Luther, tâm lý "làm người bình thường" ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Phần Lan.
Quan niệm này thể hiện rõ nét trong Luật Jante (Phép tắc của người bình thường), đặt ra giới hạn thực tế cho những kỳ vọng của con người về cuộc sống tốt đẹp.
Đỗ Thị Hồng Nhung phân tích: "Người Phần được giáo dục để tin rằng những gì họ đang có là tốt nhất có thể hoặc gần mức lý tưởng lắm rồi.
Tư duy đó giải thích tại sao người Phần hạnh phúc nhất thế giới...".
Hỏi tác giả Hồng Nhung: "Vậy kiểu hạnh phúc của người Phần Lan có thể ứng dụng cho cả người Việt?".
Cô nói: "Không có một 'công thức' hạnh phúc chung cho mọi người trên thế giới, nhất là khi điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội quá khác biệt nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ có vài điều rất đáng học hỏi ở người Phần để sống hạnh phúc hơn như việc yêu thiên nhiên, 'bình thường hóa' chuyện thất bại, khiêm tốn, giản dị".