Chuyên mục  


Giống như mọi lĩnh vực cuộc sống, ngành du lịch hưởng lợi đáng kể từ các tiến bộ khoa học công nghệ, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Du lịch hiện đại mang lại cho khách hàng những trải nghiệm tiện lợi tới mức "chỉ cần xách balo lên và đi" mà không cần phải băn khoăn về lịch trình, nơi ăn chốn ở, cách thức giao tiếp ở địa điểm sắp tới... như cách truyền thống.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, AI chính là xu hướng du lịch tương lai. Trí tuệ nhân tạo sẽ tập trung vào các giải pháp hiệu quả và cá nhân hóa, phù hợp nhu cầu từng du khách, giúp du lịch thuận tiện và đáng nhớ hơn. Bà Jane Sun, CEO của Trip.com Group, nhận định: "AI không chỉ thay đổi cách chúng ta du lịch, nó còn tạo ra cuộc cách mạng trải nghiệm du lịch, khiến chúng trở nên hiệu quả, trực quan và phong phú hơn".

Hiện AI được sử dụng để cải thiện trải nghiệm du khách ở mọi giai đoạn của hành trình, từ việc lên kế hoạch và đặt chỗ đến khám phá điểm đến và chia sẻ trải nghiệm.

Các ứng dụng trực tuyến là điều không thể thiếu với du khách hiện đại.

1. Chuẩn bị trước chuyến đi:

- Đề xuất điểm đến và hoạt động phù hợp: Các ứng dụng trực tuyến sử dụng AI có thể phân tích dữ liệu về sở thích, lịch sử du lịch và thói quen của du khách để đề xuất các điểm đến, hoạt động và trải nghiệm phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân.

- Tạo hành trình du lịch: Từ những đề xuất kể trên, trí tuệ nhân tạo có thể giúp du khách tạo ra hành trình du lịch phù hợp với ngân sách, thời gian và gu du lịch của mỗi người.

- Cung cấp thông tin và hỗ trợ du khách: Sau khi đã được gợi ý lịch trình, khách du lịch có thể sử dụng các ứng dụng để nhận tư vấn về thông tin điểm đến, phương tiện di chuyển, chỗ ở, nhà hàng và các dịch vụ du lịch khác bằng nhiều ngôn ngữ. Ngoài ra, du khách cũng có thể được hỗ trợ giải quyết các vấn đề khiếu nại khi có sự cố.

2. Đặt chuyến đi

- Đặt chỗ khách sạn, vé máy bay và các dịch vụ du lịch khác: Trí tuệ nhân tạo có thể tự động hóa quy trình đặt chỗ khách sạn, vé máy bay và dịch vụ du lịch, giúp du khách tiết kiệm thời gian và công sức.

- Giải đáp thắc mắc: Chatbots hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo có thể trả lời các câu hỏi của du khách về điểm đến, phương tiện di chuyển, chỗ ở, nhà hàng và các dịch vụ du lịch khác 24/7 một cách nhanh chóng, thay vì phải đợi tư vấn viên truyền thống.

3. Trong chuyến đi

- Dịch thuật: Khi du lịch nước ngoài, bạn không thể thiếu sự hỗ trợ của các ứng dụng giúp dịch thuật ngôn ngữ, giúp giao tiếp dễ dàng hơn với người dân địa phương.

- Hướng dẫn viên ảo: Một số ứng dụng có thể cung cấp hướng dẫn du lịch bằng giọng nói hoặc hình ảnh, giúp du khách khám phá điểm đến một cách tự do và độc lập. Điều này rất có ích khi đi du lịch bụi, thậm chí là đi du lịch một mình.

- Nhận diện: Nhận dạng khuôn mặt, sinh trắc học được sử dụng để làm thủ tục tại các sân bay và khách sạn, tăng cường an ninh, tạo nên trải nghiệm du lịch nhanh chóng và an toàn hơn.

