Màn trình diễn khép lại để lại nhiều ấn tượng trong lòng bạn bè quốc tế - Ảnh: NVCC
Nghệ thuật truyền thống đang gặp khó trong tìm kiếm lứa diễn viên trẻ kế thừa. Nhưng vẫn có các bạn trẻ với tình yêu đặc biệt dành cho hát bội được thắp lên từ truyền thống gia đình, từ những lần đi xem hát... vẫn cháy âm ỉ trong tim.
Có nhiều cách để yêu hát bội
Năm nghệ sĩ gen Z bao gồm Hà Trí Nhơn, Nguyễn Trần Thanh Tuấn, Nguyễn Vũ Ngọc Khánh, Doãn Thị Bảo Trang và Đỗ Hoàng Tuấn đều chọn về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM.
"Lúc học tại Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, mình được NSND Xuân Quan hướng dẫn môn vũ đạo. Xem thầy diễn, mình rất thích phong cách biểu diễn của hát bội nên xin đầu quân về nhà hát ngay khi tốt nghiệp" - Trí Nhơn "bật mí".
Còn Hoàng Tuấn thì từ hồi đi cúng đình, xem các nghệ sĩ hát bội diễn, dù chưa hiểu hát bội là gì, chỉ thấy trang phục lộng lẫy, bộ tịch, lời ca nghe lạ tai nhưng thu hút... rồi thường xuyên tham gia lớp học truyền nghề tại Nhà hát Nghệ thuật hát bội TP.HCM và theo nghề tới giờ luôn.
Riêng Thanh Tuấn từ nhỏ đã được ba và ông nội dắt đi theo khắp các đoàn để xem và học nghề gõ trống hát bội. "Mình luôn tự nhắc sẽ tiếp nối con đường này", Tuấn cho biết.
Sau này về nhà hát công tác, các bạn được đào tạo từ căn bản đến nâng cao về hát bội như hình thức trình diễn, cách hóa trang - vẽ mặt, cách hát, thoại... trung bình mất khoảng 5 - 6 năm. Nhơn nói: "Hát bội là môn theo trình thức, quy củ.
Phải mất 3 đến 4 năm luyện tập dưới sự hướng dẫn của các tiền bối, biết phối hợp giữa sức và hình thể rồi thì múa mới đẹp được".
Ban đầu các bạn nhận vai nhỏ như quần chúng, quân lính... ít thoại, ít hành động để quan sát và học hỏi. Khi vững hơn mới được giao các vai lớn hơn. Dù nhỏ hay lớn thì mọi sai sót trên sân khấu đều tạo cảm xúc không tốt cho khán giả và bạn diễn, có thể làm đứt mạch vở diễn nên bạn nào cũng nỗ lực.
Theo Thanh Tuấn, người nhạc công cũng phải hết sức tập trung. Chỉ cần gõ trống, thổi kèn, gảy đàn trật hoặc chậm một nhịp sẽ khiến cho vở diễn bị hỏng, diễn viên sượng liền.
Nhạc công cũng phải thuộc hết từng câu từng chữ, nắm tinh thần cốt lõi của vở diễn và từng vai diễn, đồng thời quan sát toàn bộ sân khấu, biết diễn viên đi ra từ cánh gà hay đi từ dưới khán giả lên để gõ trống cho phù hợp.
Hà Trí Nhơn cùng các bạn diễn múa thúng trên sân khấu - Ảnh: NVCC
Hát bội cũng có thể rất đương đại
Khi được Liên hoan sân khấu trẻ châu Á AYTF 2024 tại Chiang Mai (Thái Lan) mời, cả năm nghệ sĩ lên ý tưởng chuẩn bị sao cho phù hợp với chủ đề bảo vệ môi trường. Đây là thử thách khá khó vì các vở hát bội trước giờ có chủ đề thường là lịch sử, nhân vật anh hùng chứ không nói chuyện thời sự, đương thời.
"Được nhóm Hiếu Văn Ngư gợi ý, chúng tôi đã có một vở diễn Thiên Mộc Thùy mang màu thần thoại, lồng ghép được các thông điệp bảo vệ môi trường", Trí Nhơn cho biết.
