Chuyên mục  


Buổi "rì rầm" hôm nay sẽ nói đến những "người lạ" trên đất Đông Sơn Giao Chỉ. Nhưng tôi muốn dành vài lời để nhấn mạnh lại vị trí của vùng Đông Sơn Cửu Chân, nơi đã tiếp nhận những người lạ đến từ phía tây.

1. Vào những năm trước Công nguyên, thương mại thế giới Đông - Tây phát triển rất mạnh. Sức lan tỏa từ các trung tâm văn minh Hy - La vùng Địa Trung Hải, Ba Tư vùng Lưỡng Hà, Ấn Độ đã bùng nổ và lan tỏa về phía đông cả theo tuyến đường bộ lẫn đường biển, chắp nối với các nền văn hóa phương Đông, trong đó văn minh Trung Hoa cổ đại cũng đang thời kỳ "bung lụa". Các cảng thị ven biển Đông Nam Á nhanh chóng xuất hiện và trở thành những điểm đến, đậu của các thương thuyền Ba Tư, Ả Rập, Ấn Độ như: Java, Khao Sam Keo, Óc Eo, Trà Kiệu, Lạch Trường, Bạch Đằng, Luy Lâu, Hợp Phố…

Con dấu bằng đồng “Tư Phố Hầu Ấn” 胥浦侯印 (âm bản gốc bên trái) và dương bản lật (bên phải). Hiện vật do thương nhân Bỉ tên là Huet sưu tầm ở Thanh Hóa 1936, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hoàng gia Bỉ ở Brussel

Cùng với thương nhân, hàng hóa các thương thuyền đến từ phía Tây cũng là phương tiện vận chuyển tăng lữ và các vật liệu truyền bá tôn giáo đến những vùng đất mới. Hiện thấy rõ nét và đông đảo nhất là thương nhân, tăng lữ của các vùng và giáo phái đến từ thế giới Ấn Độ. Xu hướng lan tỏa trên lãnh thổ Việt Nam theo đường biển là từ Nam lên Bắc và cũng cả một hướng đường bộ từ Tây Bắc qua Vân Nam theo sông Hồng vào.

2. Như đã nhắc đến từ bài trước, thời kỳ phát triển giao lưu quốc tế Đông - Tây đó diễn ra mạnh mẽ vào thời kỳ miền bắc Việt Nam trong trạng thái đơn vị hành chính của nhà Hán: Giao Châu với 3 quận đông dân và giàu có nhất trong tổng số 9 quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Dấu vết giao lưu Đông - Tây in khá đậm ở vùng cửa sông Thu Bồn - phía nam quận Nhật Nam, nơi phân bố dày đặc di tích văn hóa Sa Huỳnh, dẫn đến sự thắng thế của xu hướng Ấn Độ hóa trong dân cư bản địa.

anh-8-1736381324083609774829.jpg

Một cụm đồ đồng niên đại Đông Sơn mang đặc trưng tín ngưỡng Ấn Độ cổ đại được đúc bằng hợp kim đồng với hàm lượng thiếc cao phát hiện ở Hòa Bình. Hiện vật đang bày tại Chùa Thông, Đông Sơn, TP Thanh Hóa

Tiếp liền với Nhật Nam và sau đó là Lâm Ấp về phía bắc chính là địa bàn phân bố các huyện của quận Cửu Chân với mật độ dân số đầu Công nguyên cao nhất trong 9 quận Giao Châu (13 người trên một km2). Cửa Lạch Trường với mật độ mộ gạch kiểu Hán đậm đặc được coi như cửa cảng sông Mã cổ dẫn các thương thuyền vào trung tâm Cửu Chân khi đó là Đông Sơn và Tư Phố (Làng Giàng - Thiệu Dương).

Cây đèn thần Lạch Trường mà tôi đã nhắc đến nhiều khi "rì rầm" kể về kỹ năng đèn trong loạt bài "Tạo sáng Đông Sơn" là do Olop Janse đào được trong một ngôi mộ gạch ở cảng này. Với việc phát hiện mặt đá intaglio tại Nông Cống, có thể phỏng đoán cửa Lạch Ghép (sông Yên) xưa cũng là một cảng thị cổ. Một vài diễn giải như vậy để hiểu bối cảnh chung của sự gia tăng các yếu tố "người lạ Thiên Trúc" tại thủ phủ Cửu Chân, cũng như sau đây, tại cửa cảng và thủ phủ Giao Chỉ đương thời.

2ghep-17363813242671461945279.jpg

Ấn đồng lạ, chuôi hình hổ, niên đại đầu Công nguyên phát hiện ở Bắc Ninh (hình trái) và ký tự lạ trên mặt in của chiếc ấn (hình phải). Hiện vật lưu tại Bảo tàng Tiền sử Phạm Huy Thông (Kim Bôi, Hòa Bình)

Giao Chỉ vào khoảng trước sau Công nguyên là một trong những quận lớn nhất Giao Châu cả về số người (trên 700 ngàn khẩu) lẫn lượng thóc thuế, muối, lâm thổ hải sản đóng nộp cho triều đình nhà Hán. Số lượng mộ gạch kiểu Hán ở vùng cửa cảng Bạch Đằng (gồm cả phía Thủy Nguyên lẫn Quảng Yên) dọc theo sông Kinh Thày, sông Đuống vào đến Luy Lâu (Dâu, Keo ở Thuận Thành, Bắc Ninh hiện nay) lên đến hàng ngàn chiếc cho thấy sự sầm uất của tuyến giao thương đương thời. Đó cũng chính là lý do biến vùng Dâu, Keo thành vùng chuyển giao tôn giáo tín ngưỡng mang màu sắc Ấn Độ giáo xâm nhập, đan xen với tín ngưỡng bản địa.