Quét sinh trắc học ở sân bay là ứng dụng khoa học công nghệ quan trọng trong ngành du lịch.

- Trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường: AI có thể được sử dụng để tạo ra các trải nghiệm thực tế ảo và thực tế tăng cường (AR) giúp du khách khám phá điểm đến trước khi đi du lịch hoặc tham quan các điểm đến một cách sống động hơn như trải nghiệm bản đồ tương tác, nhập vai ở một số bảo tàng, triển lãm.

Đối với doanh nghiệp và những nhà nghiên cứu thị trường du lịch, ứng dụng khoa học công nghệ nói chung và AI nói riêng có thể giúp họ hiểu rõ hơn về hành vi của du khách thông qua dữ liệu về nhu cầu, sở thích, từ đó đưa ra các xu hướng trong tương lai.

4. Gợi ý các ứng dụng cho du khách khi đi du lịch

Đặt chỗ ở:

Booking.com, Agoda và Airbnb cho phép du khách dễ dàng tìm kiếm và đặt phòng khách sạn, căn hộ và nhà nghỉ trên toàn thế giới.

Đặt vé máy bay:

Skyscanner, Kayak và Google Flights giúp du khách so sánh giá vé máy bay từ các hãng hàng không và tìm được ưu đãi tốt nhất. Bên cạnh đó, các app của từng hãng hàng không cũng lưu lại lịch sử tìm kiếm của từng khách hàng để gửi thông báo khi có ưu đãi.

Lập kế hoạch du lịch:

TripIt, Google Trips, TripGenie giúp du khách lập kế hoạch cho hành trình của họ, bao gồm đặt chỗ, hành trình, thông tin điểm đến, nhắc nhở giờ khởi hành.

Bản đồ và định vị:

Google Maps và Waze giúp du khách dễ dàng di chuyển và tìm đường đến các địa điểm tham quan. Khi tới Trung Quốc, du khách có thể sử dụng các ứng dụng viết riêng cho thị trường này như Baidu Map, Dianping, Ctrip, Didi, Wechat... Bên cạnh đó, khi sử dụng tàu điện ngầm, bạn có thể cài ứng dụng metro ở từng thành phố để thuận tiện di chuyển.

Dù có nhiều tiến bộ, AI cũng tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ dữ liệu của du khách.

Hướng dẫn viên du lịch:

Citymapper, Guru Maps, TripAdvisor cung cấp thông tin về các địa điểm tham quan, nhà hàng, quán cà phê và các điểm tham quan khác trong khu vực.

Dịch:

Google Translate và Microsoft Translator giúp du khách giao tiếp với người dân địa phương và hiểu các bảng hiệu và thực đơn.Thực tế ảo và thực tế tăng cường:

Google Arts & Culture giúp du khách khám phá các điểm đến theo cách mới và thú vị.

Chia sẻ trải nghiệm thông qua mạng xã hội:

Facebook, Instagram, Twitter, Tiktok, Threads là nơi du khách chia sẻ ảnh, video và cập nhật trạng thái về hành trình của họ với bạn bè và gia đình.

Tuy nhiên, trí tuệ nhân tạo vẫn đang trong quá trình xây dựng, nghiên cứu và phát triển nên vẫn tiềm ẩn một số nguy cơ cần được giải quyết. Một trong số đó là vấn đề vi phạm quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, thu thập dữ liệu của du khách như thông tin cá nhân, liên kết tài khoản ngân hàng, hành vi, sở thích, từ đó có nguy cơ rò rỉ dữ liệu, gây tổn thật cho khách hàng. Việc quá phụ thuộc vào công nghệ cũng có thể khiến trải nghiệm du lịch thiếu tính tương tác giữa con người với nhau. Ngoài ra, nguy cơ cắt giảm việc làm trong ngành du lịch cũng là điều không tránh khỏi.

Nguyên Chi

Thông tin

Tổng hợp tin tự động tinmoi-247.com (r) © 2020