Vở diễn kể về ba đứa trẻ cùng người cha anh dũng lên đường đi tìm báu vật để giải cứu dân làng. Hành trình đó phải đối mặt với tai ương chính là hậu quả của biến đổi khí hậu như bão tố, hạn hán...
Thật bất ngờ vì nhân vật chúa tể bóng đêm đe dọa mạng sống của dân làng chính là tự nhiên đang gào thét, rên xiết.
"Nhờ báu vật ấy mà con người có thể giao tiếp với thiên nhiên để tìm cách bảo vệ môi trường sống tốt hơn. Đó cũng là thông điệp của vở diễn", Quỳnh Nhi (nhóm Hiếu Văn Ngư) chia sẻ.
Ngọc Khánh kể thêm, để vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhóm bỏ bớt thoại, thay vào đó thể hiện nội dung qua những bộ tịch truyền thống giống như là Châu Sáng qua sông, động tác cốc khẩu ban đêm trong tuồng Lưu Kim Đính cùng vũ đạo múa đương đại.
Đến với vở diễn, Trí Nhơn xung phong thử sức diễn trong thúng. Còn có những đoạn cả ba diễn viên đứng vào thúng múa cùng lúc. "Trong vở diễn cái nào kết hợp được với múa đương đại thì chúng tôi đều đưa vào. Khi trộn cũng sợ lắm, nhưng cố gắng kết hợp sao cho ổn nhất", Nhơn nhớ lại.
Bằng những ý tưởng sáng tạo này mà vở diễn chinh phục khán giả quốc tế. Khi màn trình diễn kết thúc, từng tràng pháo tay vang lên khắp khán phòng.
Bà Claire Devine (sáng lập và điều hành AYTF) chia sẻ: "Màn trình diễn thật tuyệt vời khi các bạn có thể kết hợp chủ đề biến đổi khí hậu với tinh thần biểu diễn truyền thống. Câu chuyện, trình thức vũ đạo tuyệt vời và các diễn viên đã nỗ lực cống hiến. Tôi thấy vinh dự khi có hát bội tại sân khấu AYTF".
Bên cạnh màn biểu diễn, các nghệ sĩ trẻ còn thực hiện các buổi workshop hướng dẫn cách thể hiện điệu bộ của hát bội, giới thiệu những nét đặc trưng... thu hút rất đông người tham gia.
Đưa hát bội đến gần hơn với người trẻ
Không ngồi im chờ thời cơ đến, các nghệ sĩ trẻ đã chủ động sáng tạo nhiều cách thức mới mẻ khác nhau để đưa nghệ thuật truyền thống hát bội đến với giới trẻ qua việc lập kênh TikTok cho nhà hát, tổ chức workshop giới thiệu hát bội, vẽ mặt nạ hát bội... thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.
Đặc biệt, các bạn còn biểu diễn thể nghiệm hát bội trong không gian quán bar tại quận 1.
Một nhân vật xuất hiện trong khu vực tiểu cảnh non bộ tạo bất ngờ cho khán giả - Ảnh: Dot Drinkery & Kitchen
"Trên sân khấu của nhà hát thì mình có thể diễn các vở nhiều thoại, có nội dung và bài học sâu sắc. Nhưng trong không gian quán bar với đặc trưng âm nhạc rộn ràng, náo nhiệt thì phải chọn trích đoạn vui nhộn, biểu diễn động tác nhiều thay cho lời thoại", Hoàng Tuấn chia sẻ.
Việc xuất hiện trong không gian hẹp, bị chia nhỏ thành nhiều tiểu cảnh cũng cần phải tính toán sao cho phù hợp với tiết mục mà không làm ảnh hưởng đến khán giả.
Thay vì bước ra bình thường, các nghệ sĩ chọn xuất hiện một cách bất ngờ có khi bên ô cửa kính, lúc thì trong khu vực tiểu cảnh bonsai của quán...
Phần giao lưu tương tác với khán giả ở cự ly gần cũng giúp mọi người thấy hát bội không quá xưa cũ, khô cứng mà hoàn toàn linh hoạt trong mọi điều kiện.