Bên cạnh con đường thủy giao thương quốc tế truyền thống, còn có một tuyến xâm nhập văn hóa Thiên Trúc theo ngả đường bộ, qua Miến Điện (Myanmar) vào Vân Nam, xuôi sông Hồng vào trung tâm Giao Chỉ.

3ghep-17363813242101391042965.jpg

Ấn đồng lạ trong một ngôi mộ thời Tần - Hán khai quật 2012 ở Lục Lương (Vân Nam, Trung Quốc)

Năm 2012, khi tham dự khai quật một khu mộ táng ngang thời với văn hóa Đông Sơn ở Lục Lương (Vân Nam, Trung Quốc), tôi đã trực tiếp chứng kiến một chiếc ấn đồng mang ký tự rất lạ trong mộ niên đại Tần - Hán (thế kỷ 3-2 trước Công nguyên). Dấu hiệu văn hóa từ Ai Lao - nhóm bộ lạc nằm giữa Miến Điện và Vân Nam (Trung Quốc) ở thượng nguồn Mê Kông, Đà Giang và Hồng Hà - đã ngự trị và lan tỏa từ đây xuống Đông Nam Á theo chân các thương nhân và tăng lữ quanh chân Hymalaya. Con dấu đồng có ký tự lạ đó dường như đồng loại với chiếc ấn đồng phát hiện ở vùng Dâu, Keo (Thuận Thành, Bắc Ninh) mà tôi đã giới thiệu ở buổi "rì rầm" thứ hai về "Người lạ trong văn hóa Đông Sơn". Chúng không phải của những người Đông Sơn Giao Chỉ hay của những người từ lãnh thổ khác của đế quốc Hán đương thời mà có lẽ của những người đến từ vùng xa nào đó ở phía Tây.

anh-6-17363813241731645771112.jpg

Bát khất thực trong một con tàu đắm đầu Công nguyên với nhiều đồ có nguồn gốc Ấn Độ, Ả Rập ở vùng cửa biển Nam Bộ nước ta

Tại Lào Cai, trong một ngôi mộ Đông Sơn Giao Châu đã phát hiện một mảnh đĩa thủy tinh rất gần với thủy tinh Ba Tư cổ đại bên cạnh một vài bát đồng khất thực có núm nổi ở trôn. Những đồ thủy tinh tương tự đã từng xuất hiện hiếm hoi trong các mộ quý tộc Nam Việt ở Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc) cũng như một số mộ quanh vùng Bạch Đằng, Luy Lâu và Tư Phố, Đông Sơn ở Việt Nam hiện nay.

anh-7-1736381324116957310711.jpg

Một loại bát khất thực mang dấu ấn kỹ thuật đúc đồng Ấn Độ cổ đại khá phổ biến ở trung tâm Cửu Chân, Giao Chỉ khoảng trước sau Công nguyên

3. Phật giáo Ấn Độ vào Giao Chỉ rất sớm, và một trong những vùng đất Phật sớm hình thành ở trung tâm Giao Chỉ chính là đất Dâu, Keo (Thuận Thành, Bắc Ninh) hiện nay. Trong những ghi chép cổ nhất còn lưu lại của lịch sử Phật giáo Viễn Đông đã ghi nhận cuốn Lục độ tập kinh đã được dịch từ gốc Phạn ngữ ra chữ Hán chính từ các nhà sư Giao Chỉ đứng đầu là Khương Tăng Hội. Chiếc nhẫn vàng có mặt đá intaglio hình nữ thần tôi đã giới thiệu tuần trước đại diện cho những "người lạ" đã đến Giao Chỉ thời đó.

anh-4-17363813241992098193276.jpg

Nhẫn vàng có mặt đá intaglio của thương nhân Ấn Độ đầu Công nguyên phát hiện ở vùng Thuận Thành, Bắc Ninh (Sưu tập tư nhân ở Hà Nội)

Hiện tại, chúng tôi đang từng bước bóc tách các vật phẩm hay các thành tố kỹ thuật Thiên Trúc đã để lại trong công nghệ đúc chế đồng Đông Sơn bản địa đương thời, trong đó, công nghệ chạm khảm, miết bóng và pha chế hợp kim với hàm lượng thiếc cao là rất đáng chú ý. Hy vọng khai quật khảo cổ học Thuận Thành, Bắc Ninh và lân cận sẽ góp phần rọi sáng vấn đề này.    

anh-5-1736381324188241479804.jpg

Nhẫn Ấn Độ đầu Công nguyên vớt từ đáy sông Mã vùng Tư Phố (Làng Giàng, Đông Sơn, Thanh Hóa)

"Hiện tại, chúng tôi đang từng bước bóc tách các vật phẩm hay các thành tố kỹ thuật Thiên Trúc đã để lại trong công nghệ đúc chế đồng Đông Sơn bản địa đương thời" - TS Nguyễn Việt.

Những "người lạ" trong văn hóa Đông Sơn (kỳ 1): Từ những bộ hài cốt khác biệt

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020